Những tiếng vọng từ khán đài ở V-League 2022

 Khán đài sân Lạch Tray không còn chỗ trống trong trận tiếp Hà Nội FC ngày 23/10. Ảnh: Lâm Thoả

Cú vấp của Hà Nội trên sân Lạch Tray ngày 23/10 giúp cuộc đua vô địch được đốt nóng trở lại, sau nhiều vòng đấu mà đại diện Thủ đô thể hiện một sức mạnh tưởng như không thể ngăn cản. Nhờ thế, sự cạnh tranh ở V-League 2022 đạt được mức cân bằng có thể xem là hấp dẫn bậc nhất lịch sử. Trước năm vòng cuối, giải chưa thể xác định đội vô địch và đội xuống hạng.

Cuộc đua vô địch hiện còn ba đội - Hà Nội dẫn đầu với 40 điểm, hơn nhì bảng Hải Phòng hai điểm, trong khi Bình Định đứng thứ ba với 36 điểm. Ở cuộc chiến trụ hạng, có ít nhất bốn cái tên đang trong vùng nguy hiểm, gồm Nam Định và Sài Gòn có cùng 19 điểm, Hà Tĩnh và TP HCM cùng 18 điểm. Do giải chỉ có 13 đội, đến 60% số đội bóng đang phải căng mình trên từng vòng đấu. Đó là biểu hiện của sự hấp dẫn, kịch tính mà bất kỳ ai thích xem bóng đá nội đều muốn thấy.

Nhưng câu chuyện đang diễn ra ở SLNA lại thể hiện một trạng thái khác của V-League, một thứ mà bóng đá Việt Nam đã đấu tranh không biết bao lâu rồi nhằm xóa bỏ, nhưng xem ra nó vẫn tồn tại như một thứ nhọt trong người. Đã rất lâu rồi, CĐV xứ Nghệ mới phản ứng một cách trực diện về phong độ của đội nhà. Cái câu "đi làm kinh tế..." tưởng đã là quá khứ, nhưng đang xuất hiện trở lại. Liên tiếp hai vòng gần nhất, SLNA lần lượt thua Sài Gòn ngay trên Vinh rồi hoà chật vật 2-2 trên sân đội chót bảng TP HCM.

Trong trận hoà TP HCM tối qua, thay vì khung cảnh rợp sắc vàng của đông đảo CĐV xứ Nghệ như các mùa trước, chỉ còn một nhóm rất nhỏ người hâm mộ SLNA đến sân Thống Nhất xem đội nhà thi đấu. Phần lớn đã chuyển hướng xuống Bình Dương, cổ vũ... hàng xóm Hà Tĩnh.

Trên trang cá nhân, đội trưởng Quế Ngọc Hải khẳng định anh và các đồng đội chỉ đá kém chứ không tiêu cực. Nhưng phản ứng của người hâm mộ không thiếu căn cứ, và cũng chẳng phải là thái độ tức thời. Mùa trước, SLNA thua đến tám trận chỉ sau 12 vòng, nhưng CĐV của họ, dù chán nản, vẫn không có suy nghĩ tiêu cực về đội nhà. Tuy nhiên, khi SLNA bắt đầu sa sút từ đầu lượt về mùa này, số lượng khán giả đến sân Vinh đã sụt thảm hại. Khi tiếp Viettel ở vòng 17, chỉ 3.000 người tới sân Vinh, đến trận gặp Sài Gòn giảm xuống còn 2.000. Trong khi đó, giai đoạn lượt đi, trung bình sân Vinh đón đến 10.000 người mỗi trận.

Từ 2022, SLNA được chuyển giao cho doanh nghiệp. Tài chính không còn là trở ngại, các ngôi sao cũng hồi hương, nhưng có vẻ như con đường lấy lại hình ảnh của SLNA hào hùng còn rất xa. Kết thúc lượt đi, họ đứng thứ nhì, chỉ sau Hà Nội, với sáu chiến thắng sau 12 trận. Nhưng suốt từ đầu lượt về, đội bóng xứ Nghệ chỉ thắng đúng một trận.

HLV Nguyễn Huy Hoàng lý giải rằng do chủ trương sử dụng cầu thủ trẻ ở lượt về, thành tích SLNA không đạt yêu cầu. Vấn đề là sau lượt đi, điểm số của SLNA ngang với Bình Định và Hải Phòng (cùng 20), cách Hà Nội đến chín điểm, nhưng tại sao hai đội bóng kia không bỏ cuộc, từng bước tranh đấu để thu ngắn khoảng cách xuống chỉ còn trên dưới một trận thắng, mà SLNA thì bị nới rộng thành 13 điểm?

Giữa lượt đi và lượt về của V-League 2022 không hề có thời gian nghỉ. Việc đang đá tốt bỗng nhiên kém dần đều khó có thể là chuyện tình cờ hay kém may mắn. Hơn nữa, SLNA đang chơi rất tệ trong các trận đấu với nhóm tìm đường trụ hạng như Hà Tĩnh, Sài Gòn và TP HCM. Vì thế, nghi ngờ việc SLNA trở lại với thói quen "làm kinh tế" sau khi đã đủ điểm trụ hạng từ rất nhiều năm trước lại trỗi dậy.

Sự thật bao giờ cũng nằm trên sân cỏ. Cách mà người hâm mộ đang "từ bỏ" HAGL là minh chứng. Chuỗi chín trận không thắng của thầy trò Kiatisuk trong giai đoạn nhạy cảm của mùa giải kéo theo sự sụt giảm đáng báo động về sức hút trên khán đài. Sân Pleiku đang xuống đến mức 3.000 người mỗi trận, còn các trận có HAGL trên sân khách cũng chỉ ở mức 5.000. Từ chỗ là hiện tượng, hấp dẫn đông đảo khán giả, HAGL giờ là hiện thân cho nỗi thất vọng từ người hâm mộ, được đo lường từ chính số CĐV vào sân.

Nguy cơ xuống hạng chưa quá lớn với HAGL, chủ yếu vì các đội xếp dưới họ cũng đang khá khó khăn. Nhưng thành tích bết bát khiến họ gây phản cảm trong mắt CĐV không khác gì SLNA. Đá không quyết tâm cũng là một dạng tiêu cực. Có thể khán giả của HAGL hiền quá nên chưa nghi ngờ đội nhà "có vấn đề".

Những tiếng vọng từ khán đài mới là điều quan trọng mà V-League cần hướng đến. Màn thị uy của khán đài không còn một chỗ trống của sân Lạch Tray trong trận đấu với Hà Nội cuối tuần qua là hình mẫu. Chẳng cần "hù dọa" bằng pháo sáng từ khán đài, dưới sân, các cầu thủ của Chu Đình Nghiêm vẫn chơi một trận máu lửa đúng nghĩa và chiến thắng.

Hải Phòng còn cách Hà Nội hai điểm và đá nhiều hơn một trận nên cơ hội vô địch không quá lớn. Nhưng ít ra, nó thể hiện được quyết tâm của đội bóng đất cảng mùa này. Họ muốn vô địch và đã cho thấy tham vọng đó một cách rõ ràng, đó mới là điều quan trọng và chất liệu cốt lõi để tạo ra một giải vô địch quốc gia chất lượng. Nếu Hải Phòng cũng sớm bỏ cuộc như SLNA hay HAGL khi khoảng cách là chín điểm, liệu có còn cái gọi là cuộc đua 26 vòng đấu? Hay lúc đó V-League lại quay về câu chuyện của các "ngân hàng điểm" và những chuyến đi "làm kinh tế xa"...?

Song Việt

 


Giày Đại Phát solution
Số người online:
29706
Số người truy cập:
4798831