Các thông tin trên được báo Guardian của Anh đăng tải. Theo đó, vào tháng 1-2010, thẩm phán cấp cao của Tây Ban Nha Jose "Pepe" Grinda Gonzales cho rằng “người ta không thể phân biệt các hoạt động của chính phủ và các nhóm tội phạm có tổ chức tại Nga, Belarus và Chechnya”.
Thẩm phán Grinda là người chỉ huy một cuộc điều tra lâu dài nhắm vào các tổ chức mafia Nga tại Tây Ban Nha và đã bắt giữ được 60 nghi phạm.
WikiLeaks: "Không thể phân biệt các hoạt động chính phủ và mafia tại Nga". Ảnh: Internet
Cũng theo những tài liệu này, thẩm phán Grinda khẳng định một cựu đặc vụ an ninh Nga tên Alexander Litvinenko cho rằng tình báo Nga khống chế các tổ chức tội phạm của nước này. Ngoài ra, nhiều đảng phái chính trị tại Nga còn bắt tay mật thiết với mafia.
Thậm chí, theo một tài liệu rò rỉ từ sứ quán Mỹ tại Madrid, đã có nhiều cuộc thảo luận xung quanh một vấn đề chưa có lời giải: Thủ tướng Nga Vladimir Putin có liên quan đến mafia Nga và liệu có phải ông đang kiểm soát hoạt động của các tổ chức mafia hay không.
Một tài liệu khác đề tháng 12-2008 lấy được từ sứ quán Mỹ tại Kiev còn cho biết một doanh nhân giàu có người Ukraina có quan hệ với mafia để được làm ăn với công ty nhà nước Gazprom của Nga.
Theo doanh nhân này, muốn làm ăn, ông phải được sự chấp thuận của một trùm gangster tên Semyon Mogilevich – kẻ được Mỹ và Châu Âu gọi là “trùm của trùm” trong giới mafia Nga trên toàn thế giới.
Có thông tin ông Putin bắt tay mafia Nga. Ảnh: Internet
Nhà báo chuyên về ngoại giao của BBC Bridget Kendall nhận định cả Moscow lẫn Washington đều không lấy gì làm vui vẻ về những gì WikiLeaks khui ra. Mối quan hệ giữa hai siêu cường rất có thể sẽ thay đổi sau vụ này.
Truy cập vào website WikiLeaks vào ngày 1-12 đã bị ngắt quãng. Kể từ khi các server của trang này đặt tại Thụy Điển bị hacker tấn công hai lần vào tuần trước, WikiLeaks đã chuyển sang dùng server của trang mua bán online khổng lồ Amazon.
Tuy nhiên, cũng trong ngày 1-12, Amazon thông báo đã chặn WikiLeaks theo yêu cầu của giới chức Mỹ. Cũng trong ngày 1-12, Mỹ đã chỉ định Russell Travers, chuyên gia chống khủng bố, chỉ huy các nỗ lực giảm thiểu tác hại do WikiLeaks gây ra.
Ông Travers cũng có trách nhiệm tìm ra nguyên nhân khiến hàng ngàn tài liệu mật rò rỉ cũng như thắt chặt an ninh mạng nội bộ của chính phủ Mỹ.
Tính đến nay, WikiLeaks chỉ mới đăng tải 505 trong số 251.287 tài liệu ngoại giao mật mà website này lấy được. Tuy nhiên, tất cả số tài liệu trên đã được WikiLeaks chia sẻ cho 5 tờ báo lớn trên thế giới.