Một lần ăn phở... "đại gia"

Tôi đã từng nghe chuyện đại gia ngày nay tiêu tiền. Dịp tết có vị Tổng giám đốc nọ kỳ công thuê cho được cây si triệu USD. Không phải ông là người đam mê cây cảnh hay am hiểu vẻ đẹp huyền bí mà thế cây tạo nên.

Đơn giản là để minh chứng sự giàu có của ông trong mấy ngày tết mà thôi. Ra tết ông hoàn lại cho người chủ thực sự của cây. Lại có đại gia có thú chơi xe. Một đại gia chưa đến 30 tuổi đã sắm ngay một “con” xe Rolls-Royce...

Nghe nói đến đại gia, ngỡ là xa lạ, sang trọng lắm. Nhưng không  phải ai cũng thế. Tôi có một anh bạn đã một thời cơ nhỡ ở Moskva vài chục năm trước tôi có dịp cưu mang. Không hiểu ngọn gió xoay chiều ra sao, nay gặp lại, anh đã là đại gia, giám đốc một Cty bài trí nội thất có hạng ở Cộng hòa Séc. Nhớ thuở hàn vi, về nước anh tìm đến tôi. Trước khi trở lại Séc, anh mời tôi một buổi sáng cà phê. Chúng tôi đến nhà hàng Vườn Thủ Đô trên đường Láng Hạ. Vậy là lần đầu tiên (và có lẽ cũng là lần cuối cùng) tôi được biết tô phở bò nhúng Kobe. Anh nói:

- Phở là món dùng đặc vị Việt Nam. Thịt bò Kobe là món khoái khẩu hàng đầu của người Nhật. Ăn một tô phở trước khi rời xứ cho thật ấn tượng, đồng ý nhé.

Ăn phở đã quen, vậy mà khi bước vào nhà hàng, bỗng mất hẳn vẻ tự tin. Đơn giản, đây là phở chỉ dành riêng cho bậc đại gia. Cũng đã từng nghe nói tới loại bò Kobe nuôi trong môi trường đặc biệt, ấy là nhà hàng quảng cáo về loại bò đặc biệt nhất thế giới này. Còn thực hư, có trời biết.

Có thể đôi mắt mình không tinh tường để phân biệt, nên phở Kobe trông chẳng khác gì phở thường. Cũng bánh phở đó, nước dùng đó, hành tươi, chanh, ớt. Duy đĩa thịt thì có khác. Những miếng thịt đỏ au, lát mỏng, khách tự nhúng vào nước dùng đang bốc hơi để chất tinh túy trong miếng thịt không bị thất thoát. Hơn nữa, miếng ăn tự mình làm sẽ đem đến cho người ăn một cảm giác khoái khẩu hơn. Trong khi ăn, có người nghi ngại thực hư bò Kobe. Anh bếp trưởng mách bảo:

- Khi nhúng thịt bò thường vào nước dùng, nếu quý vị để ý, sẽ thấy những đường mỡ từ trắng chuyển sang màu trắng ngà. Thớ thịt Kobe từ trắng chuyển sang trắng trong. Miếng thịt khi cho vào miệng sẽ mềm, tan nhanh, ngon đậm và giàu dinh dưỡng. Nhìn vào tô phở của tôi, lớp mỡ hình vằn từ từ chuyển màu trắng rất trong. Vậy là Kobe thứ thiệt rồi, yên tâm. Anh bạn nhìn tôi, thốt lên:

- Ăn phở mà cứ như nhân viên kiểm dịch thực phẩm ấy, hết cả ngon. Kobe phải là Kobe thiệt, nếu không nó kiện cho sập tiệm luôn. Với lại, nếu không là Kobe, thì cứ cho là Kobe đi, sẽ thấy ngon thôi mà. Tại thời điểm tôi ăn phở đại gia, nhà hàng cũng có những đơn giá khác nhau. Có tô 125.000 đồng, nhưng đó là phở bò Mỹ. Có tô 220.000 đồng, thịt bò Wagyu  Úc. Nhưng so với 500.000 đồng/tô mà tôi đang dùng, lại chưa phải là giá “khủng”, bởi có loại còn cao hơn, có tên gọi Kobe gyu “5”, 750.000 đồng/ tô. Nhưng dù 125.000 đồng hay 220.000 đồng, đối với khách bình dân, vẫn là ngất ngưởng đại gia.

Theo ông chủ nhà hàng, số người đến ăn phở đại gia ngày càng nhiều. Theo lăng kính của riêng họ, nhìn vào thực khách là biết kinh tế nước nhà đang trên đường phát triển mạnh mẽ và họ là bậc đại gia tiêu biểu. Có lẽ trong ý niệm “tiêu biểu” mà họ thầm nghĩ, có cả tiêu biểu tiêu tiền nữa chăng.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
24388
Số người truy cập:
9064041