Nguy cơ nhiễm độc từ đồ gia dụng

Nhà sản xuất đã bỏ qua khâu quan trọng: hướng dẫn tiêu dùng và các yêu cầu bắt buộc như phải rửa sạch, ngâm trong dấm trước khi sử dụng… để xử lý các chất còn bám ở bề mặt sản phẩm; hoặc không chứa các thức ăn mặn, chua, nóng… để hạn chế tác hại của các chất độc trong sản phẩm. Tài liệu của Viện Pasteur TP.HCM chỉ rõ.

Đồ dùng bằng nhôm
 
Các gia đình vẫn thường dùng các dụng cụ đun nấu, chứa đựng thực phẩm làm bằng nhôm. Nhưng nếu dùng các đồ nhôm được chế tạo từ các nhôm phế liệu, gia công không đảm bảo công nghệ, xử lý không hết tạp chất, không tạo được bề mặt trơ với môi trường thì khi đun nấu, chứa đựng thực phẩm dễ tạo cơ hội thôi nhiễm các ion nhôm vào thực phẩm thì người ăn phải sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt khi nấu mặn, dễ tạo ra muối nhôm gây độc cho cơ thể. Dùng đồ nhôm để chứa đựng thức ăn nóng, chua, mặn, bề mặt nhôm dễ bị rỗ, giải phóng các ion nhôm vào cơ thể, tích luỹ ở tế bào não, gây ra hội chứng “lú lẫn” sớm. Biểu hiện là trí nhớ giảm sút, phản ứng trì trệ, trí năng giảm, cử động chậm chạp, cười khóc bất thường.
 
Đồ dùng sành sứ
 
Dĩa, bát, chén, ly, tách... bằng sành, sứ ngày càng được con người ưa chuộng vì mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý. Nếu các đồ này không được sản xuất đảm bảo công nghệ an toàn như: không đạt nhiệt độ nung chuẩn, vẽ nhiều hoa văn, màu sắc, sử dụng phụ gia chì với nồng độ cao để làm cho phụ gia nhanh chảy ở nhiệt độ thấp... sẽ làm hàm lượng chì càng cao.
 
Các hoa văn phần lớn đều được dán đề can hoặc vẽ trên men và nung ở nhiệt độ thấp để giữ được màu sắc đẹp. Vì vậy không thể loại hết được chì. Các đồ sành sứ này khi tiếp xúc với thực phẩm có tính axit như: dưa chua, dưa nộm, rượu, bia, nước hoa quả, nước đường, canh nóng... chì trong bột màu sẽ thôi ra từng tý một. Khi lượng chì vào cơ thể tích tụ đến một mức nhất định sẽ gây ra ngộ độc. Một trong các cách hạn chế là ngâm đồ sứ mới mua về vào trong dấm, như thế sẽ làm tan phần lớn chì còn ứ đọng.
 
Đồ dùng bằng nhựa
 
Bản chất polymer không độc. Các chất có hại cho sức khoẻ chính là các monome và các chất phụ gia của chất dẻo được trộn vào trong quy trình sản xuất.
 
Các chất phụ gia có thể được sử dụng trong công nghiệp chất dẻo là các chất ổn định được sử dụng để ngăn ngừa sự thoái biến của chất dẻo. Như muối của axit béo, muối kim loại, chất xúc tác và các chất tăng tốc, chất bôi trơn, chất chống nấm, các dẫn xuất hữu cơ thuỷ ngân...
 
Trong đó, nhiều chất có khả năng gây độc chất Azoisobutyronitril (Porophor N) ở 1.900oC giải phóng ra N2 và Tetrametyl succinic dinitril, gây nhức đầu và co giật. Chất Methyl chlorua (CH3Cl) cũng rất độc, gây tổn thương thần kinh trung ương. Chất dẻo hoá: TOCP (Triorthocresylphosphat) làm tổn thương thoái hoá thần kinh ngoại biên và tuỷ sống…
 
Do lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất đồ nhựa cố tình sử dụng các phụ gia độc hại không được phép trong sản xuất nhựa thực phẩm. Họ dùng nhựa tái sinh, tạo ra các sản phẩm nhựa kém chất lượng, khi dùng các đồ nhựa này để chứa đựng thực phẩm, nhất là thực phẩm là dầu mỡ, chua, mặn, nóng sẽ tạo cơ hội thôi nhiễm các chất độc vào thực phẩm gây ngộ độc cho người ăn.
 
Do vậy khi chọn chén, tô, dĩa, thìa… nên mua loại làm bằng nhựa melamine. Ly, dĩa, hộp thực phẩm chịu lạnh chọn sản phẩm bằng nhựa PP. Các dụng cụ chứa thực phẩm khô nên chọn sản phẩm nhựa PS, PSHI. Rổ, thau, chậu, xô nhựa nên chọn sản phẩm làm bằng nhựa PEHD. Máy xay sinh tố, vỏ bình cà phê... nên chọn sản phẩm nhựa PC, PMMA.

 

(theo Sài gòn tiếp thị)

Giày Đại Phát solution
Số người online:
22335
Số người truy cập:
4788819