Dùng mật gấu nhiều dẫn tới xơ gan, ung thư!

Chương trình Động vật hoang dã quốc tế thuộc Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới (WSPA) vừa công bố báo cáo phân tích thái độ và hành vi sử dụng mật gấu tại Việt Nam. Theo báo cáo của WSPA, các mẫu mật gấu của những cá thể gấu được cứu hộ từ các trang trại cho thấy mật gấu bị nhiễm vi khuẩn rất nhiều. Ngoài ra, việc sử dụng mật gấu nhiều quá có thể dẫn đến các bệnh như xơ gan, bệnh tim, mỡ trong máu và có thể gây ung thư về lâu dài.


Học vấn cao sử dụng nhiều mật gấu

Bà Vũ Thị Quyên, GĐ TT Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, được TCty Truyền thông đa phương tiện (VTC) lựa chọn ngẫu nhiên và cung cấp gần 9.000 số điện thoại, ENV đã tiến hành khảo sát phỏng vấn ngẫu nhiên với 3.032 người từ 3 TP lớn của Việt Nam: Hà Nội (đại diện cho miền Bắc), Đà Nẵng (miền Trung) và TP. HCM (miền Nam) về động cơ sử dụng mật gấu và đánh giá tác động của yếu tố địa lý đối với thái độ và hành vi sử dụng mật gấu.

Kết quả cho thấy: Hà Nội có tỷ lệ sử dụng mật gấu cao hơn nhiều so với Đà Nẵng và TP.HCM. Cụ thể, Hà Nội có tới 35% số người được hỏi đã sử dụng mật gấu, trong khi con số ở TP.HCM chỉ là 16% và Đà Nẵng là 15%.
 
Các thợ săn khi được phỏng vấn đều đồng quan điểm với các nhà khoa học về sự vắng mặt và ngày càng khó thấy gấu trong các cuộc đi săn. Cho thấy, rất ít cá thể gấu được ghi nhận còn tồn tại trong tự nhiên, quần thể gấu trong tự nhiên đã suy giảm nghiêm trọng. (Ảnh: moitruongdulich.vn)

Cũng theo kết quả phỏng vấn khảo sát thì người có trình độ học vấn cao (trung cấp trở lên) có xu hướng sử dụng mật gấu nhiều hơn người có trình độ học vấn thấp (trung học trở xuống).

Cùng với đó, tỷ lệ nam sử dụng mật gấu cao hơn nữ: 29% nam giới nói rằng đã sử dụng mật gấu, tỷ lệ này ở nữ giới là 17%.

Phụ nữ chủ yếu sử dụng mật gấu để chữa bệnh (88%), còn nam giới sử dụng mật gấu với nhiều mục đích khác nhau: chữa bệnh (58%), bồi bổ sức khỏe (26%) và giải trí (25%). Nam giới có xu hướng sử dụng mật gấu cho mục đích giải trí gấp 12 lần so với nữ giới.

Khảo sát cũng cho thấy sử dụng mật gấu tăng theo độ tuổi, những người trẻ ở độ tuổi 20 và những người già từ 60 trở lên chủ yếu sử dụng mật gấu để chữa bệnh. Ngược lại, những người trung niên (trong độ tuổi 30-50) lại sử dụng mật gấu cho nhiều mục đích khác nhau, đặc biệt là khả năng sử dụng mật gấu cho mục đích giải trí của nhóm này cao hơn các nhóm tuổi khác đến 2 lần.

Hiểu về mật gấu, nhiều người trả lời là mật gấu được coi là thần dược, chữa được bách bệnh, từ sưng tấy, bầm tím, bệnh về đường tiêu hóa thậm chí đến cả bệnh ung thư. Ngoài ra, mật gấu còn được dùng để bồi bổ sức khỏe (24%) và giải trí (14%).

Hầu hết (74%) những người được phỏng vấn đều cho rằng sử dụng mật gấu không vi phạm pháp luật…

Tuy nhiên, nói về thực trạng loài gấu ở Việt Nam hiện nay, bà Quyên cho biết, hiện số gấu thống kê được ở Việt Nam chỉ còn khoảng 3.500 cá thể gấu nuôi nhốt thuộc hai loài gấu: gấu ngựa và gấu chó. Một số nhà khoa học cho rằng còn rất ít cá thể gấu được ghi nhận còn tồn tại trong tự nhiên và quần thể gấu trong tự nhiên ở Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng.

Gấu ngựa và gấu chó đều được liệt vào danh mục các loài “dễ bị tổn thương” trong Sách Đỏ IUCN 2010. Số lượng gấu này ở Việt Nam cũng chiếm khoảng 10% số lượng gấu trên toàn thế giới.

Cả hai loài gấu ngựa và gấu chó cũng đều được bảo vệ trong nhóm 1B của Nghị định 32/2006/NĐ-CP (động vật rừng nguy cấp, quý hiếm). Theo đó, việc săn bắt, buôn bán, vận chuyển, mua và bán gấu hay cá bộ phận, dẫn xuất từ gấu (kể cả mật gấu) đều là vi phạm pháp luật.

Mật gấu không phải là thần dược
 
Ông Chris Gee, Giám đốc WSPA cho biết: "Sau khi gắn chip điện tử cho gấu nuôi năm 2006 thì số lượng gấu nuôi nhốt giảm nhiều,
tuy nhiên chúng tôi cũng phát hiện có những con gấu không gắn chip được bổ sung vào các trang trại" (Ảnh: VTC News)

Ông Chris Gee, Giám WSPA cho hay: qua nghiên cứu cho thấy mật gấu có thành phần hóa chất có thể có tác dụng chữa bệnh nào đó nhưng ở Việt Nam mọi người lại tin rằng mật gấu có thể chữa được nhiều bệnh. Thực chất, hóa chất trong mật gấu có thể tìm thấy trong các cây thuốc, dược liệu thay thế tại chính Việt Nam.

Theo đó, WSPA đã hỗ trợ cho một chương trình tìm những cây thuốc, cây dược liệu có tính năng chữa bệnh tương tự như mật gấu. Danh sách các cây thuốc này sẽ được WSPA sớm công bố.

Liên quan đến sử dụng mật gấu để chữa bệnh, Ts. Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Việt Nam của Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) cũng nhấn mạnh, mật gấu trên thị trường hiện nay không đảm bảo an toàn vệ sinh, nhận định này được kiểm chứng bằng việc xét nghiệm các mẫu mật gấu của những cá thể gấu được cứu hộ từ các trang trại cho thấy mật gấu bị nhiễm vi khuẩn rất nhiều. Theo ông Tuấn, sử dụng mật gấu nhiều quá có thể dẫn đến các bệnh như xơ gan, bệnh tim, mỡ trong máu và có thể gây ung thư về lâu dài.
Theo Kiều Minh (VTC)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
40611
Số người truy cập:
9087201