Xi măng tăng giá lần thứ ba trong năm

 Từ giữa tháng 6, hàng loạt doanh nghiệp xi măng thông báo tăng giá bán. Vicem Hải Vân điều chỉnh thêm 50.000 đồng một tấn với các loại xi măng bao và rời, xi măng Wallcem từ 22/6. Cùng với Tân Quang - VVMI và Vicem Hoàng Thạch, các doanh nghiệp này nằm trong nhóm có mức điều chỉnh giá thấp nhất đợt này.

Các đơn vị như Norcem, Cẩm Phả, Hạ Long, Quang Sơn... đều đặt bước giá 70.000-100.000 đồng một tấn cho đợt điều chỉnh lần này. Riêng Công Thanh miền Trung tăng giá 140.000 đồng một tấn với bao KPK 50KG PCB40 dân dụng và bao KPK 50KG PCB30.

Công ty

Giá tăng thêm (đồng/kg)

Ngày áp dụng

Trung Sơn

90.000

10/6

Norcem

70.000

10/6

Công Thanh Miền Trung

100.000-140.000

15/6

Tân Quang - VVMI

50.000

15/6

Hạ Long

60.000-80.000

15/6

Cẩm Phả

60.000-100.000

16/6

Vicem Hoàng Mai

70.000

20/6

Quang Sơn

60.000-80.000

20/6

Vicem Bỉm Sơn

70.000

22/6

Long Sơn

60.000

22/6

Vicem Hoàng Thạch

50.000-80.000

22/6

Vicem Hải Vân

50.000

22/6

Sông Lam

60.000

25/6

Xuân Thành

60.000

25/6

The Vissai

60.000

25/6

Đây là lần thứ ba trong năm nhiều doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá bán. So với hai đợt trước, điều chỉnh gần đây nhiều hơn hẳn về số lượng doanh nghiệp. Hồi tháng 3, có khoảng 13 doanh nghiệp xi măng chọn tăng giá. Nửa cuối tháng 5, thị trường ghi nhận khoảng 10 đơn vị điều chỉnh.

Tuy nhiên, biên độ tăng lần này thấp hơn so với đợt tháng 3. Thời điểm đó, các doanh nghiệp chủ yếu tăng giá xi măng khoảng 100.000 đồng một tấn, có đơn vị nâng giá đến 150.000 đồng một tấn. Còn so với mức tăng thêm 60.000-80.000 đồng một tấn hồi tháng 5, đợt điều chỉnh này có bước giá cao hơn.

Nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục là sức ép với các doanh nghiệp xi măng. Công Thanh miền Trung - đơn vị tăng giá cao nhất đợt này - cho biết giá nguyên vật liệu đồng loạt tăng cao, đặc biệt là nguồn than khan hiếm. Doanh nghiệp này điều chỉnh giá bán nhằm "đảm bảo chi phí trong quá trình sản xuất và giữ vững chất lượng sản phẩm".

Vicem Hoàng Mai thông tin thêm, vào đầu tháng 6, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tăng giá than thêm 15% so với trước. Ngoài ra, giá xăng tăng liên tục cũng trở thành áp lực lớn. "Doanh nghiệp đã tìm nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu nhưng không thể bù đắp", đơn vị tăng giá xi măng thêm 70.000 đồng một tấn trong đợt này chia sẻ.

Theo Hiệp hội Xi măng (VNCA), than là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng 35-40% giá thành sản xuất xi măng. Trong khi đó, có đến gần hai phần ba lượng than phải nhập khẩu, do đó giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than trên thị trường quốc tế.

Thời gian qua, gánh nặng giá nguyên liệu đầu vào đã khiến lợi nhuận nhiều doanh nghiệp bị bào mòn. Trong quý đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Vicem Hà Tiên giảm gần ba phần tư so với cùng kỳ, mức lợi nhuận thấp nhất kể từ quý I/2018. Các đơn vị như Vicem Thạch cao Xi măng, Vicem Hải Vân, Vicem Hoàng Mai... cũng có kết quả kinh doanh không thuận lợi.

Nhân viên một doanh nghiệp xi măng đang làm việc trên dây chuyền sản xuất. Ảnh: HT1

Ngành xây dựng tiếp tục gặp khó theo đà tăng giá xi măng. Theo quản lý dự án tại một công ty xây dựng ở Gò Vấp (TP HCM), giá thành các vật liệu cơ bản như xi măng, sắt - thép, cát - đá - sỏi, gạch... trước nay thường chiếm khoảng 25-30% trong chi phí xây dựng nhà ở. Gần đây, đơn vị này phải tăng 300.000-550.000 đồng mỗi m2 với báo giá phần xây dựng thô, lên mức 3,5-4,65 triệu đồng một m2 tùy gói. Nếu giá xi măng cùng các loại vật liệu xây dựng khác và giá thuê nhân công vẫn chưa giảm tốc, công ty phải nghiên cứu phương án tăng thêm giá xây dựng.

Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội 9/6, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng thông tin về việc giá xăng dầu và căng thẳng Nga - Ukraine khiến vật liệu xây dựng tăng giá mạnh. Điều này gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Với nhà thầu, nhóm này gặp khó trong việc triển khai thi công, đặc biệt đối với các gói thầu, dự án lớn dẫn đến tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống...

Bộ trưởng cũng nêu tình trạng, các nhà thầu có tâm lý sợ trong thời điểm mua xăng dầu, mua vật liệu, vận chuyển với giá cao, nhưng khi nghiệm thu lại thanh toán giá thấp. Cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng để giải quyết các khó khăn về biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng.

Trong khi giá xi măng tăng, giá thép lại tiếp tục được điều chỉnh hạ. Gần đây, Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức... thông báo hạ giá thép 300.000-500.000 đồng một kg. Trong hơn một tháng qua, giá thép đã hạ 6 lần với tổng mức giảm hơn 2,5 triệu đồng mỗi tấn, tùy theo thương hiệu và chủng loại. Thép và xi măng có mối tương quan khi cả hai đều là đầu vào quan trọng cho ngành xây dựng.

Nếu đà giảm của thép xây dựng được kéo dài, VNDirect từng đánh giá, tiến độ của nhiều dự án có khả năng sôi động trở lại, đẩy nhu cầu tiêu thụ xi măng lên cao.

VNCA cho rằng, sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa có thể tăng trưởng trở lại nhờ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất nhiều khả năng gặp áp lực lớn do cạnh tranh lớn và áp lực từ giá đầu vào.

Tất Đạt


Giày Đại Phát solution
Số người online:
12874
Số người truy cập:
8646478