Vốn chứng khoán chảy sang ngân hàng

Có mặt sớm tại một công ty chứng khoán trên phố Lý Thái Tổ, Hà Nội, anh Thanh quyết định rút hơn 100 triệu đồng từ tài khoản chứng khoán chuyển sang ngân hàng. Anh cho hay sẽ tạm thời gửi tiền tiết kiệm không kỳ hạn, vừa để bảo toàn vốn, vừa chờ đợi chứng khoán có dấu hiệu thay đổi.

Lãi suất huy động VND tại các ngân hàng hiện đã có mặt bằng mới, dao dộng quanh 14-15% mỗi năm cho kỳ hạn 6-12 tháng. Lãi suất không kỳ hạn cũng lên mức 9%, cá biệt có nhà băng đẩy lên 11%. Một số ngân hàng còn áp dụng kỳ hạn "siêu ngắn", như VPBank có kỳ hạn 1 tuần với lãi suất 11,04% mỗi năm, 2 tuần lãi suất 11,52%.

Trong khi ngân hàng được dỡ bỏ trần lãi suất, thì chứng khoán chưa có thông tin nào hỗ trợ, lượng cầu trên thị trường đã giảm trở lại, Vn-Index liên tục mất điểm trong 2 phiên đầu tuần. Hy vọng về một phiên Vn-Index đảo chiều của nhiều nhà đầu tư không trở thành hiện thực.

Gửi tiền tiết kiệm với lãi suất 14-15% mỗi năm đang là kênh rót vốn chắc ăn hơn cho nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Hoàng Hà 

Lãi suất huy động thoát khỏi mức trần 12% được nhiều người coi là phao cứu nạn cho ngân hàng, song cũng là một cú "nốc ao" đối với thị trường chứng khoán. Tiến sĩ Tôn Tích Quý, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), cho rằng, nhà đầu tư sẽ rút vốn gửi vào các ngân hàng, khiến cho thị trường sụt mạnh và lâu hơn, đồng thời làm giảm tính thanh khoản.

Về trung hạn, theo Tiến sĩ Quý, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong huy động vốn. Rất nhiều doanh nghiệp sẽ phải hủy bỏ kế hoạch phát hành cổ phiếu. Thị trường chứng khoán niêm yết không chỉ là "sân chơi" của 300.000 tài khoản, mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường OTC. Thị trường niêm yết suy giảm, thị trường OTC cũng sẽ bị đóng băng, dẫn tới kế hoạch IPO của nhiều doanh nghiệp thất bại.

Ông Hà Huy Thắng, kế toán trưởng Công ty Xuất nhập khẩu xăng dầu Petrolimex (mã PIT), cho hay, công ty này đã hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu do thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Theo ông Thắng, nếu muốn huy động vốn, công ty chỉ có thể dựa vào phương án vay vốn ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, lãi suất ngân hàng lại đang ở mức cao, nên việc vay vốn gặp khó khăn. Nếu có vay ngân hàng, doanh nghiệp cũng chỉ có thể thực hiện dự án ngắn hạn. Còn phương án phát hành trái phiếu thì phải có kế hoạch ngắn hạn và rất khả thi mới thành công.

Tuy nhiên, tăng lãi suất tiền đồng cũng được coi là cơ sở cho ổn định kinh tế vĩ mô, một tiền đề cho sự hồi phục của thị trường chứng khoán. Một nhà đầu tư tại sàn FPTS cho hay, kinh tế vĩ mô ổn định, bắt đầu từ ngành ngân hàng, sẽ giúp hỗ trợ thị trường chứng khoán một cách dài hạn. "Lãi suất cho vay được chốt ở 18%, doanh nghiệp không bị ép lãi suất trên 20% như trước, giá thành sản phẩm có thể bớt leo thang, đỡ gây lạm phát", nhà đầu tư này phân tích.

Chia sẻ quan điểm này, chị Phương Thảo, chuyên viên phân tích tại Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS), cho rằng, về ngắn hạn có thể thị trường sẽ bị ảnh hưởng do nhà đầu tư rút vốn. Tuy nhiên về dài hạn, chỉ có kiềm chế lạm phát và ổn định nền kinh tế vĩ mô mới là nền tảng để thị trường chứng khoán phát triển lâu dài và lành mạnh. Theo chị, thị trường sẽ không tăng nhanh trở lại như giai đoạn cuối 2006, mà sẽ "chậm và chắc". 

Trao đổi với VnExpress, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SJC Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, chứng khoán có thể vẫn đi xuống, song vấn đề quan trọng hiện nay là thanh khoản của thị trường. Theo ông Tuấn, diễn biến thị trường vẫn đang phụ thuộc khá nhiều vào động thái của khối ngoại. "Sức cầu vẫn dựa vào nhà đầu tư nước ngoài", ông Tuấn nhận xét.

Trong phiên giao dịch ngày 19/5, giá trị mua vào của khối ngoại chiếm trên 61% giá trị giao dịch toàn thị trường TP HCM. Blue-chip DPM giảm sàn ở đầu phiên, rồi bất ngờ tăng trần. Song đến cuối phiên giao dịch, lượng bán lớn của khối ngoại lập tức kéo mã này trở về giá sàn, góp phần vào phiên mất điểm của Vn-Index.

Lãi suất huy động tiền đồng tăng cũng mở ra khả năng áp lực giải chấp cổ phiếu giảm bớt, khi các nhà băng đã giải quyết được phần nào bài toán thanh khoản. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, các ngân hàng cũng cần ít nhất một tuần đến nửa tháng mới giải quyết được vấn đề nguồn vốn.

Mặt khác, theo ông, áp lực giải chấp không chỉ do thanh khoản, mà một phần do nhà băng phải tận thu khi nhiều nhà đầu tư không còn khả năng trả nợ. Khi giá cổ phiếu vẫn có khả năng đi xuống, áp lực bán tháo còn tác động đến ngân hàng.

Hiện không phải ngân hàng nào nâng lãi suất cũng vì thiếu thanh khoản, mà một số nhà băng tăng lãi suất đầu vào để giữ chân khách hàng, tránh để nguồn vốn dịch chuyển sang nhà băng khác. Vì thế, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, có khả năng lãi suất sẽ hạ khi thanh khoản của các ngân hàng ổn định trở lại.

Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank) Lê Đắc Sơn, cũng cho rằng, trong tuần này, lãi suất của các ngân hàng sẽ có nhiều biến động do nhà băng theo dõi động thái của nhau nhằm giữ chân khách hàng. Song kể từ tuần sau, thị trường sẽ ổn định trở lại và một mặt bằng lãi suất mới sẽ được thiết lập ở mức 14-15% mỗi năm. "Tôi tin ngân hàng nào huy động với lãi suất cao quá mức này sẽ điều chỉnh giảm cho phù hợp với mặt bằng chung", ông Lê Đắc Sơn nhận định.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, với mức lãi suất cao, cộng với tỷ lệ dự trữ bắt buộc 11% và các chi phí đầu vào, ngân hàng khó có lãi. "Nếu lãi suất huy động giảm, và tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn, đó sẽ là một tín hiệu tốt cho thị trường", ông Tuấn nói thêm.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
10094
Số người truy cập:
9253816