Năm 1982, thể thao VN lần đầu tiên tham dự ASIAD và giành được một HCĐ ở môn bắn súng. Phải mất 20 năm sau, vào năm 2002, tại Pusan (Hàn Quốc), đoàn chúng ta mới đạt được dấu mốc đáng ghi nhớ nữa trên chặng đường hội nhập ngôi nhà thể thao châu Á.
Với 4 HCV, 7 HCB và 7 HCĐ, thể thao VN lần đầu tiên đứng trong nhóm 15 quốc gia hàng đầu châu lục. Mang tới Quảng Châu giấc mơ lặp lại những chiến công xuất sắc như năm 1982 và 2002 nhưng chỉ tiêu HCV của chúng ta vẫn còn khá khiêm tốn, dè dặt.
Trong những lần tham dự ASIAD của thể thao VN, đóng góp của những môn Olympic cơ bản vào thành tích chung vẫn còn khá nhỏ bé. Điều đó cho thấy thể thao VN phát triển rộng nhưng chưa đạt được chiều sâu.
Thực tế cho thấy ở sân chơi SEA Games, chúng ta có thể xếp ở những vị trí dẫn đầu nhưng khi bước vào sân chơi như ASIAD hay Olympic, thể thao VN luôn bị “đuối” so với những người láng giềng.
Cụ thể, tại Olympic Bắc Kinh 2008, trong khi Thái Lan giành 2 HCV, 2 HCB; Indonesia cũng sở hữu 1 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ thì thể thao VN chỉ có vỏn vẹn 1 HCB ở môn cử tạ của Hoàng Anh Tuấn.
Nhà vô địch Đông Nam Á 100 m và 200 m Vũ Thị Hương được kỳ vọng giành huy chương châu lục. Ảnh: Quang Liêm
Ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic VN, thừa nhận: “Việc phát triển các môn thể thao Olympic là chiến lược lâu dài của thể thao VN nhưng chúng ta chưa đạt được thành quả như kỳ vọng”. Thậm chí, những môn mũi nhọn của thể thao VN dường như cũng chưa xác định rõ, trong khi Thái Lan có quyền Anh, cử tạ, còn Indonesia có cầu lông.
Đặt chỉ tiêu từ 4-6 HCV là một quyết tâm mạnh mẽ của thể thao VN nhưng việc “tính cửa” cho các môn có huy chương vẫn đi vào lối mòn. Các môn taekwondo, karatedo, billiards & snooker, cầu mây, cờ vua, cờ tướng, bắn súng được cho là có nhiều hy vọng có HCV nhất.
Cử tạ, điền kinh vẫn đứng ở hàng thứ hai trong danh sách đặt hy vọng, tuy nhiên, theo các trưởng bộ môn thì với trình độ và đẳng cấp hiện tại chỉ cần có huy chương ở hai môn này đã là thành công.
Hiện VN đang muốn giành quyền đăng cai kỳ ASIAD 18 - 2019. Muốn thế, ngoài việc phải chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng cũng như kinh nghiệm tổ chức, thể thao VN còn cần chứng tỏ được vị thế nhất định trong ngôi nhà thể thao châu Á.
“Con đường tơ lụa” trên dòng Châu Giang
19 giờ hôm nay (12-11) theo giờ VN, lễ khai mạc Á vận hội 2010 sẽ diễn ra với sự góp mặt của 7.000 nghệ sĩ, diễn viên.
Điểm nhấn của lễ khai mạc nằm trong chủ đề Con đường tơ lụa. 45 chiếc thuyền sẽ đưa 45 đoàn VĐV vào sân khấu được thiết kế hoành tráng, minh họa dòng Châu Giang, biểu tượng của Quảng Châu, nơi được coi là xuất phát điểm của con đường tơ lụa.
Chính vì lý do này mà đoàn VN chỉ có 150 VĐV, HLV góp mặt do sức chứa của thuyền có hạn. Tổng đạo diễn của ASIAD 16 là ông Trần Duy Á, trợ lý của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, tổng đạo diễn Olympic Bắc Kinh 2008.
|