Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Mekong - Lan Thương tại Campuchia hồi tháng một năm nay, Ảnh: Chinhphu.vn |
Trong Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong Mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị cấp cao Hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10), lãnh đạo các nước sẽ tập trung bàn về những chương trình, kế hoạch, dự án phát triển tổng thể, về định hướng cho hợp tác phát triển trong tương lai của cả hai khuôn khổ này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý, Trưởng Ban tổ chức, cho biết trong cuộc họp báo chiều 15/3. Hai hội nghị nói trên sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 29/3 đến 31/3.
"Vấn đề bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong là một trong các nội dung được đưa ra, nhưng không có phần thảo luận riêng", ông Quý trả lời câu hỏi của VnExpress.
Thứ trưởng Quý nhấn mạnh Việt Nam rất tích cực tham gia GMS vì khuôn khổ này gắn liền với các đối tác về an ninh, phát triển quan trọng nhất của Việt Nam.
GMS là một khu vực được gắn kết với nhau bởi dòng sông Mekong, có diện tích 2,6 triệu km vuông và dân số khoảng 340 triệu người. Hợp tác GMS được đánh giá là cơ chế hợp tác có hiệu quả hàng đầu trong các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng vùng. Các nước tham gia cơ chế này gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc.
Tính đến tháng 12/2017, các dự án hợp tác trong GMS tại Việt Nam có quy mô đạt khoảng 6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng số khoản vay/trợ cấp của GMS. Hiện Việt Nam là mắt xích quan trọng trong việc hình thành các hành lang kinh tế GMS và đã tham gia vào 3 tuyến hành lang kinh tế chính là: Bắc - Nam, Đông-Tây và hành lang ven biển phía Nam.
Với CLV 10, theo ông Quý, Việt Nam coi là hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng nhất năm 2018, gắn liền với những nước láng giềng có lợi ích an ninh phát triển sát sườn với Việt Nam. Năm ngoái hoạt động đa phương chính của Việt Nam là APEC.
Việt Anh