Từng là một trong những doanh nghiệp lớn nhất tỉnh Thanh Hóa với hàng loạt dự án được triển khai, Công ty Xi măng Công Thanh là đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực xi măng, clinke, vận tải, phân đạm, sản xuất điện, du lịch, sân golf,...
Thế nhưng, phần lớn các dự án liên quan đến các lĩnh vực này đang được đầu tư xây dựng dang dở (có dự án đứng trước nguy cơ bị thu hồi) ngoại trừ dây chuyền Nhà máy Xi măng Công Thanh đang hoạt động. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do phần lớn nguồn vốn để đầu tư dự án được đi vay và hiện nay tình hình tài chính của đơn vị này tương đối xấu.
Cụ thể, khoản nợ của Xi măng Công Thanh tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Ngân hàng VietinBank) gồm khoản nợ lãi vay dài hạn và lãi vay trái phiếu tính đến ngày 31/12/2015 có tổng giá trị là 3.310,973 tỷ đồng. Khoản nợ này đã được Ngân hàng VietinBank gia hạn trả nợ lãi, các khoản lãi này sẽ được trả trong vòng 14 năm bắt đầu từ năm 2017.
Ngân hàng VietinBank chính là chủ nợ lớn nhất của Xi măng Công Thanh. Ảnh Internet
Trong Báo cáo tài chính (BCTC) năm 2015 của Công ty Xi măng Công Thanh có nêu: "BCTC của Công ty đã được lập với giả định rằng, sẽ tiếp tục hoạt động trên cơ sở hoạt động kinh doanh liên tục. Tại ngày 31/12/2015, nợ ngắn hạn của Công ty đã vượt quá tải sản ngắn hạn 1.197,189 tỷ đồng, vấn đề này cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Khả năng tiếp tục hoạt động theo khái niệm hoạt động liên tục của Công ty, phụ thuộc vào khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả hoặc từ sự bảo trợ của các chủ sở hữu theo pháp luật Việt Nam và các quy định có liên quan".
Bên cạnh đó, trong BCTC cũng nêu ra hàng loạt các chi phí xây dựng cơ bản dở dang như: dự án Khu du lịch biển Goden Coart Resort, dự án Resort tại Thanh Hóa, dự án sân golf tại Thanh Hóa, dự án Nhà máy xi măng Công Thanh dây chuyền 2,... với tổng số vốn lên đến 12.280.849.942.730 đồng.
Trong đó, thông qua các hợp đồng tín dụng với các khoản vay dài hạn và ngắn hạn của Xi măng Công Thanh tại Ngân hàng VietinBank năm 2015 cũng lên đến hơn 7000 tỷ đồng (Hợp đồng 07.171601/HĐTD.HDH; Hợp đồng 11.963001/HĐTD.TDH; Hợp đồng 07.171605/HĐTD.HDH). Sang đến năm 2016, Xi măng Công Thanh có số nợ phải trả/tổng số vốn là 13.763.214.895.667/14.080.507.921.202 đồng.
Bên cạnh đó, BCTC năm 2016 của Xi măng Công Thanh cũng chỉ rõ rằng: Công ty đang phát sinh một khoản lỗ sau thuế là 478,22 tỷ đồng cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2016 và cũng từ ngày này, Công ty gánh chịu khoản lỗ lũy kế là 582,7 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2016, nợ phải trả ngắn hạn của Công ty cũng vượt quá tài sản ngắn hạn của Công ty là 1.575 tỷ đồng. Điều này cho thấy, sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến sự nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Mặt khác, trong BCTC năm 2016, Công ty Xi măng Công Thanh cũng trấn an dư luận rằng: Ban Giám đốc Công ty tin tưởng rằng, Công ty sẽ có lợi nhuận trong tương lai vì hiện tại Công ty đang trong giai đoạn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và đưa vào sử dụng dây chuyền sản xuất chính số 2 từ tháng 4/2016. Công ty có thể tái cơ cấu các khoản vay với các ngân hàng và Công ty có dòng tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh rất khả quan có thể đáp ứng khả năng thanh toán các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm sau.
Tuy nhiên, trong BCTC soát xét của Công ty Xi măng Công Thanh 6 tháng đầu năm 2017 đã cho thấy sự lạc quan trên có phần thái quá. BCTC này nêu: "Công ty đã phát sinh khoản lỗ sau thuế cho kỳ 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2017 và cũng tại ngày này Công ty gánh chịu khoản lỗ lũy kế vượt vốn thực góp (900 tỷ đồng). Tại ngày 30/6/2017, nợ phải trả ngắn hạn của Công ty cũng vượt quá tài sản ngắn hạn của Công ty."
Lý giải cho việc này, Công ty Xi măng Công Thanh cho rằng: Ban Giám đốc Công ty nhận thấy rằng, khoản lỗ sau thuế cho kỳ 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2017 chủ yếu đến từ chi phí lãi vay 398,9 tỷ đồng mà Công ty đã không được vốn hóa kể từ khi dây chuyền sản xuất số 2 đưa vào hoạt động từ tháng 4/2016. Theo đó, Công ty đã được ngân hàng tái cơ cấu lịch trả nợ dài hạn, trái phiếu thường và chi phí phát sinh, phân bổ thanh toán trong giai đoạn từ năm 2017 đến hết năm 2035.
Như vậy, "sự nguy hiểm" của con nợ - Xi măng Công Thanh đã được chính chủ nợ - Ngân hàng VietinBank "hóa giải" bằng cách gia hạn nợ. Đây là việc xử lý nghiệp vụ bình thường của các ngân hàng, khi đánh giá độ an toàn cũng như khả năng đảm bảo trả nợ của các con nợ như Xi măng Công Thanh. Nhưng đến BCTC năm 2016 của Xi măng Công Thanh, các vấn đề đã nêu của năm 2015 lại được lặp lại.
Tiếp đến, BCTC soát xét của 6 tháng năm 2017 của Xi măng Công Thanh một lần nữa lại được lặp lại như BCTC hai năm trước đó.
Việc gia hạn nợ, kéo dài thời hạn trả nợ của Xi măng Công Thanh dựa trên đánh giá sự ăn nên làm ra trong tương lai để có đủ khả năng trả khoản nợ đang bị "chôn chân" tại VietinBank, có tiềm ẩn hay đẩy rủi ro nợ xấu về tương lai cho chính Ngân hàng này?
Liệu Xi măng Công Thanh có trở thành "quả bom nổ chậm" trong tương lai của Ngân hàng VietinBank hay không và VietinBank có rút chân ra được khỏi khối nợ nghìn tỷ đã bị "chôn" tại Xi măng Công thanh, câu trả lời chỉ có Ngân hàng này mới biết.
Đồng thời, cũng chỉ có Ngân hàng VietinBank mới rõ vì sao qua các BCTC của Công ty Xi măng Công Thanh, đơn vị kiểm toán đã liên tục đưa ra cảnh báo về tình hình tài chính của đơn vị này từ những năm trước cho đến nay nhưng vẫn được VietinBank liên tục tiến hành gia hạn cho các khoản nợ và lãi vay?
Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin.