"Xung quanh tôi, bạn bè, người thân, ai cũng nói về con cái. Tự nhiên thấy mình quá khác người", Dung, một viên chức 33 tuổi ở Hà Nội, nói.
Trước khi kết hôn năm 2015, vợ chồng cô đã thỏa thuận sẽ theo đuổi lối sống DINKs (Double Income, No Kids - gấp đôi thu nhập, không con cái). Đến nay, cô đã hoàn thành bằng thạc sĩ ở Nhật, cùng ông xã mua được nhà ở thủ đô và có cơ hội du lịch nhiều nơi trong lẫn ngoài nước.
Đến tuổi 30, suy nghĩ về chuyện "nên có một đứa con" lớn dần trong Dung. "Giới hạn sinh sản" tuổi 35 cũng khiến cô nhiều lần đặt câu hỏi "Phải chăng quyết định theo đuổi DINKs là sai lầm?".
Nhưng mong muốn của Dung châm ngòi cho cuộc khủng hoảng hôn nhân. Chồng cô kịch liệt phản đối, trách vợ "vi phạm giao kèo". Anh tuyên bố "Nếu em muốn sinh con thì kiếm người khác".
Cũng vì vấn đề sinh con, Diệu Hằng và bạn trai từng tranh cãi kịch liệt. Hằng không muốn đẻ vì sợ đau, sợ đánh đổi nhiều thứ và quan trọng nhất là sợ mình không thể làm một người mẹ tốt.
"Con cái là một cá thể mới xuất hiện trong hôn nhân, mang nhiều gánh nặng, mà có thể mình không lo được", cô gái 26 tuổi quê Khánh Hòa nói. Bạn trai (hiện là chồng Hằng) luôn nghĩ một gia đình trọn vẹn phải có đứa con.
Yêu nhau 7 năm, nhưng vì vấn đề này cả hai không thống nhất được cưới xin. Hằng thẳng thắn nói không cần cưới. "Nếu không hợp quan điểm sống, cứ ở bên nhau đến khi gặp người phù hợp hơn thì đường ai nấy đi".
Làn sóng "không sinh con" đang trở thành hiện tượng toàn cầu với các lý do khá giống nhau như "để theo đuổi tự do" và giảm áp lực kinh tế.
Tại Việt Nam, một số khảo sát thống kê của Bộ Y tế đã kết luận "xu hướng không muốn hoặc sinh ít con đã xuất hiện ở một số đô thị". Các chuyên gia khẳng định lối sống này thường xuất phát từ yếu tố kinh tế: Mức sống cao, giá nhà tăng, trong khi chi phí nuôi một đứa trẻ ngày càng lớn. Với áp lực mưu sinh đè nặng, nhiều người trẻ thậm chí chưa giải quyết xong nhu cầu cơ bản của bản thân nên ngần ngại kết hôn hay sinh con.
"Lối sống không con có một số lợi thế, nhưng ở một quốc gia Á Đông như Việt Nam, các cặp chọn không sinh con phải đối mặt với nhiều áp lực", tiến sĩ tâm lý Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục, nói.
Hơn nữa, không phải lúc nào quan điểm không con cũng xuất phát từ cả hai phía, và ngay cả khi đồng thuận, điều này vẫn có thể thay đổi theo thời gian.
Với không ít người, lối sống DINKs có thể mang lại niềm vui khi còn trẻ, nhưng khi bước vào tuổi già, thứ mà nhiều người mong muốn lại là một cuộc sống bình dị, hạnh phúc, với con cái quây quần bên cạnh. "Đã có những người hối hận nhưng không còn cơ hội làm lại nữa", bà Nga nói.
Qua nhiều buổi tư vấn cho các vợ chồng không con cái, chuyên gia nhận thấy thực chất những người này chỉ trì hoãn sinh. Họ chờ đến khi ổn định tài chính và sự trưởng thành trong tâm lý để sẵn sàng cho vai trò làm cha mẹ.
Trước tuổi 36, Thanh Tuyền, sống tại Hội An (Quảng Nam), chưa từng nghĩ đến việc sinh con. Không chỉ sợ già, sợ cơ thể thay đổi sau sinh, cô còn không muốn dành cả cuộc đời để chăm sóc một ai đó. Điều này trái ngược với chồng cô, một người yêu trẻ con. "Tôi và chồng cưới nhau nhưng trong lòng cả hai đều mong đối phương thay đổi theo quan điểm của mình," Tuyền chia sẻ.
Những năm đầu hôn nhân là quãng thời gian cả hai cẩn trọng thuyết phục lẫn nhau. Công việc kinh doanh khởi sắc và sự chín chắn trong suy nghĩ đã dần thay đổi suy nghĩ của Tuyền. Quan trọng hơn, sự chăm chỉ và trách nhiệm của chồng khiến cô cảm thấy yên tâm. "Dù làm gì, anh ấy cũng luôn sợ tôi vất vả. Sau 5 năm bên nhau, tôi nhận ra mình sẵn sàng có con", cô tâm sự.
Quan điểm về việc sinh con của Diệu Hằng bất ngờ thay đổi khi cô phát hiện mang bầu. Lần đó, cô sốc đến mức không nhớ nổi mình đã lái xe đến chỗ làm thế nào. Trong đầu cô là hàng loạt mối lo. "Nhưng em bé cũng như một phép thử để tôi biết người đàn ông bên mình có thể tin cậy cả đời hay không", cô tâm sự.
Bạn trai Hằng lập tức có mặt, trấn an và khẳng định lo được cho hai mẹ con "dù trời có sập xuống".
"Giữ con lại nhé em. Con là duyên trời và kết tinh của tình yêu của chúng ta. Tuyệt vời làm sao khi có một đứa con mang nét giống cả em và anh", anh thuyết phục.
Khi nhìn hình ảnh siêu âm đầu tiên, thấy con bé như hạt đậu trong cơ thể mình, Hằng bỗng cảm thấy có một sự thay đổi kỳ diệu. "Khoảnh khắc đó thiêng liêng khiến nước mắt tôi ào ra. Tôi tự cảm thấy mình phải bảo vệ đứa trẻ bằng mọi giá", cô chia sẻ.
Theo chuyên gia tâm lý, tình yêu con cái không chỉ đến từ trách nhiệm mà còn bắt nguồn từ một sự kết nối sâu sắc. Về bản năng, con người luôn yêu sản phẩm của chính mình. Khi nhìn vào đứa con, ta thấy một phần máu thịt, hình ảnh của bản thân hiện diện trên đó.
"Trẻ con rất đặc biệt, chúng đòi hỏi sự quan tâm và yêu thương vô điều kiện. Từng chút một, sự gắn bó này lớn dần theo thời gian, tạo nên mối liên kết cảm xúc mạnh mẽ giữa cha mẹ và con cái", bà Nga nói.
Nhiều năm làm tư vấn, nhà tâm lý thấy rằng, đứa con không chỉ hoàn thiện cuộc đời một con người, giúp gắn kết hai vợ chồng, còn như một "cú hích" giúp chúng ta trưởng thành hơn.
Vợ chồng Thu Dung ở Hà Nội, sau cuộc cãi vã đã đến gặp bà để cứu vãn cuộc hôn nhân. Sau cùng, họ thống nhất được vấn đề sinh em bé và hiện đã có bé trai gần một tuổi.
Dung cho biết, từ khi có con cô cảm thấy mối quan hệ vợ chồng có một sự gắn kết sâu sắc hơn. Chồng cô trước đây luôn nghĩ "không có con còn tiêu âm tiền, sinh con rồi sống sao nổi". Nhưng khi có con, hai vợ chồng tự nhiên biết cách thu vén chi tiêu, thậm chí hàng tháng còn có tiết kiệm. Anh cũng thấy mình chín chắn, có trách nhiệm hơn.
"Dù đôi lúc hai vợ chồng vẫn tiếc thời gian tự do nhưng nhìn con trai từ những khoảnh khắc o oe cần hơi bố mẹ đến những bước đi đầu tiên, chúng tôi nhận ra giá trị của việc trở thành cha mẹ", ông bố nói.
Sinh con, Hằng phải đánh đổi nhiều thứ, từ việc "hết thời gian bay nhảy" cho đến những thay đổi về ngoại hình. "Không có gì đau và đánh đổi hơn việc sinh con. Nhưng nếu có điều kiện, tôi sẵn sàng chấp nhận tất cả để sinh thêm một bé nữa", Hằng nói.
Phan Dương