Nghị định 80 của Chính phủ ban hành giữa năm ngoái cho phép dự án điện gió, mặt trời công suất trên 10 MW được tham gia mua bán điện trực tiếp qua hệ thống điện quốc gia.
Tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Điện lực (sửa đổi) về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung dự án điện sinh khối cũng được tham gia cơ chế DPPA. Tương tự điện gió, mặt trời, các nhà máy điện sinh khối cũng cần có công suất từ 10 MW trở lên, đấu nối vào lưới quốc gia và trực tiếp tham gia thị trường bán buôn cạnh tranh.
Điện sinh khối là một dạng năng lượng tái tạo được sản xuất bằng cách sử dụng chất thải hữu cơ (cây trồng, rừng, rác thải hữu cơ, chất thải nông nghiệp...) để tạo ra điện năng. Hiện cả nước có 9 nhà máy điện sinh khối trên 10 MW hoạt động, tổng công suất khoảng 332 MW, theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương). Dự kiến đến năm 2030, 14 nhà máy điện sinh khối nữa được đưa vào vận hành, bổ sung khoảng 300 MW cho hệ thống điện.
Bộ Công Thương giải thích việc cho phép điện sinh khối tham gia DPPA sẽ góp phần đa dạng nguồn năng lượng tái tạo, mở rộng đối tượng tham gia cơ chế mua bán này theo từng thời kỳ. Điều này cũng khuyến khích áp dụng công nghệ mới, hiệu quả hơn trong sản xuất điện từ sinh khối, cũng như thêm giải pháp năng lượng sạch và bền vững trong dài hạn.
Ngoài ra, theo cơ quan soạn thảo, nhà máy điện sinh khối có tính ổn định, khả năng tích hợp vào lưới điện tốt. Việc sử dụng loại năng lượng này còn tạo cơ hội phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc làm cho người dân địa phương trong thu gom, chế biến nguyên liệu và vận hành nhà máy.
Về phía người mua, tương tự các bản thảo lần trước, Bộ Công Thương vẫn giữ đề xuất khách hàng sản xuất sử dụng lượng điện lớn được tham gia DPPA. Những doanh nghiệp này phải có mức tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh một tháng.
Phương Dung