Sáng 7.3, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) công bố thông tin bất thường về việc bà Chu Thị Bình, khách hàng gửi tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh TP.HCM yêu cầu hoàn trả và tất toán tiền gửi trên các sổ tiết kiệm mở tại ngân hàng này. Eximbank cho rằng đang gặp gỡ và làm việc với khách hàng để sớm tìm giải pháp phù hợp, hợp tác với Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) trong suốt quá trình điều tra, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Eximbank vẫn giữ quan điểm “Eximbank sẽ công bố thông tin khi có phán quyết có hiệu lực pháp luật của cơ quan tố tụng”. Trước đó, phía Eximbank cho rằng dựa vào chữ ký thật của bà Bình trên giấy ủy quyền nên chưa trả tiền. Còn bà Chu Thị Bình cho rằng mình không ký ủy quyền cho ai rút tiền. Người ủy quyền và nhận ủy quyền không biết nhau Trong buổi gặp báo chí chiều 6.3, bà Bình khẳng định: “Tôi không có mối quan hệ làm ăn chung nào với ông Hưng. Ngay sau khi phát hiện vụ việc cuối tháng 2.2017, qua tháng 3.2017 tôi đã gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an”. Liên quan đến chữ ký thật của bà Bình trên các giấy ủy quyền, bà Bình cho biết khi được Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) mời lên làm việc, lúc này bà mới biết hồ sơ tài khoản tiết kiệm của mình tại Eximbank có hai giấy ủy quyền cho ông Nguyễn Đăng Phong và bà Nguyễn Thị Hồng Lê. Giấy ủy quyền cho ông Phong rút 6 sổ tiết kiệm, còn bà Lê rút 25 sổ tiết kiệm. Trong giấy ủy quyền này có chữ ký của người ủy quyền là bà Chu Thị Bình, người được ủy quyền là bà Lê, ông Phong, chữ ký của nhân viên giao dịch Hồ Ngọc Thủy, chữ ký của kiểm soát viên Nguyễn Thị Thi và chữ ký của Phó phòng giao dịch khách hàng cá nhân Nguyễn Thị Mỹ Duyên. Bà Bình cho rằng mình không làm giấy ủy quyền này vì hoàn toàn không quen biết, không giao dịch nào với những cá nhân này. Bà Bình cho hay khi làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra và đối chất, bà được biết ông Lê Nguyễn Hưng đã giả chữ ký của bà Nguyễn Thị Hồng Lê (cô ruột của ông Hưng, ở cùng nhà với vợ chồng ông Hưng). Trong khi đó, tại cơ quan điều tra ông Nguyễn Đăng Phong xác nhận đã ký vào chỗ người được ủy quyền khi bà Hồ Ngọc Thủy đưa tại quầy giao dịch và khi ký thì đã thấy có chữ ký của bà Bình nhưng chưa ghi tên và nội dung. Tại cơ quan điều tra, ông Nguyễn Đăng Phong và bà Nguyễn Thị Hồng Lê cũng xác nhận không biết bà Chu Thị Bình, chưa từng gặp gỡ hay có bất kỳ liên hệ hay giao dịch nào với bà Bình. Hai giấy ủy quyền này đã không được lập với sự có mặt của bà Bình hay người được ủy quyền là ông Phong, bà Lê, cũng như nhân viên ngân hàng; quy trình kiểm tra các giấy tờ cá nhân của người ủy quyền, người được ủy quyền theo quy định của Eximbank cũng không được thực hiện. Mặc dù có chữ ký bà Bình trên hai giấy ủy quyền nhưng ông Hưng cùng nhân viên Eximbank đã không thực hiện đúng quy định và quy trình thủ tục ủy quyền. Chính vì vậy, bà Bình cho rằng ông Hưng có thể đã sử dụng giấy ủy quyền giả mạo nhằm rút tiền trái phép ra khỏi hệ thống Eximbank để chiếm đoạt 245 tỉ đồng. Vì giao dịch ủy quyền này không có giá trị pháp lý và việc rút tiền bởi các nhân viên Eximbank nên phía Eximbank chịu trách nhiệm về việc để mất tiền. Tiền bị rút trước năm 2016 nhưng đến 2017 mới phát hiện Theo các sao kê và chứng từ rút tiền mà Eximbank chi nhánh TP.HCM cung cấp cho bà Bình vào tháng 3.2017, tổng số tiền rút trái phép từ 3 sổ tiết kiệm lên tới 245 tỉ đồng và việc rút tiền này xảy ra chủ yếu trước năm 2016. Thông tin này hoàn toàn mâu thuẫn với số dư thể hiện ở 3 giấy xác nhận sao kê trên các sổ tiết kiệm mà Eximbank chi nhánh TP.HCM cung cấp cho bà Bình vào tháng 1, 2 và 4.2016. Cụ thể, số dư tài khoản số 1 được ghi nhận sao kê lập ngày 7.2.2016 do Eximbank thông báo là hơn 63,97 tỉ đồng; số dư tài khoản số 2 xác nhận sao kê ngày 25.4.2016 thông báo số tiền hơn 5,5 tỉ đồng; số dư tài khoản số 3 xác nhận sao kê ngày 9.1.2016 hơn 275,4 tỉ đồng. Các sao kê này đều được lập trên giấy tiêu đề của Eximbank, có dấu Eximbank và được ông Lê Nguyễn Hưng, thời điểm đó là Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM, là người có thẩm quyền ký và giao trực tiếp cho bà Bình. Bà Bình cho rằng mình tin tưởng vào các sao kê có đủ dấu, chữ ký của Eximbank là hợp lý. Giải thích vì sao một số tiền lớn bị rút trước năm 2016 mà đến đầu năm 2017 mới phát hiện, bà Bình cho hay mình đã giao dịch với Eximbank chi nhánh TP.HCM từ năm 2012-2013, thời điểm đó chưa có dịch vụ nhắn tin qua điện thoại như bây giờ. Trong quá trình giao dịch những năm sau đó, phía ông Hưng cũng như ngân hàng không có hướng dẫn bà đăng ký dịch vụ này dù bà là khách hàng lớn tại Eximbank chi nhánh TP.HCM. Bà Bình cho rằng phía Eximbank yêu cầu bà chờ phán quyết của tòa án là hoàn toàn vô lý. “Eximbank né tránh trách nhiệm trả 245 tỉ đồng tiền gốc (chưa bao gồm tiền lãi) gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền lợi của tôi. Tôi đề nghị Eximbank thanh toán ngay toàn bộ số tiền gốc và lãi sổ tiết kiệm cho tôi”, bà Bình nói. VietBao.vn (Theo Thanh Niên >>>)
------------
Xem thêm: Vụ mất 245 tỉ đồng sổ tiết kiệm tại Eximbank: Thật hư giấy ủy quyền, http://vietbao.vn/Kinh-te/Vu-mat-245-ti-dong-so-tiet-kiem-tai-Eximbank-That-hu-giay-uy-quyen/2147803406/90/
Tin nhanh Việt Nam ra thế giới vietbao.vn