Bán hàng giả có bị đi tù không?

 Xin hỏi, việc bán hàng của tôi có vi phạm pháp luật không? (độc giả Dương Tùng Lâm)

Theo khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ, hàng giả bao gồm:

- Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa;…

- Hàng hóa có nhãn, bao bì giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

- Hàng hóa có nhãn, bao bì ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp;

- Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo của Luật Sở hữu trí tuệ;

- Tem, nhãn, bao bì giả.

Như vậy, hàng hóa có nhãn, bao bì ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn, nơi sản xuất cũng được coi là hàng giả.

Trách nhiệm pháp lý với hành vi kinh doanh hàng giả

Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP, tùy thuộc vào yếu tố nào bị làm giả, như hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng; hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thì có những mức phạt khác nhau.

Cụ thể, khoản 1 Điều 13 quy định hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới một triệu đồng;

- Phạt tiền từ 500.000 đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một triệu đến dưới ba triệu đồng;

- Phạt tiền từ hai triệu đến ba triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba triệu đồng đến dưới năm triệu đồng;

- Phạt tiền từ ba triệu đến năm triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm triệu đến dưới 10 triệu đồng;

- Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10 triệu đến dưới 20 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm liên quan đến hàng giả, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự:

- Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đến dưới 150 triệu hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến 5 năm.

-  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm: có tổ chức; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, danh nghĩa cơ quan; hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 150 triệu đến dưới 500 triệu đồng…

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 7 đến 15 năm: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn…

 

Luật sư Kiều Anh Vũ
Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
20078
Số người truy cập:
9019664