Xu hướng chỉ thích làm nhân viên

 Gắn bó với công ty trong lĩnh vực sản xuất ván gỗ ép ở Bắc Ninh từ những ngày đầu tới khi phát triển lên gần 80 nhân sự, công việc của Phong chủ yếu có tính chuyên môn và một chút quản lý, song không phải chịu trách nhiệm, thu nhập khoảng 12 triệu đồng vào thời điểm năm 2017.

Bỗng một ngày, công ty đề bạt Phong lên phó phòng, quản lý mảng chất lượng với mức lương 20 triệu đồng. Anh nhận thấy lương tăng không đáng kể so với khối lượng công việc và áp lực của vị trí này nên quyết định nghỉ việc. "Nguyên nhân nghỉ việc có vẻ do lương, nhưng thực chất tôi nhận thấy mình thiên về chuyên môn hơn quản lý, chỉ đạo nên chia tay công ty", Ngọc Phong nói.

Anh Thành Chung, 38 tuổi chỉ muốn làm nhân viên kinh doanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

6 tháng liên tiếp đạt danh hiệu nhân viên kinh doanh xuất sắc, anh Thành Chung, 38 tuổi, làm việc tại một công ty bất động sản ở Hà Nội nhiều lần được cấp trên gợi ý lên giám đốc khối nhưng anh luôn từ chối. "Làm nhân viên tự do bao nhiêu so với làm trưởng phòng hay giám đốc kinh doanh vừa phải ngồi ở văn phòng, bị áp lực thời gian, còn phải chịu trách nhiệm với doanh số cấp dưới", anh Chung nói.

Những người chỉ muốn làm nhân viên như anh Long và Chung không phải cá biệt. Một khảo sát gần đây của CoderPad, nền tảng hỗ trợ tuyển dụng nhân tài kỹ thuật, cho thấy 36% nhân viên công nghệ không muốn làm quản lý. Một khảo sát tương tự năm 2023 của Visier, nền tảng thu hút và giữ chân nhân tài có trụ sở chính ở Canada cho thấy 62% nhân viên không muốn làm quản lý.

Với nhiều người, đảm nhiệm công việc ít trách nhiệm trở thành mục tiêu nghề nghiệp. 9 năm với 5 lần nhảy việc, chị Hòa Nguyễn ở quận Đống Đa, Hà Nội vẫn luôn tránh né các công việc phải quản lý. "Mức lương sẽ thấp hơn 20-30 % so với trước nhưng cũng không thấp hơn mặt bằng chung vì tôi có kinh nghiệm", chị Hòa nói.

Trước đó Hòa có nhiều năm làm trưởng phòng truyền thông nội bộ, phải chịu áp lực từ rất nhiều phía. Mệt mỏi nhất là mỗi kỳ làm báo cáo, khảo sát đánh giá 360 độ. "Việc mở mắt ra mỗi ngày là họp hành và thường xuyên phải nhận những khen chê từ người khác không dành cho những người 'yếu tim'", người phụ nữ 41 tuổi nói.

Người xung quanh thắc mắc vì sao Hòa có năng lực sau bao nhiêu năm vẫn chỉ là nhân viên, chị cho biết đây không phải quyết định nông nổi, mà đã suy nghĩ, thậm chí gạch đầu dòng từng mặt lợi, hại. Rõ ràng nhất là mức lương thấp hơn trước, song phần thực lĩnh không quá chênh lệch bởi khi làm quản lý những chi phí cơ hội chiếm một khoản không nhỏ. "Đơn cử như mừng cưới đồng nghiệp, vì mình là sếp nên không thể đi phong bì bằng mức nhân viên được", chị nói.

Đổi lại chị có nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình. Sức khỏe tinh thần tốt hơn, không còn những cơn bồn chồn, lo lắng trước mỗi lần làm các sự kiện lớn hoặc kỳ làm báo cáo chiến lược do chứng rối loạn lo âu. Lợi nhất là đỡ báo cáo, họp hành, không phải nhắc nhở, đốc thúc tiến độ ai. "Chỉ lo mỗi chuyên môn, nhẹ cả người", chị nói.

Chuyên gia nhân sự Bùi Đoàn Chung, người sáng lập cộng đồng Nghề nhân sự Việt Nam, cho biết lẽ thường lộ trình phát triển nghề nghiệp của một người thường theo hai hướng: là nhân viên giỏi (chuyên gia) hoặc quản lý (làm sếp).

Việc người lao động thích làm nhân viên giỏi không phải mới, song có xu hướng tăng lên thời gian gần đây, nhất là từ sau Covid 19. Theo báo cáo The Future of Recruiting 2024 (Tương lai của tuyển dụng) mới công bố hồi giữa năm 2024 của nền tảng nghề nghiệp Linkedin, tại khu vực Đông Nam Á, tất cả đều gia tăng ưu tiên về cân bằng giữa công việc và cuộc sống, trong đó Gen Z mạnh mẽ hơn cả (chiếm tới 50%).

Chuyên gia định hướng nghề nghiệp Nguyễn Việt Linh cho biết đang xuất hiện xu hướng cân bằng cuộc sống - công việc của người lao động. Các tổ chức cũng có sự thay đổi để đáp ứng tình hình mới với công việc đòi hỏi sự linh hoạt, gắn với nhiều kỹ năng. Chính vì vậy bạn sẽ có lúc là nhân viên, có lúc là quản lý trong tùy từng dự án hoặc công việc khác nhau.

"'Làm người nhân viên giỏi hơn làm quản lý' sẽ trở thành một xu thế nhưng tốc độ sẽ không quá nhanh vì bản chất nó cũng chỉ là một sự lựa chọn trong muôn vàn sự lựa chọn của người đi làm", ông Linh nói.

Hiện tại xu thế này đã xuất hiện ở Việt Nam nhiều hơn trước, đặc biệt ở các ngành kinh doanh mới hoặc cần nhiều tính sáng tạo như AI, kinh doanh online, nghệ thuật. Một số ngành khác sẽ thay đổi chậm hơn như giáo dục, y tế, sản xuất.

Chị Hòa Nguyễn (phải) khi tham gia đinh hướng nghề nghiệp cho sinh viên Đại học Thương Mại, khi đang là Co-Founder của một công ty quản trị doanh nghiệp, năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đi lên từ một nhân viên, ông Bùi Đoàn Chung cho biết việc lên làm quản lý cũng là một sự ghi nhận và người sếp giỏi không chỉ đòi hỏi kinh nghiệm quản lý còn cần chuyên môn giỏi.

Trong bối cảnh hiện nay và tương lai gần, người lao động sẽ luôn phải chuẩn bị và thích ứng với các thay đổi và đòi hỏi trong công việc như việc làm đa nhiệm. Trong đó, việc trở thành quản lý, sếp là những yêu cầu tất yếu. Vậy nên bản thân người lao động và doanh nghiệp cần có lộ trình phát triển nghề nghiệp đi kèm đào tạo.

Dù bạn lựa chọn làm quản lý hay nhân viên, mong muốn quyền lực, tiền bạc hay thời gian cho gia đình, việc đầu tiên vẫn là lựa chọn công việc mình có năng lực và làm tốt nhất.

Chuyên gia hướng nghiệp Nguyễn Việt Linh cho biết hiện tại khoa học về đo lường năng lực của con người đã rất phát triển, bạn có thể tìm kiếm các công cụ này để nhận diện được mình theo đuổi hướng nào phù hợp nhất.

"Và dù lựa chọn đúng hay sai cũng đừng quá tự trách, nhụt chí. Sự nghiệp là một hành trình dài với nhiều trải nghiệm mà nhiều khi chúng ta phải học từ sai lầm của chính mình", ông nói.

Ngọc Phong, hiện 32 tuổi nhiều lần từ chối lên làm quản lý, chỉ muốn làm thợ giỏi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong sự nghiệp của mình, chị Hòa từng kinh qua vai trò quản lý, kể cả đồng sáng lập công ty, nhưng hiện tại vẫn bằng lòng làm một nhân viên. Chị cho biết để làm một "nhân viên giỏi" cũng cần có kỹ năng. Quan trọng nhất là phải biết mình đang ở đâu.

Mục tiêu của anh Thành Chung là xây dựng thương hiệu cá nhân, trở thành một KOL trong lĩnh vực bất động sản. "Lên chức thu nhập sẽ ổn hơn, uy tín hơn, đỡ phải tiếp khách nhưng hiện tại tôi ưu tiên tự do tự tại của một nhân viên", anh nói.

Ngọc Phong đang làm kỹ thuật cho một xưởng phá dỡ xe ôtô ở Đài Loan. Sếp từng đề cập lên quản lý song anh tiếp tục từ chối. "Làm một người thợ cứng có tay nghề và tay nghề của mình được công nhận, giá trị của mình vẫn không thua kém các vị trí quản lý cần mệt mỏi đầu óc ngoài giờ hành chính", Phong nói và tiết lộ đang có thu nhập 650 triệu đồng một năm, cao thứ tư trong khoảng 30 người trong công ty.

"Tôi đi theo triết lý nằm phẳng, tức thấy cuộc đời mình đã đủ và không có tham vọng 'chi trả' để đạt thêm sự bứt phá nào nữa", anh nói.

Phan Dương


Giày Đại Phát solution
Số người online:
25305
Số người truy cập:
9482268