Nghệ sĩ dính vào quảng cáo 'bẩn' là do thiếu chuyên nghiệp

 Có những nghệ sĩ gây khó hiểu khi quảng cáo đủ loại thuốc chữa đủ loại bệnh khác nhau: xương khớp, tê bì chân tay, trĩ, tiểu đường, thuốc kích dục... Bên cạnh đó, họ cũng gặp nguy cơ bị các nhãn hàng ăn cắp hình ảnh để đưa vào quảng cáo.

Nghệ sĩ C.T. quảng cáo viên uống tăng vòng một với công dụng chỉ sau 10 ngày vòng một có dấu hiệu căng hơn và săn chắc hơn - Ảnh chụp màn hình

Nghệ sĩ C.T. quảng cáo viên uống tăng vòng một với công dụng chỉ sau 10 ngày vòng một có dấu hiệu căng hơn và săn chắc hơn - Ảnh chụp màn hình

Có những nghệ sĩ gây khó hiểu khi quảng cáo đủ loại thuốc chữa đủ loại bệnh khác nhau: xương khớp, tê bì chân tay, trĩ, tiểu đường, thuốc kích dục... Bên cạnh đó, họ cũng gặp nguy cơ bị các nhãn hàng ăn cắp hình ảnh để đưa vào quảng cáo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia nhận định để tránh quảng cáo "bẩn", nghệ sĩ nên hợp tác với các công ty trung gian có năng lực kiểm tra nhãn hàng về mặt pháp lý và chất lượng sản phẩm.

Nhiều nghệ sĩ thiếu chuyên nghiệp khi nhận quảng cáo

Theo ông Hoàng Quân - CEO Công ty quảng cáo ProductionQ, quảng cáo trên môi trường số (YouTube, Facebook, TikTok, Instagram...) - khó kiểm soát hơn các hình thức quảng cáo truyền thống và đặt ra nhiều thách thức lớn cho cơ quan quản lý. Ông đưa ra một số giải pháp để góp phần làm sạch môi trường quảng cáo số.

Ông Hoàng Quân nhận định quảng cáo số rất khó vận hành theo quy trình giấy phép như quảng cáo truyền thống (phải cung cấp giấy phép đối với các nội dung, hình ảnh quảng cáo) khi số lượng và tốc độ truyền đạt thông tin quảng cáo đều đang tăng chóng mặt. Vì vậy, số lượng quảng cáo kém chất lượng cũng tăng theo.

Đó là mặt thủ tục. Còn về mặt hình thức, nội dung quảng cáo số cũng gây khó cho cơ quan quản lý khi có nhiều cách thể hiện và đôi khi không dễ phân biệt đúng sai. "Lằn ranh giữa nói đúng, nói hay và nói lố, nói sai là rất mong manh. Đôi khi chỉ thêm một từ thôi đã có thể làm thay đổi ý nghĩa của thông điệp" - ông Hoàng Quân nói.

Đặc biệt, hiện nay thị trường đang rất cần biện pháp quản lý hình thức quảng cáo sử dụng các nhóm người nổi tiếng, KOL, KOC.

Lâu nay, nhiều người nổi tiếng không có thói quen làm việc với nhãn hàng thông qua công ty trung gian với các quy trình kiểm chứng bài bản mà tự nhận quảng cáo từ nhãn hàng hoặc người quen. 

Đây là cách làm việc chưa thực sự chuyên nghiệp, bởi ngay cả người nổi tiếng lẫn công ty quản lý trực tiếp của họ cũng chưa chắc đã có đủ chuyên môn nghiệp vụ để đánh giá sản phẩm.

Việc người nổi tiếng nhận quảng cáo không chỉ đơn thuần quay một clip hay đăng một bài giúp quảng bá sản phẩm rồi nhận tiền. Đây là quá trình "khai thác thương mại" cho thương hiệu của chính nghệ sĩ đó và nên được tiến hành bài bản.

Chẳng hạn, năm 2022 Công ty trung gian Double U ra đời nhằm khai thác thương mại cho 50 nghệ sĩ nổi tiếng trong đó có Min, Hoàng Dũng, Đức Phúc, Hứa Kim Tuyền... hoặc hợp tác với các công ty có sẵn của các nghệ sĩ Chi Pu, Đông Nhi - Ông Cao Thắng, Song Luân, Liên Bỉnh Phát, nhóm Da LAB...

Còn The A List là công ty trung gian (agency) chuyên về đặt hàng quảng cáo giữa nhãn hàng với các nghệ sĩ nổi tiếng và KOL. Công ty chuyên hợp tác với các nhãn hàng lớn và giúp họ tìm ra gương mặt KOL phù hợp để quảng bá sản phẩm.

Cẩn thận với những thông điệp có mức độ cam kết

Theo ông Đỗ Tuấn Hải - CEO của The A List, vai trò của công ty trung gian là đưa ra yêu cầu kỹ lưỡng về các sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường mà cụ thể là giấy chứng nhận, kiểm định chất lượng sản phẩm, giấy phép quảng cáo... 

Còn với những sản phẩm mới của các thương hiệu uy tín, công ty trung gian sẽ đứng ra nhận và gửi sản phẩm cho nghệ sĩ, KOL để họ trực tiếp sử dụng trong ít nhất 2-3 tuần. Sau thời gian dùng thử, công ty sẽ hội ý với các KOL để quyết định có nhận lời quảng cáo hay không.

Những công đoạn nghe qua tưởng chừng như nghệ sĩ hay KOL đều có thể tự làm được. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quân, một công ty trung gian giỏi sẽ có kinh nghiệm hơn hẳn trong việc kiểm tra, đối chiếu giấy phép, bằng sáng chế, bảng thành phần, công năng, dược liệu, hiệu quả... Công ty có thể tư vấn về cách tránh sa vào quảng cáo không đúng sự thật để rồi bị xử phạt.

Thậm chí, kể cả khi đã trải nghiệm hoặc dùng thử sản phẩm rồi, người quảng cáo vẫn nên cẩn thận với những thông điệp có mức độ cam kết quá chắc chắn.

"Một sản phẩm tốt, an toàn thông thường đều cần đến một khoảng thời gian để chứng minh có tác dụng. Rất hiếm có sản phẩm nào cho tác dụng nhanh thần kỳ. Tôi tin không có nghệ sĩ, người nổi tiếng nào muốn quảng cáo hàng giả, quảng cáo sai sự thật. Có thể là họ chưa ý thức được những điều trên mà thôi" - ông Quân nói.

MI LY


Giày Đại Phát solution
Số người online:
754
Số người truy cập:
4761174