Bảy ngày trốn khỏi hang ổ lừa đảo ở Tam giác vàng

 Công an huyện Quỳ Châu cho biết, anh Thành, 34 tuổi, là một trong những nạn nhân của vụ án buôn bán người xuyên quốc gia do Vi Văn Nhập, 41 tuổi, trú xã Châu Bính và Phạm Thị Tuyết Chinh, 36 tuổi, trú tỉnh Nam Định cầm đầu.

Làm việc với cơ quan điều tra sau khi thoát khỏi hang ổ của nhóm lừa đảo ở Tam giác vàng, Thành nói "nghĩ đến lại rùng mình" nhưng vẫn phải liều mình trốn, bởi ở lại sẽ bị giam lỏng không biết ngày về, tương lai bất định.

Thành cho hay đầu năm 2024 được Nhập rủ sang nước ngoài làm "việc nhẹ lương cao". Nếu nhận lời sẽ được ông chủ các "công ty lớn" bao ăn ở trọn gói, tiền lương mỗi tháng 20-30 triệu đồng, làm tốt sẽ thưởng "hoa hồng".

Thành nghe Nhập "vẽ" viễn cảnh cuộc sống sung túc ở nước ngoài đã tin lời, đồng ý vượt biên bằng đường tiểu ngạch, không nghĩ bị lừa. Cùng chuyến đi với Thành hồi 8 tháng trước còn có một số lao động người Việt Nam tuổi 35-40, cũng gia cảnh khó khăn, mang hy vọng kiếm tiền đổi đời.

Hồ sơ vụ án thể hiện, chặng đầu tiên, Thành được vài người lạ mặt đón và lái ôtô chở đến một tỉnh vùng núi ở Myamar. Cả nhóm bị thu hết giấy tờ tùy thân, hàng ngày bị ép tham gia gọi điện lừa đảo. Các nạn nhân khi biết bị lừa thì đã muộn.

Sau hai tháng làm việc, Thành cùng một số nạn nhân người Việt rủ nhau bỏ trốn, chạy vào cánh rừng gần đó ẩn nấp. Tuy nhiên, cả nhóm không may bị bảo vệ phát hiện giữ lại rồi bịt mặt đưa lên xe khách, chở đến đặc khu Tam giác vàng ở tỉnh Bò Kẹo (Lào). Trong đặc khu có hàng trăm tòa cao ốc, Thành cùng mọi người bị tách ra, giao đến các công ty "giam lỏng". Hàng ngày nạn nhân phải gọi điện lừa đảo theo lệnh, không đạt chỉ tiêu thì bị hăm dọa, đánh đập...

Một góc của đặc khu Tam giác vàng thuộc tỉnh Bò Kẹo (Lào), nơi những nạn nhân của đường dây buôn người như Thành bị nhốt trong các tòa nhà cao tầng, ép gọi điện lừa đảo. Ảnh: Hùng Lê

Thành khai lúc này đã rất sợ hãi, liên tục đòi về quê và được viên quản lý yêu cầu "nộp 150 triệu đồng để chuộc mình". Biết gia đình chẳng thể xoay xở số tiền đó, Thành không gọi điện về cầu cứu, chấp nhận ở lại. Sau lần đó, ông chủ liệt anh vào "danh sách đen" cùng với nhiều người Việt Nam khác, cử bảo vệ giám sát gắt gao đề phòng bỏ trốn, đồng thời lên kế hoạch đưa trở lại Myamar.

Ngày 1/5, Thành cùng một số người Việt Nam được chở ôtô từ Lào về Myanmar theo lịch định sẵn. Lúc dừng ăn trưa tại quán nhỏ ven đường, quan sát thấy phía sau là dòng sông, Thành vờ xin đi vệ sinh rồi lợi dụng sơ hở liều mình nhảy xuống nước tẩu thoát. Nhóm bảo vệ đứng cách đó 30 m lập tức đuổi theo nhưng thấy sông sâu, nước chảy xiết không dám xuống tiếp cận. Chúng lái ôtô chạy dọc đường để tìm kiếm song bất thành nên rút lui.

Thành cho hay lúc nhảy xuống sông đã xác định "sẽ đối mặt với cái chết". Bơi được vài trăm mét, lúc gần đuối sức, anh vớ lấy chiếc thùng xốp trôi phía trước, bám lấy làm phao để di chuyển vào bờ.

"Tôi không dám ra quốc lộ sau khi thoát nạn, chỉ đi men theo những con đường nhỏ dọc bờ sông Mekhong, hướng xuôi về hạ nguồn", Thành kể tại cơ quan điều tra. Suốt 7 ngày, anh mò mẫm tìm đường về quê, lúc đói bụng vào nhà người dân hoặc làm quen với một số người Việt Nam đang sống tại Lào xin cơm, bánh mỳ và nước uống. Có những chặng nước sâu cách trở không thể di chuyển tiếp, Thành dùng bè xốp tự chế do người dân vứt lại bên đường để chèo qua sông.

Ngày 8/5, đến Luang Parbang (Lào), Thành lên một chiếc xe khách yêu cầu chở đến biên giới Việt Nam. Do tài xế ra giao kèo phải trả 25 triệu đồng, anh mượn điện thoại gọi về cho chị gái nhờ chuyển khoản cho nhà xe. Trở về quê an toàn, Thành tố cáo hành vi của Nhập tới Công an huyện Quỳ Châu.

"Bây giờ không ham việc nhẹ lương cao nữa, ở nhà đi rẫy hái măng, nếu muốn kiếm thêm tiền thì vào miền Nam làm công nhân", Thành nói với điều tra viên.

Nghi can Vi Văn Nhập (trái) và Phạm Thị Tuyết Chinh tại cơ quan điều tra. Ảnh: Hòa Vang

Thượng tá Hoàng Chí Hiếu, Phó công an huyện Quỳ Châu, cho biết hành tung lừa người bán sang Tam giác vàng của Nhập đã được trinh sát theo dõi từ 4 tháng trước. Thời điểm nhận đơn tố cáo của Thành thì mọi "điểm mờ" gần như sáng tỏ, nhiều manh mối trước đây chỉ là nghi vấn nay có thể khẳng định chính xác.

Theo tài liệu điều tra, cầm đầu đường dây buôn người là Phạm Thị Tuyết Chinh, 36 tuổi, trú tỉnh Nam Định, hiện sinh sống ở Trung Quốc. Sau mỗi phi vụ thành công, Nhập được Chinh chia tiền công.

Chinh tuyển nhiều "chân rết" tại các tỉnh thành, khi ông chủ ở đặc khu Tam giác vàng chỉ đạo cần người để giao cho các tổ chức lừa đảo thì Chinh sẽ liên hệ về Việt Nam tìm "nguồn hàng". Hành tung của Chinh luôn thoắt ẩn thoắt hiện, có lần người phụ nữ này định nhập cảnh Việt Nam để thảo luận với các đàn em về cách thức thực hiện phi vụ. Tuy nhiên, khi đến biên giới, cảm thấy bị "động", Chinh quay lại rồi gọi điện chỉ đạo từ xa, cơ quan điều tra cho hay.

Ngày 8/8, biết tin Chinh vừa về nước qua đường bộ ở cửa khẩu quốc tế Lào Cai, công an huyện Quỳ Châu cử tổ công tác từ Nghệ An ra bắt giữ, thu nhiều tài liệu liên quan hành vi buôn người. Cùng thời điểm Nhập cũng bị bắt ở Quỳ Châu.

Nhập và Chinh đang bị Công an huyện Quỳ Châu tạm giữ hình sự để điều tra tội Mua bán người, theo Điều 150 Bộ luật Hình sự.

Thượng tá Hoàng Chí Hiếu nói đây là vụ án lớn, tính chất ngoài biên giới, hàng chục cán bộ phải đến nhiều tỉnh thành để xác minh. Đôi lúc mọi thứ tưởng chừng rơi vào bế tắc nhưng nhờ sự kiên trì đeo bám, nút thắt đã được hóa giải.

Đầu năm đến nay, liên quan vụ việc trên, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ 13 vụ, khởi tố 25 người. Trinh sát đã phối hợp các lực lượng xác minh, giải cứu 30 nạn nhân ở đặc khu Tam giác vàng đưa về Việt Nam bàn giao cho gia đình.

Trước đó, hôm 2/8, Công an Hà Tĩnh cũng đột kích tòa cao ốc cao hơn 20 tầng ở khu vực này bắt 155 người Việt với cáo buộc tham gia tổ chức mua bán người, lừa đảo qua mạng.

Đức Hùng


Giày Đại Phát solution
Số người online:
25707
Số người truy cập:
9482809