Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 thành viên còn lại vẫn quyết tâm theo đuổi và đêm nay "Hiệp định thế kỷ 21" chính thức được ký kết. Việt Nam được gì và mất gì?
Nhiều mặt hàng như công nghiệp, thủy sản... VN sẽ được lợi khi có CPTPP. Trong ảnh: đánh bắt cá ngừ đại dương ở Bình Định - Ảnh: ÁNH NGUYỆT
|
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), thành viên đoàn đàm phán - hé lộ thêm những thông tin liên quan đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và những tác động từ hiệp định. Ông Thái nói:
- Khoảng 1 giờ sáng 9-3 (giờ Việt Nam), CPTPP chính thức được ký, và về cơ bản hiệp định này kế thừa những nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)...
Ông Lương Hoàng Thái - Ảnh: CHÍ TUỆ
|
* CPTPP không có Mỹ, lợi ích của Việt Nam sẽ giảm đi như thế nào, thưa ông?
- CPTPP kế thừa toàn bộ cam kết mở cửa thị trường, đầu tư, mua sắm công của TPP. Do đó, cơ bản 100% dòng thuế với tất cả hàng hóa sẽ về 0%. Song điểm đáng lưu ý với Việt Nam là các nước sẽ dành cho ta lộ trình tương đối dài hơn.
Có rất nhiều cam kết mở cửa thị trường các nước dành cho Việt Nam ở mức rất cao. Ví dụ với nông nghiệp có mặt hàng cá ngừ. Trước đây Nhật Bản chưa mở cửa thì nay ta đã đạt được cam kết tốt hơn nhiều. Đây là lợi thế khi Nhật là nước có dung lượng thị trường lớn, giá cao. Hoặc các mặt hàng nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh, thủy sản cũng có cơ hội như vậy dù lộ trình giảm thuế dài hơn.
CPTPP dù không còn thị trường Mỹ nhưng những cam kết về mở cửa thị trường vẫn được giữ nguyên. Do đó, ở nhiều lĩnh vực như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép... đều đạt được thỏa thuận chất lượng cao. Ngoài ra là cơ hội khai thác thị trường mới như Canada, Mexico, Peru...
Đặc biệt, CPTPP sẽ tác động tích cực khá tập trung vào những ngành có tác động nhiều đến nông dân, ngư dân... giúp xóa đói giảm nghèo.
* Điểm quan trọng của hiệp định là xóa bỏ hàng rào thuế quan. Những ngành nào của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhất?
- Với các mặt hàng công nghiệp, hiện các nước tham gia CPTPP đang áp dụng thuế cho chúng ta ở mức trung bình là 1,7%, hoặc áp dụng nhiều hàng rào phi thuế. Nhưng với CPTPP, toàn bộ hàng công nghiệp sẽ đưa thuế nhập khẩu hàng Việt Nam về 0%, thậm chí có nước dành cho Việt Nam trên 90% mặt hàng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như Canada, Nhật Bản.
CPTPP cũng mang lại lợi ích trước các rào cản phi thuế quan. Ví dụ với rào cản nhập khẩu động thực vật, thời gian để công nhận sản phẩm đó sẽ nhanh hơn nhiều, trung bình ở nước phát triển chỉ 1 - 2 năm so với trước là 5 - 7 năm.
* FTA là "có đi có lại", vậy những mặt hàng nào dự kiến sẽ phải chịu áp lực lớn, thưa ông?
- Khi đàm phán, Chính phủ đã chỉ đạo cần phải đảm bảo các lợi ích cốt lõi, giúp cải cách và có cơ cấu xuất nhập khẩu phù hợp để chuyển dịch lao động sang những ngành có năng lực cạnh tranh tốt hơn... Trong số đó, đặc biệt lưu ý những ngành có ảnh hưởng lớn đến đa số người dân như nông nghiệp, thủy sản, nghề muối...
Việt Nam đã có cam kết mở cửa với nhiều nước khi tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Thực tế hầu hết các ngành đều đã có độ mở nhất định, như với ôtô đã mở cửa cho các nước ASEAN về 0% từ 2018, với CPTPP cho lộ trình là 7 năm. Cạnh tranh là có nhưng phần lớn là với mặt hàng đã quen với sức ép cạnh tranh.
Thách thức lớn nhất sẽ tập trung vào các lĩnh vực nông sản, chăn nuôi mà cụ thể là thịt gà và thịt heo. Song đây là những ngành mà chúng ta đã có đánh giá, tiên lượng, trong đàm phán đã cố gắng để có được lộ trình phù hợp.
Nhưng cần nhìn hiệp định trong bối cảnh động. Như trước đây khi tham gia FTA với Úc, New Zealand chúng ta lo mặt hàng sữa sẽ bị cạnh tranh vì năng lực kém. Nhưng sau khi thực hiện, doanh nghiệp chủ động vươn lên, ngành chăn nuôi và chế biến sữa đã phát triển lên tầm cao mới. Do đó, với lộ trình phù hợp và có chuẩn bị tốt, chúng tôi hi vọng các ngành sẽ đối phó được và vươn lên.
* Bên cạnh lợi ích xuất khẩu, ông nhìn nhận thế nào về cơ hội thu hút vốn FDI?
- Trước đây, một số nhà quan sát dự kiến ngành được hưởng lợi trong thu hút vốn FDI là dệt may, da giày, chế biến thực phẩm... Đến nay nhận định này vẫn đúng khi nhiều ngành sản xuất được hưởng lợi thiết thực từ việc giảm thuế xuất nhập khẩu, có quy mô thị trường lớn hơn, thu hút được đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Làn sóng FDI đã bắt đầu từ khi chúng ta đàm phán TPP. Thời gian qua có chững lại nhưng sau khi ký kết kỳ vọng sẽ tăng lên. Theo tôi, tác động tích cực nữa là hiệp định này sẽ tạo sức ép cải cách môi trường đầu tư, từ đó giúp tăng thu hút đầu tư.
* Hiệp định được ký kết chính thức, vậy Bộ Công thương tính toán những công việc tới đây để thực thi và tăng cường lợi ích của Việt Nam là gì?
- Chỉ cần 6 nước phê chuẩn, hiệp định sẽ được thực thi. Bộ Công thương sẽ kiến nghị Chính phủ có giải pháp tích cực. Chúng tôi đặc biệt ưu tiên cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi hiệp định đặt ra thách thức cho đối tượng này nhiều nhất. Cần có sự giúp đỡ của Nhà nước trong thông tin, xúc tiến thương mại để họ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bộ Công thương đã chủ động liên hệ với Nhật Bản hay nhiều nước có kinh nghiệm để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng tốt hơn cơ hội.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận thách thức lớn hiện nay là xu hướng bảo hộ đang nổi lên, nên không loại trừ vẫn có xu hướng tăng sử dụng rào cản kỹ thuật...
Doanh nghiệp cần nhìn nhận trước để ứng phó, vượt qua. Tất nhiên, sẽ luôn có sự đồng hành của cơ quan nhà nước.
* Hôm nay ký kết hiệp định 'TPP không có Mỹ'
Ngọc An