Thời gian tới, chính sách tài chính, tiền tệ thắt chặt sẽ tiếp tục được sử dụng để kiềm chế lạm phát. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho hay, cơ quan quản lý sẽ dùng các biện pháp liên quan đến lãi suất, dự trữ bắt buộc và hoạt động của thị trường mở, cũng như cắt giảm chi tiêu, đầu tư công để ổn định kinh tế vĩ mô.
Trao đổi với gần 600 lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước tại một trong những diễn đàn kinh tế lớn nhất Việt Nam, ông Noritaka Akamatsu, chuyên gia cao cấp về tài chính của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (WB) cho rằng, Việt Nam sẽ cần đến nguồn vốn ngoại để bù đắp cho khoảng cách giữ đầu tư và tích lũy. Với quy mô hiện nay, kinh tế Việt Nam nên duy trì mức thâm hụt tài khoản vãng lai vào khoảng 9% tổng thu nhập quốc nội (GDP).
Đại diện của WB cũng nhấn mạnh quan điểm của cơ quan này với tình hình kinh tế Việt Nam, là cần thận trọng với thị trường bất động sản. "Giá nhà đất tại Việt Nam đã ở mức bong bóng, nên cần có sự kiểm soát chặt thị trường này", ông Akamatsu nói.
Với thị trường này, Bộ Tài chính cho biết sẽ nâng chất lượng vốn vay bằng cách kiểm soát quy trình, giám sát các ngân hàng thương mại cho vay bất động sản để đảm bảo an toàn cho hệ thống.
Từ cuối năm 2007, kinh tế Việt Nam biến động, với nhiều khó khăn khi tăng trưởng chậm lại, lạm phát dâng lên, trong khi thị trường tài chính, tín dụng và bất động sản cùng suy giảm. Cùng lúc, nhập siêu gia tăng và tỷ giá hối đoái tăng giảm thất thường. Riêng trong 8 tháng đầu năm nay, nhập siêu vọt lên 16 tỷ USD.
Trong những tháng cuối năm 2008 và cả năm 2009, ảnh hưởng dây chuyền của của chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa được dự báo khiến những doanh nghiệp không tích lũy đủ tiềm lực hoặc không đủ khả năng chịu đựng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rơi vào thua lỗ, thậm chí phá sản.
Tuy vậy, theo ông Trần Xuân Hà, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm lại và nằm trong tầm kiểm soát. Nhập siêu cũng có xu hướng giảm, trong đó tháng 7-8 lần lượt ở mức 800 và 900 triệu USD. Thứ trưởng Tài chính cho biết thêm, kiều hối đổ về nước khá ổn định và đạt khoảng 4,5 tỷ USD trong nửa đầu năm 2008, phần nào hỗ trợ cho tài khoản vãng lai không bị thâm hụt.
Theo ông Supachai Panitchpakdi, Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), khi các ngân hàng hàng đầu của Mỹ sụp đổ và cuộc khủng hoảng lan rộng, thì thị trường châu Á và Việt Nam sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Nhưng Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào còn phụ thuộc vào khả năng chịu đựng của các nhà đầu tư và nền kinh tế.
Trong bối cảnh cơn bão tài chính lan rộng sang châu Á, nơi từng được coi là miễn nhiễm với khủng hoảng tín dụng Mỹ, những hậu quả gián tiếp được dự báo có thể xảy ra do phản ứng của các nhà đầu tư quốc tế. Các chuyên gia đánh giá, giới nhà đầu tư có thể bỏ chạy khỏi thị trường phố Wall, sang châu Á và Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Điều ngược lại cũng có thể xảy ra.
Mặt khác, sự suy thoái của các thị trường chứng khoán thế giới có nguy cơ làm đảo lộn của dòng vốn vào châu Á cũng như Việt Nam, khiến việc quản lý tỷ giá trở nên khó khăn.
"Sau ngày thứ hai đen tối trên phố Wall, chúng tôi nhìn thấy một ngày đen tối thứ ba ở châu Á", ông Supachai nói. Theo ông, thị trường vốn suy thoái đang đe dọa các hoạt động đầu tư và khiến kinh tế bị chậm lại.
Cùng quan điểm này, ông Don Hanna, Tổng giám đốc phụ trách nghiên cứu thị trường mới nổi của Citigroup, cho rằng tình hình kinh tế Việt Nam không thực sự khỏe mạnh. Điều này thể hiện rõ qua mức thâm hụt tài khoản vãng lai, tỷ lệ đầu tư cơ bản chiếm đến 40% GDP trong năm 2007.
Đại diện của Citigroup đề xuất, Việt Nam cần cải thiện sự minh bạch và sức bền của thị trường tài chính. Theo đó, các nhà đầu tư cần được cung cấp thông tin cập nhật về dữ liệu kinh tế vĩ mô cũng như các phân tích. Mặt khác, các doanh nghiệp nhà nước cần quản lý tài chính một cách minh bạch.
Một đề xuất khác được chuyên gia của Citigroup đưa ra là phát triển các thị trường tài chính, để cung cấp cho Việt Nam một nền tảng tài chính đa dạng. Theo đó, Việt Nam cần khuyến khích và cho phép thị trường ngoại hối hoạt động để giúp điều chỉnh sự mất cân bằng về thương mại đang diễn ra.
Theo ông Don Hanna, việc giải quyết các khó khăn trong nước cũng như tác động của cơn bão tài chính từ Mỹ sẽ không đơn giản. Tuy nhiên, nếu không có đầu tư tài chính, tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng. "Lựa chọn nên làm là mở rộng và củng cố con đường chúng ta đang đi", ông Hanna đề xuất.
Theo VnExpress