Xử Tân Hoàng Phát: Không hủy án là sai?

Ngay sau khi báo chí phản ánh chuyện dư luận xôn xao quanh việc tòa phúc thẩm giảm án mạnh cho các bị cáo trong vụ Tân Hoàng Phát, lãnh đạo TAND Tối cao và Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao đều đã yêu cầu cấp dưới có báo cáo cụ thể để xem xét.

Ngày 13-12, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo VKSND TP.HCM và TAND TP.HCM (hai ngành tố tụng cấp sơ thẩm) để trao đổi vì sao có sự khác biệt quá lớn trong đánh giá giữa hai cấp xét xử. Tuy nhiên, lãnh đạo hai cơ quan này đều cho biết hiện chưa có bản án phúc thẩm chính thức nên chưa đưa ra được bất kỳ đánh giá nào. Sau này, nếu không đồng ý với bản án phúc thẩm, VKSND TP và TAND TP sẽ có công văn kiến nghị lên cấp trên.

Về mặt pháp lý, một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM nhận xét: Theo Thông tư liên tịch số 01 ngày 27-8-2010 của VKSND Tối cao - Bộ Công an - TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS), việc tòa phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm có nhiều sai phạm nghiêm trọng như báo chí phản ánh mà không hủy án là không đúng.

Trước hết, một khi đã xác định là cấp sơ thẩm có vi phạm tố tụng nghiêm trọng thì theo quy định, tòa phải hoàn trả hồ sơ lại cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại từ đầu. Từ trước đến nay, các tòa phúc thẩm đều tuyên theo hướng này nhằm đảm bảo tính công bằng và khách quan của vụ án.

Ngoài ra, cấp sơ thẩm xác định có 93 người bị hại (trong tội bắt giữ người trái pháp luật), nay tòa phúc thẩm xác định chỉ có một người mà không hủy án để cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại cũng không đúng. Bởi lẽ việc xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sẽ xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của họ.

Chưa kể, các chứng cứ gỡ tội, buộc tội đều cần phải được chứng minh. Do đó, việc tòa phúc thẩm đánh giá chứng cứ của vụ án khác so với cấp sơ thẩm, viện dẫn chứng cứ khác để giảm án cho các bị cáo thì lại càng phải hủy án để xử lại, thay vì sửa án.

Đồng tình, luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm: Việc tòa phúc thẩm cho rằng vụ án xảy ra đã lâu, không ảnh hưởng đến tội danh nên chỉ nêu các sai phạm nghiêm trọng để cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm chứ không cần hủy án là không thuyết phục. Đây là một sự “sáng tạo bất ngờ nhưng phi lý và gây bất bình” của tòa phúc thẩm mà lần đầu tiên ông mới gặp. Theo ông, những người có thẩm quyền cần xem xét kháng nghị giám đốc thẩm vụ án để đảm bảo việc xét xử chính xác, đúng pháp luật, bản án được mọi người “tâm phục, khẩu phục”.

Luật gia Đặng Đình Thịnh (Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP.HCM của Hội Luật gia Việt Nam) cũng chung quan điểm rằng lý do không hủy án của tòa phúc thẩm chưa ổn bởi vụ án đang trong thời gian giải quyết thì không thể nói là xảy ra đã lâu...

Quy định liên quan

Theo Điều 4 Thông tư liên tịch 01 ngày 27-8-2010 của VKSND Tối cao - Bộ Công an - TAND Tối cao, những trường hợp sau đây được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự: Xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Việc điều tra, thu thập chứng cứ quan trọng đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của BLTTHS nên không có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự. Chứng cứ, tài liệu quan trọng đối với vụ án đã được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố nhưng không đưa vào hồ sơ vụ án hoặc bị sửa chữa, thêm bớt làm sai lệch hồ sơ vụ án…

Trong các trường hợp này cần trả hồ sơ để tiến hành điều tra bổ sung. Nếu ở giai đoạn phúc thẩm thì cần hủy án, giao lại cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại. VKS, tòa án chỉ không trả hồ sơ để điều tra bổ sung dù “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có vi phạm thủ tục tố tụng nhưng không xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người tham gia tố tụng;bị can (bị cáo) là người chưa thành niên trong giai đoạn điều tra nhưng đến khi truy tố, xét xử đã đủ 18 tuổi.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
14013
Số người truy cập:
9262840