Không thể biết Vietnam Idol sẽ có thêm mùa giải nào nữa không khi Vietnam Idol 2010 là mùa giải cuối trong hợp đồng mua bản quyền tổ chức cuộc thi mà nhãn hãng Clear thuộc Công ty Unilever VN mua từ Fremantle Media.
Điều này đồng nghĩa, nếu không có đơn vị nào mua tiếp, Vietnam Idol cũng sẽ chấm dứt sau mùa giải này. Hẳn nhiên không ít người, đặc biệt là những người trẻ đang nuôi mơ ước bước chân vào thị trường giải trí chuyên nghiệp, sẽ tiếc rẻ bởi họ đã mất đi một sân chơi có nhiều cơ hội. Thế nhưng cũng không ít khán giả đang ngao ngán với cuộc thi này. “Chết” là điều khó tránh khỏi khi Vietnam Idol không thích ứng với đời sống văn hóa Việt.
Quá nhiều xì-căng-đan
Không khó để nhận thấy chất lượng cuộc thi Vietnam Idol mỗi năm lại có sự sụt giảm. Cho đến nay, kết quả chung cuộc của mùa giải Vietnam Idol năm thứ nhất với chiến thắng của Phương Vy là thuyết phục nhất.
Không chỉ vậy, những gương mặt của vòng chung kết và ngay cả 3 thành viên ban giám khảo lần ấy cũng khiến công chúng hài lòng. Sang mùa giải thứ hai, sự nhàm chán, tẻ nhạt bắt đầu xuất hiện khi thành viên ban giám khảo thay đổi nhưng không đem lại hiệu ứng như năm trước.
Kết quả chung cuộc cũng gây ra ít nhiều bàn luận, tranh cãi. Thế nhưng ở mùa giải thứ ba này, dù đã có những thay đổi với mục đích tạo nên “một chương trình truyền hình thực tế sôi động; một chương trình giải trí mang ý nghĩa giáo dục cao, phù hợp với giới trẻ Việt Nam” nhưng mọi thứ dường như nằm ngoài tầm kiểm soát.
Các thí sinh Vietnam Idol 2010. Ảnh: C.T.V
Ngay từ những vòng đầu tiên, báo chí đã tốn không ít giấy mực cho vụ rắc rối giữa thành viên ban giám khảo Siu Black với thí sinh khuyết tật Sơn Lâm. Thay vì được giải quyết êm thấm giữa những người trong nhà thì sự việc lại ồn ào rình rang trên báo mạng, đến nỗi nhiều người phải nghĩ rằng đây là chiêu quảng bá của nhà tổ chức nhằm gây sự chú ý cho cuộc thi này.
Dù vô tình hay cố ý thì xì-căng-đan mở màn này dễ dàng được cảm thông bởi suy cho cùng, cả hai nhân vật trong cuộc ít nhiều bị tổn thương. Nhưng với xì-căng-đan “nghi án thí sinh Vietnam Idol là gái gọi” dành cho Lều Phương Anh và “vụ án” tung bản ghi âm lời chửi thề của Đức Anh lên mạng, sau đó là quyết định rút lui khỏi cuộc thi của Đăng Khoa... khiến cho Vietnam Idol nổi bật với những xì-căng-đan nhiều hơn là chất lượng tranh tài.
Thực tế, không phải đến mùa giải năm nay Vietnam Idol mới dính xì-căng-đan. Ngay từ mùa giải đầu tiên, những câu chuyện ồn ào nghi ngờ có sự nâng đỡ của một đại gia (cũng là một thành viên ban giám khảo) đối với thí sinh đã khiến công luận chú ý.
American Idol sẽ phải ra hầu tòa
“Đế chế” American Idol mới đây đã phải đối mặt với vụ kiện mà tiền bồi thường lên đến 300 triệu USD vì tội sắp xếp của mình.
Theo đó, người khởi kiện chính là Ian Benardo - một thí sinh đã từng tham gia American Idol mấy năm về trước.
Theo nguyên đơn, các nhà sản xuất của chương trình American Idol đã trở mặt với anh một cách trắng trợn.
Mùa giải năm 2006, khi Ian tham gia vòng thi thử giọng, ban tổ chức động viên anh thu hút sự chú ý bằng cách “gay” hóa bản thân. Tuy nhiên, anh đã sớm bị loại khỏi cuộc thi.
Và khi nhận được lời mời của ban tổ chức quay lại với vòng chung kết vào đầu năm 2010, Ian tiếp tục bị các nhà sản xuất “dụ”. Các nhà sản xuất lại khuyến khích anh có những hành động gây sốc và “gay” hóa để có thể thu hút khán giả. Và anh bị loại khỏi cuộc chơi khi nghe lời tư vấn, cướp micro trong màn biểu diễn của Dane Cook. Điều này đã khiến Ian vô cùng bức xúc, cảm thấy bị xúc phạm nặng nề.
Anh cho rằng những nhà sản xuất đã cố tình dùng anh như một chiêu để tiếp thị và thu hút sự chú ý của công chúng đối với cuộc thi.
Ian đã chính thức nộp đơn lên tòa án New York để khởi kiện.
|
Khi chất lượng thí sinh của những mùa giải sau có phần giảm sút thì xì-căng-đan theo đó tăng lên. Nắm rõ nhu cầu của những trang báo mạng dễ dãi, những website cá nhân muốn nâng lượt người truy cập bằng cách cho đăng tải những câu chuyện nhảm nhí, những người trong cuộc tự cày xới ra xì-căng-đan để thu hút sự chú ý của dư luận. Hiệu ứng dư luận cũng theo đó tăng lên.
Xì-căng-đan phủ sóng cả American Idol
Suy cho cùng, Pop Idol, phiên bản American Idol hay phiên bản F1 Vietnam Idol (mua bản quyền từ American Idol) cũng chỉ là những chương trình truyền hình thực tế.
Vì vậy, việc làm tăng lượng người xem chương trình còn quan trọng hơn là nhiệm vụ tìm cho được một giọng ca đủ sức để tỏa sáng trên thị trường âm nhạc trong tương lai. Đó chính là lý do chương trình này không ngại xì-căng-đan, thậm chí họ tự tạo nên những tình huống thú vị để thu hút sự quan tâm của công chúng.
Minh chứng rõ nét cho điều này là ở những đoạn phim hài hước với những tiết mục tranh tài “khó đỡ” được phát sóng chỉ với mục đích “câu” khán giả. Đó là chưa kể những đoạn video clip quay thí sinh bức xúc đến mức chửi lại ban giám khảo; những trò hề của thí sinh đồng tính hay hành động ngây ngô của những người không có chút gì gọi là biết hát được phát sóng, tung lên mạng như một chiêu quảng bá hữu hiệu.
Không chỉ vậy, American Idol còn ồn ào vì những xì-căng-đan khác. Antonella Barba, thí sinh triển vọng cho vị trí quán quân của American Idol 2007 đã giúp cuộc thi và chính tên của cô nổi như cồn vì những tấm hình gây sốc của cô xuất hiện tràn ngập trên mạng.
Những tưởng cuộc thi American Idol sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều khi có thí sinh tham dự với một hình ảnh nhem nhuốc như vậy nhưng ngược lại, American Idol cũng nổi tiếng song song với sự nổi tiếng của Antonella.
Đến American Idol mùa giải thứ bảy (2008), dư luận lại nóng lên bởi thí sinh David Hernandez, một thí sinh lọt vào vòng bán kết cuộc thi từng làm nghề vũ công khỏa thân ở câu lạc bộ đêm dành riêng cho nam giới.
Hẳn nhiên, American Idol không có ý định loại Hernandez ra khỏi cuộc thi vì sự cố này. Đây không phải là lần đầu tiên American Idol rúng động bởi “xì-căng-đan sex”.
Trước David Hernandez, những tấm ảnh khỏa thân của Amy Davis trên tạp chí Maxim cũng tạo nên sự ồn ào đủ để thu hút công chúng. Sau đó, tấm ảnh trên mạng facebook chụp cô gái đang được kỳ vọng nhiều nhất, Ramiele Malubay, vui đùa và để 2 cô bạn gái đặt tay lên ngực cũng được đào xới hòng gây chú ý.
Tất cả những xì-căng-đan đó đều gây sự chú ý của dư luận đến mức người ta tin rằng xì-căng-đan chính là chiêu giúp American Idol tồn tại lâu năm như vậy. Bởi thực tế, không chỉ ở Vietnam Idol mà ngay chính các phiên bản trên thế giới, chất lượng thí sinh ngày càng thấp và không còn sức hấp dẫn như trước.