Thất bại của U23 Việt Nam tại Seagames 26 quả thật là một kết quả mà chúng ta khó lòng chấp nhận được, nhưng có lẽ người hâm mộ nên thấy mừng vì điều đó và đúng hơn là hãy cảm ơn vì điều đó. Nó minh chứng cho việc thế hệ trẻ của chúng ta đang đi xuống, xuống vì phong độ, vì đẳng cấp. Thực tế là đẳng cấp của họ không có nhưng đã được các ông bầu thổi giá lên trời, điều này khiến cho các cầu thủ trẻ của chúng ta mang tâm lý chủ quan, coi thường đối thủ và đặc biệt hơn họ nghĩ mình là số một. Điều đó cho thấy tầm vóc của chúng ta còn quá bé, đừng đặt hi vọng quá lớn để rồi thất vọng và ước mơ vươn tầm châu lục còn quá xa vời chứ chưa nói gì tới World Cup. Bóng đá hiện đại đang bị bóp méo bởi sự thao túng tiền bạc từ chính các đại gia thừa mứa tiền bạc, coi bóng đá là trò chơi mà họ có quyền chỉ tay năm ngón, điều này không chỉ bởi ở Việt Nam mà các giải đấu hàng đầu trên thế giới như Liga, Premier League hay Serie A đều có. Tuy nhiên ở Việt Nam lại có một điểm khác, đấy chính là thái độ thiếu chuyên nghiệp của cầu thủ, ở nước ngoài dường như họ sẵn sàng bỏ việc đánh bóng ghế dự bị cho câu lạc bộ lớn để đi tìm chỗ đứng cho mình tại câu lạc bộ bé hơn thì ở đây cầu thủ sẵn sàng hưởng mức lương cao, hoặc vừa tầm và ngồi ghế dự bị, thậm chí là cả mùa được xỏ dày vài trận từ ghế dự bị. Chính tâm lý vừa ý với mình, thái độ coi thường, thiếu nghiêm túc trong tập luyện đã thổi bay đi tất cả.
U23 Việt Nam đã thất bại một cách thảm hại
Năm 2009 người ta đã thống kê V-League là giải bóng đá hấp dẫn nhất Đông Nam Á, và một trong mười giải bóng đá hấp dẫn nhất Châu Á. Điều này nghe qua chúng ta ắt hẳn rất tự hào. Nhưng hãy xem lại một tí, hấp dẫn ở đây là lý do gì? Đấy chính là người hâm mộ của chúng ta quá nhiệt tình, đấy chính là người dân rất đam mê túc cầu giáo, họ luôn sẵn sàng bỏ thì giờ để đi cổ vũ cho đội nhà, dù xa đến đâu, dù phải vào nam hay ra bắc. Chứ thực tế là giải bóng chưa chắc đã cạnh tranh nhất, quyết liệt nhất, hoặc có thể có nhưng cũng chỉ là vài trận cầu đinh, không đủ làm tiêu biểu cho cả mùa giải. Cứ xem việc người nước ngoài đã bất ngờ như thế nào khi hàng triệu người đổ ra đường ăn mừng sau trận thắng tại Mỹ Đình và đội tuyển Quốc gia lên ngôi vô địch Đông Nam Á năm 2008, cứ xem việc HLV Goetz đã bất ngờ như thế nào khi tại sân Vinh hàng vạn người chen chúc nhau xem trận chung kết V-League hay thống kê lợi nhuận khổng lồ của BQL sân Cao Lãnh Đồng Tháp sau mỗi vòng đấu là rõ sự đam mê ấy là như thế nào.
Quay lại với thất bại của U23 Việt Nam tại Seagames năm nay, chúng ta vẫn thấy ở đó có Thành Lương, Trọng Hoàng, Long Giang, Đình Tùng, Văn Quyết,... những cầu thủ được xem là có số có má tại CLB chủ quản và giải đấu quốc nội, nhưng họ vẫn thi đấu không thành công, không tạo được một tập thể tràn đầy sức mạnh và khí thế. Nhìn lại U23 của chúng ta chỉ thể hiện được cái uy của mình trước một Brunei chưa bao giờ chứng tỏ tham vọng trong bóng đá, chứ các đội bóng trước giờ bị xếp chiếu dưới như Đông Timo, Lào hay Philippines hoàn toàn không, thậm chí là với Myanma còn cực kỳ bế tắc và bất lực. Nhìn cái cách mà họ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội trước Đông Timo là rõ ràng nhất, ở trận đấu ấy chúng ta vẫn dành chiến thắng 2-0 nhưng các tiền đạo gần như không thể sút trúng mảnh lưới đối phương dù cái khung thành đã rộng tới 7,3m. Hay như trận đấu với Myanma ở vòng bảng chúng ta cũng có thể thấy đó hoàn toàn là một trận đấu may mắn nếu không đã bị thua. Bởi lẽ, trong một trận đấu mà đối phương gần như nhường thế trận và cố thủ thì các chân sút lại không thể hiện được nhãn quan chiến thuật cùng những cú sút xa của mình như thường lệ để phá vỡ thế bế tắc cho đội bóng, Thành Lương, Trọng Hoàng những trụ cột của đội lại quá vô duyên, có lẽ người hâm mộ đã kỳ vọng quá nhiều khiến cho cầu thủ bị khớp tâm lý chăng?
Không kèn không trống ngày về
Sự nôn nóng và khát khao thể hiện cái tôi của mình đã khiến cho các cầu thủ của chúng ta biến U23 Việt Nam trở nên yếu ớt, biến cái tập thể của gần 90 triệu con tim đặt niềm tin trở nên mong manh nhất. Mỗi một cơ hội, một phút giây trôi qua trên sân ắt hẳn các cầu thủ hiểu rõ nhất cái cảm giác dài hay ngắn ấy. Trước một Indonesia tấn công dồn dập nhưng luôn bộc lộ sơ hở khi bị phản công nhưng chúng ta vẫn bất lực để đưa được bóng vào khung thành, lúc đội bóng cần một cầu thủ ghi bàn, dù chỉ là một bàn thắng để vực dậy toàn đội, vực dậy niềm hi vọng của cả người hâm mộ thì chúng ta lại không thể tìm ra được một ai có thể lĩnh hội được điều ấy. Cơ hội trôi qua cùng với biết bao thất vọng, sự vô duyên của tuyến trên đã khiến cho hàng thủ cùng toàn đội phải trả giá, một cái giá quá đắt. Thất bại trước chủ nhà Indonesia rồi sau đấy là Myanma đã khiến cho mọi thứ sụp đổ và vụn vỡ. Điều một đội bóng cần là giành chiến thắng, chiến thắng sau từng trận chứ không cần một trận thắng đậm đà.
Ở đây không phải là một bàn thua, hai bàn thua mà chính là niềm tin của người hâm mộ, chính là sự kỳ vọng của không chỉ một người, hai người mà là hàng triệu người đang dõi theo bước chân họ. Hết lần này tới lần khác, điều người ta nhận được chỉ là sự thất vọng tràn trề. Nhưng có lẽ lần này mọi thứ đi xa hơn những lẫn trước, cảm giác giống như bị lừa dối, và dội gáo nước lạnh khi mà điều người ta chứng kiến đấy là sự rạn vỡ, sự bất lực cùng với ý chí quyết tâm bị thui chột. Trước đây, người hâm mộ vẫn có thể tiếc nuối vì các cầu thủ đã cống hiến hết mình cho màu cờ sắc áo nhưng bây giờ điều người ta thấy chỉ là cái tôi cá nhân, cái tôi ích kỷ cùng sự yếu ớt buông xuôi. Không lẽ tinh thần mà những cổ động viên đã lặn lội từ Việt Nam qua Indonesia dầm mưa trên khán đài để cổ vũ còn quá ít? Không lẽ các cầu thủ chỉ khát khao chơi bóng để được các ông bầu để ý tới? Không lẽ các cầu thủ bây giờ không còn cái tinh thần dân tộc để chơi bóng cống hiến cho Tổ quốc? Vấn đề này có lẽ chính các cầu thủ hiểu rõ nhất, và tự họ sẽ có câu trả lời cho riêng mình. Còn với người hâm mộ có một điều dám chắc chắn họ sẽ không bao giờ quay lưng với đội tuyển, với U23 nhưng niềm tin của họ có lẽ cũng đang dần cạn.