Vn-Index có dấu hiệu điều chỉnh

Với đà đi lên tích cực hôm qua, chứng khoán niêm yết tiếp tục có sự thể hiện mạch lạc về ý muốn đi lên. Dư mua đã tràn lên khiến dư bán bị lấn át. Không chỉ có sự tham gia của các blue-chip, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đồng thuận nhập vào dòng chảy tăng giá. Gần như các cổ phiếu đi theo một chiều ngoại trừ các mã BBT, CNT, L10, SGC, VIC, VNS, TCR.

Hôm nay là phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp của Vn-Index. Ảnh: B.H.

Vn-Index tăng 9,29 điểm sau đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa đã phản ánh phần nào diễn biến giao dịch mua bán sôi động và tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư trên sàn. Khối lượng và giá trị giao dịch tương ứng 4,37 triệu đơn vị và 153 tỷ đồng.

Từ mốc 464,09 điểm, Vn-Index bước vào đợt 2 với nhiều kỳ vọng bứt phá hơn nữa từ phía nhà đầu tư. Tuy nhiên, đà tăng yếu dần khi lượng cung có phần hãm lại, trong khi nhiều nhà đầu tư quyết định hiện thực hóa lợi nhuận sau những biểu hiện "khát hàng" của bên mua. Khối lượng khớp lệnh tăng lên nhanh chóng. Đáng chú ý, cổ phiếu VPL đã rời cuộc đua tăng giá, và cùng với VIC ngự trị mức giá chỉ nhỉnh hơn sàn một chút.

Kết quả đợt 2, có đến 20,35 triệu đơn vị khớp lệnh thành công với giá trị 697,152 tỷ đồng, giá trị giao dịch tăng mạnh nhưng chỉ số Vn-Index không diễn biến tỷ lệ thuận, mà chỉ tăng nhẹ 3,61 điểm trước lượng bán ra ngày một nhiều và cạnh tranh gay gắt với khối lượng mua vào.

"Do thị trường diễn biến khó lường, tăng mạnh nhưng rớt cũng nhanh, cho nên khi nhà đầu tư nhận thấy sự tăng nóng của chỉ số Vn-Index đã quyết định nhả hàng tránh rủi ro và bất ổn cho cổ phiếu đang nắm giữ. Vì vậy, khối lượng giao dịch đợt này tăng đột biến", anh Duy, nhà đầu tư sàn Rồng Việt chia sẻ.

Vn-Index vẫn bảo toàn điểm số đạt được và nhích thêm 5,09 điểm vào lúc kết thúc phiên giao dịch, tuy nhiên sự đuối sức của chỉ số này đã xuất hiện khi Vn-Index đang vươn tới ngưỡng 460.

Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 23 triệu đơn vị. Riêng khối lượng giao dịch khớp lệnh đã chiếm đến 22,864 triệu đơn vị, gấp hơn 1,5 lần so với hôm qua, tương ứng 792,5 tỷ đồng. Như vậy, tính thanh khoản của thị trường đã tăng vọt trở lại so với các phiên liền trước khi khối lượng giao dịch ở mức cao nhất trong gần 1 tháng trở lại đây.

Những mã có mức vốn hóa thị trường lớn đều tăng điểm, ngoại trừ VIC và VPL với cùng mức giảm 1.000 đồng một cổ phiếu và VNM đứng giá tham chiếu. Các mã như STB, SSI, DHG, DPM, PVD... đồng loạt chiếm giữ mức giá trần dễ dàng. DPM có khối lượng khớp lệnh nhiều nhất phiên với 1,6 triệu cổ phiếu.

Toàn thị trường ghi nhận 10 cổ phiếu giảm giá, 12 mã đứng giá, còn lại 138 mã chứng khoán tăng điểm.

Trong dòng chảy giảm điểm đó, cổ phiếu BBT của công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết hôm nay lại vơi 0,1 điểm, hiện chỉ còn 6.000 đồng một cổ phiếu, đánh dấu phiên giảm giá thứ 17 liên tiếp. Hiện nay, những khó khăn về tình hình tài chính của doanh nghiệp vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể, trong khi nguy cơ bị nhà băng phát mãi tài sản vẫn treo lơ lửng và hoạt động sản xuất thì chưa hồi phục... vì còn phải chờ sự đồng ý của cổ đông lớn Dệt may Gia Định chấp nhận thông qua phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua vào 2,1 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, lượng bán ra đạt 3,3 triệu đơn vị.

Chỉ số Hasct-Index của sàn Hà Nội kết thúc phiên ở mức 139,52 điểm, ấn định mức tăng 2,5 điểm (1,82%). Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 11,97 triệu đơn vị, tương ứng 415 tỷ đồng.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
12883
Số người truy cập:
8646487