Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá ngừ tháng 1 đạt gần 88 triệu USD, tăng 108% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 8 thị trường chính của cá ngừ Việt Nam, trừ Trung Quốc, còn lại (Mỹ, EU, CPTPP, Nga, Saudi Arabia, Israel, Ai Cập) đều đồng loạt tăng.
Cá ngừ đại dương được đánh bắt tại biển Đà Nẵng. Ảnh: Văn Đông
Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu trong tháng 1, đạt gần 44 triệu USD, tăng 210% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với Mỹ, xuất khẩu cá ngừ sang các nước EU cũng tăng trưởng ngoạn mục. Trong đó, Hà Lan và Lithuania trong top 3 thị trường dẫn đầu khối EU về giá trị nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang 2 thị trường này trong tháng 1 tăng với tốc độ rất mạnh lần lượt là 243% và gần 2.000% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại khối thị trường CPTPP, xuất khẩu cá ngừ sang một số thị trường sau khi giảm trong quý IV/2021 đã khởi sắc trong tháng đầu năm 2022. Chẳng hạn, xuất khẩu sang Canada và Peru, tăng lần lượt là 26% và 2.289 % so với cùng kỳ năm 2021. Chile không còn nằm trong top 4 thị trường dẫn đầu, nhưng xuất khẩu sang thị trường này cũng tăng mạnh 219%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Nhật Bản sụt giảm 17% so với cùng kỳ.
Trong tháng 1, tỉnh Khánh Hoà tiếp tục dẫn đầu cả nước về xuất khẩu cá ngừ với giá trị gần 40 triệu USD, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất cá ngừ của cả nước. Đứng sau Khánh Hòa là tỉnh Bình Định, Phú Yên, TP HCM và Bình Dương.
Hiện cả nước có 72 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá ngừ. Dẫn đầu trong số các công ty này là Bidifisco, Dragon Wave, Tithico, Highland Dragon và Nha Trang Bay, chiếm gần 46% tổng kim ngạch xuất cá ngừ của cả nước.
Dự báo, năm 2022, ngành cá ngừ tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, như hoạt động giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn, giá cước vận chuyển đường biển chưa có xu hướng giảm. Quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia thay đổi cũng như có nhiều cảnh báo về an toàn thực phẩm hơn...
Thi Hà