Cuộc đua đốt tiền trong bầu cử Mỹ

 Khi chuyển đến sống ở London năm ngoái, Madeleine Bialke, một nghệ sĩ người Mỹ, đã bị sốc trước những gì cô thấy về cuộc bầu cử tại Anh mùa hè năm nay.

Toàn bộ chiến dịch tranh cử chỉ kéo dài 6 tuần. Không có quảng cáo nào trên các chương trình TV cô thường xem. Và khi cuộc bầu cử kết thúc, người chiến thắng lên nắm quyền vào ngay ngày hôm sau, chứ không phải chờ nhiều tháng mới nhậm chức.

"Thật tuyệt khi có một cuộc bầu cử diễn ra trong thời gian ngắn như vậy", cô nói. "Nó khiến tôi nhận ra bầu cử ở Mỹ điên rồ đến thế nào".

Người dân tụ tập bên ngoài Bảo tàng Nghệ thuật Berkeley và Kho Lưu trữ Phim Pacific để theo dõi cuộc tranh luận giữa cựu tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris tại Berkeley, California, hôm 10/9. Ảnh: AP

Người Mỹ đã quen với thực tế rằng cuộc đua tổng thống của họ kéo dài gần hai năm, với chi phí lên đến hàng tỷ USD và không ngừng ảnh hưởng tới cuộc sống của họ bằng vô số quảng cáo không ngừng nghỉ trên TV, radio, biển hiệu dọc đường phố và cả tin nhắn trên điện thoại.

Cuộc bầu cử Mỹ năm nay có khả năng sẽ là cuộc bầu cử tốn kém nhất lịch sử, với khoảng 15,9 tỷ USD được chi cho tất cả các cuộc đua liên bang, vượt qua mức 15,1 tỷ USD vào năm 2020, theo Open Secrets, nhóm phi đảng phái theo dõi kinh phí cho các chiến dịch tranh cử.

Nếu điều chỉnh theo lạm phát, bầu cử năm 2024 rẻ hơn một chút so với năm 2020, song mức chi tiêu của cả hai sự kiện đều gần gấp đôi chi phí cho cuộc đua năm 2016 và gấp ba lần chi phí cho các cuộc bầu cử vào đầu những năm 2000, thậm chí đã điều chỉnh theo mức tăng giá kể từ đó.

Mức độ tốn kém của bầu cử Mỹ, cả về kinh tế lẫn thời gian, đều vượt trội so với các nền dân chủ công nghiệp hóa khác. Chiến dịch tranh cử tại Canada thường chỉ kéo dài 36-50 ngày. Tổng chi phí cho cuộc bầu cử ở Canada năm 2021 là 69 triệu USD, đã điều chỉnh theo tỷ giá hiện tại.

Tất cả đảng phái của Anh đã chi tổng cộng 80 triệu USD cho chiến dịch của họ trong cuộc bầu cử năm 2019. Các đảng chưa công bố tổng chi tiêu cho cuộc bầu cử năm nay, nhưng con số dự kiến không tăng nhiều. Họ đã huy động được tổng cộng 97 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, nhưng không phải tất cả đều được chi cho chiến dịch.

Trong chiến dịch tranh cử kéo dài 6 tuần của Anh năm nay, số tiền quyên góp nhỏ đến mức đáng kinh ngạc.Thủ tướng Keir Starmer và Công đảng của ông huy động thành công 12,3 triệu USD, trong khi đảng Bảo thủ của cựu thủ tướng Rishi Sunak chỉ quyên được 2,5 triệu USD.

Để so sánh, Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên đảng Dân chủ, đã huy động được 300 triệu USD trong hai tuần đầu tiên kể từ khi bà thay thế Tổng thống Joe Biden trên đường đua Nhà Trắng. Từ đó đến nay, bà đã huy động tổng cộng một tỷ USD, cao hơn khoảng 200 triệu USD so với số tiền cựu tổng thống Donald kêu gọi được.

Kỷ lục về số tiền mà một đảng phái chính trị ở Canada huy động được trong một năm chỉ là 25,5 triệu USD, do đảng Bảo thủ gây quỹ vào năm 2023. Con số này tương đương hai ngày gây quỹ của Phó tổng thống Harris.

Các cuộc bầu cử cấp bang ở cuối danh sách chi tiêu thậm chí cũng tốn kém hơn tổng tuyển cử ở nhiều quốc gia khác. Trong cuộc đua vào ghế Thượng viện năm 2020, thượng nghị sĩ Dân chủ bang Georgia Raphael Warnock đã chi 180,66 triệu USD, chỉ kém một chút so với tổng chi tiêu cho chiến dịch tranh cử ghế thủ tướng ở Anh, Đức và Canada trong các cuộc bầu cử gần đây nhất cộng lại.

Ông Donald Trump nhún nhảy theo nhạc khi rời sự kiện vận động ở Johnstown, bang Pennsylvania, ngày 30/8. Ảnh: AFP

Mức độ tốn kém như vậy khiến nhiều người Mỹ không hài lòng. Các cử tri đã chán ngán khi phải nghe về chính trị trong thời gian dài và bị đập vào mắt bởi những quảng cáo liên tục. Người Mỹ hiện nay không đồng tình trước hàng loạt vấn đề, nhưng hơn 80% nói rằng các nhà tài trợ có quá nhiều ảnh hưởng đến những chính trị gia ở cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, theo một cuộc khảo sát gần đây do Pew Research thực hiện.

"Cảm giác như các ứng viên của chúng ta chỉ tập trung vào gây quỹ", Van Kong, bảo vệ tại một khách sạn ở thành phố New York, cho biết. "Và mọi thứ kéo dài quá lâu".

Ngày càng có nhiều chiến dịch tranh cử được tài trợ bởi một số ít người siêu giàu như tỷ phú công nghệ Elon Musk.

Ở cuộc bầu cử năm 2004, khoảng 23 người Mỹ đã quyên hơn một triệu USD, với tổng số tiền họ ủng hộ cho các chiến dịch tranh cử là 58,9 triệu USD, theo Open Secrets. Năm nay, có 408 người đã vượt qua mốc một triệu USD và quyên góp tổng cộng 2,3 tỷ USD.

Musk gần đây gây chú ý khi tuyên bố trao một triệu USD mỗi ngày cho một cử tri được chọn ngẫu nhiên trong số những người đã ký vào bản kiến nghị ủng hộ quyền tự do ngôn luận và quyền mang vũ khí, hai vấn đề quan trọng được đảng Cộng hòa tập trung khai thác khi vận động tranh cử.

Theo Pew, khoảng 72% người Mỹ nói rằng họ muốn các chiến dịch tranh cử phải bị áp giới hạn chi tiêu, so với 11% không đồng tình.Việc chạy theo tiền bạc cũng ảnh hưởng đến các chính trị gia, những người phải dành tới một nửa tuần làm việc để gây quỹ, trong đó có việc gọi điện thoại cho những người lạ để xin tiền quyên góp.

"Toàn bộ lịch họp quốc hội của chúng tôi được sắp xếp để giúp các thành viên dễ dàng gây quỹ hơn trong suốt cả ngày", Dean Phillips, đảng viên Dân chủ đến từ Minnesota, người từng đề xuất dự luật năm 2022 nhằm hạn chế thời gian các nghị sĩ có thể sử dụng để gây quỹ.

Vậy vì sao các cuộc bầu cử Mỹ lại kéo dài quá lâu và quá đắt đỏ?

Một phần câu trả lời nằm ở quy mô. Mỹ là nước có diện tích lớn và việc tiếp cận cử tri ở các thị trường truyền thông đắt đỏ như New York luôn tốn kém.

Một nguyên nhân khác bắt nguồn từ các cuộc bầu cử sơ bộ. Trong hệ thống nghị viện, như ở hầu hết các nước châu Âu, các đảng phái chính trị thường tự chọn ứng viên của họ để ra tranh cử. Điều đó cũng từng xảy ra ở Mỹ, nơi các lãnh đạo đảng thường chọn ứng viên trong các đại hội toàn quốc ồn ào.

Nhưng cách làm này được coi là kém dân chủ, vì vậy vào giữa những năm 1970, bầu cử sơ bộ đã trở thành con đường chính để các ứng viên nhận được đề cử. Các chính trị gia bắt đầu đầu tư mạnh để cố gắng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ.

"Với hệ thống nghị viện, bạn dành nhiều năm cống hiến cho đảng và được trao thưởng bằng việc tên của bạn xuất hiện trong danh sách ứng viên. Tại Mỹ, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể đấu tranh để giành đề cử từ đảng, nhưng phải tốn rất nhiều tiền", Elaine Kamarck, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Brookings, trụ sở tại Washington, cho hay.

Một lý do lớn khác khiến cuộc bầu cử ở Mỹ tốn kém như vậy là vì nó ít bị áp hạn chế. Ở Anh, mỗi ứng viên quốc hội chỉ có thể chi khoảng 25.000 USD cho chiến dịch tranh cử. Đảng được phép chi tổng cộng khoảng 40 triệu USD. Họ hiếm khi chi nhiều như vậy.

Tại Pháp, mức trần cứng về chi tiêu cho các ứng viên tổng thống là 22,5 triệu euro, tương đương 25 triệu USD, và 50% trong số đó do nhà nước chi trả. Các tập đoàn, thậm chí cả các công đoàn Pháp, đều bị cấm quyên góp. Tổng thống Biden năm 2020 chi nhiều hơn 70 lần so với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron Pháp để giành chiến thắng bầu cử, mặc dù dân số Mỹ chỉ lớn hơn 5 lần.

Trong nhiều thập kỷ, hệ thống tài trợ chiến dịch của Mỹ khá giống với các nước châu Âu. Nhưng tòa án Mỹ đã liên tục phán quyết rằng những giới hạn về tài trợ chiến dịch không nên hạn chế quyền tự do ngôn luận. Nói cách khác, việc không được phép chi tiền như một chiến dịch tranh cử sẽ hạn chế khả năng truyền đạt quan điểm của bạn đến cử tri.

Tòa án Tối cao Mỹ đã nới lỏng thêm các hạn chế vào năm 2010, khi quyết định những tập đoàn và công đoàn có cùng quyền tự do ngôn luận như các cá nhân. Họ vẫn không thể trực tiếp trao tiền cho các ứng viên, nhưng có thể quyên góp cho các thực thể được gọi là siêu ủy ban hành động chính trị (siêu PAC). Những tổ chức này ủng hộ những vấn đề giống hệt điều mà các ứng viên họ hậu thuẫn thúc đẩy.

Theo Open Secrets, chi tiêu của các siêu PAC trong hai kỳ bầu cử gần đây đã tăng vọt, từ 847 triệu USD do vài trăm siêu PAC huy động trong cuộc bầu cử năm 2012 lên 5,7 tỷ USD do 2.966 nhóm huy động trong cuộc đua năm nay.

Ngoài ra, còn có những lỗ hổng cho phép các siêu PAC che giấu nguồn tiền của họ đến từ đâu. Siêu PAC Dân chủ hàng đầu trong kỳ bầu cử năm nay là Future Forward USA đã huy động được 394 triệu USD. Khoảng 136 triệu USD trong đó đến từ nhóm có tên Future Forward USA Action và đây là nhóm được quyền không tiết lộ danh tính nhà tài trợ.

Bà Harris tại đại hội đảng Dân chủ ở Chicago, bang Illinois, ngày 22/8. Ảnh: AP

Vậy việc chi tiêu số tiền này có tạo ra khác biệt không? Một nghiên cứu học thuật mới đã xem xét 1.000 nhà tài trợ hàng đầu cho các cuộc đua vào quốc hội trong 8 cuộc bầu cử vừa qua và phát hiện ra rằng việc để mất một nhà tài trợ hàng đầu đã làm giảm tỷ lệ phiếu bầu của ứng viên trung bình 2,5 điểm phần trăm. Khác biệt này hoàn toàn có khả năng tạo ra bước ngoặt định đoạt kết quả cuối cùng, đặc biệt là với những cuộc đua sít sao như năm nay.

Vào những năm 1890, cựu thượng nghị sĩ Mark Hanna, người điều hành chiến dịch tranh cử của tổng thống Mỹ William McKinley, đã nói một câu nổi tiếng: "Có hai thứ quan trọng trong chính trị. Thứ nhất là tiền, và tôi không nhớ thứ hai là gì".

Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
14824
Số người truy cập:
8534235