Chiều 19/6, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã chủ trì Diễn đàn truyền hình trực tiếp với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tại các đầu cầu Hà Nội, Hong Kong, Singapore và TP HCM. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, đại diện các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương đã đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư. Đại diện của Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Credit Suisse cũng tham dự trực tuyến.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đề cập hai vấn đề nổi cộm trong nền kinh tế hiện nay là lạm phát và nhập siêu gia tăng. Ông Ninh tái khẳng định, Chính phủ đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Bộ trưởng Tài chính, sau những biến động từ cuối năm 2007 tới nay, Chính phủ đã thừa nhận một số khiếm khuyết trong đối phó với lạm phát, song ông cho rằng, hiện tình hình vẫn trong tầm kiểm soát.
Vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất là tỷ giá của tiền đồng với đôla. Mở đầu buổi trực tuyến, chủ tịch một doanh nghiệp tại TP HCM nêu câu hỏi về việc giá đôla trên thị trường tự do lên cao. "Chính phủ có khả năng hỗ trợ đồng tiền Việt Nam và kiểm soát như thế nào về tỷ giá để giúp các nhà nhập khẩu, các công ty?". Một số nhà đầu tư tại Singapore và Hong Kong cũng đặt câu hỏi với mối quan tâm tương tự.
Trả lời các câu hỏi này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nhắc lại chủ trương của Việt Nam không phá giá đồng nội tệ, đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố mới đây. "Chính phủ Việt Nam không tuyên bố phá giá tiền đồng", ông Giàu nói.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng công bố thông tin được nhiều nhà đầu tư quan tâm là dự trữ ngoại hối của Việt Nam. "Về dự trữ ngoại tệ, theo pháp luật của Việt Nam hiện nay, chúng tôi chưa được phép công bố. Nhưng lần này theo gợi ý của Ngân hàng Thế giới (WB), và Thủ tướng cũng đã cho phép, tôi xin công bố dự trữ ngoại hối ròng của Việt Nam hiện là 20,7 tỷ USD, đảm bảo đủ để can thiệp thị trường", ông Nguyễn Văn Giàu nói.
Trước câu hỏi của một nhà đầu tư nước ngoài về việc liệu có phải các giải pháp của Chính phủ chưa đủ mạnh để can thiệp tỷ giá, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, trong tháng 5 vừa qua, sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên tới 3,91%, vượt quá kỳ vọng của các nhà đầu tư cũng như dự báo của Chính phủ, cùng với việc giá gạo tăng ngoài mong muốn, nên tỷ giá có nhiều dao động.
"Chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp, và đang cùng các ngân hàng thương mại bàn giải pháp thực hiện đúng theo pháp luật, và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Chúng tôi có thể can thiệp để thị trường ổn định trong thời gian tới", ông Giàu nói.
Về việc điều hành tỷ giá, ông Nguyễn Văn Giàu cho hay, Ngân hàng Nhà nước điều hành một cách linh hoạt và có kiểm soát. Theo ông, biên độ cả năm nay dự kiến là 2%.
Cùng trao đổi với các nhà đầu tư về việc cân đối ngoại tệ, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, Chính phủ chủ trương thắt chặt chi tiêu công, giảm đầu tư công từ ngân sách, giảm 25% đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng từ 8,5 xuống 7%. Ông Ninh cho rằng, với những biện pháp này, Chính phủ sẽ đảm bảo kiểm soát được nhập siêu và lạm phát, cũng như tỷ giá.
Một số nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi về việc lãi suất ngân hàng của Việt Nam ở mức cao. Theo ông Vũ Văn Ninh, trước mắt Việt Nam phải chống lạm phát nên lãi suất ngân hàng cao, và có sẽ khó khăn cho doanh nghiệp. Dù lãi suất ngân hàng ở mức cao, song Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng xác nhận, hiện lãi suất chưa thực dương. "Lạm phát phải giảm dần, để lãi suất thực dương, thì mới bền vững", ông Giàu nói.
Ông Ninh cũng cho rằng, lãi suất Chính phủ kém hấp dẫn trong bối cảnh lãi suất ngân hàng cao như hiện nay. "Sắp tới chúng tôi sẽ xem xét thêm vấn đề lãi suất trái phiếu để huy động vốn tốt hơn cho nền kinh tế", ông Ninh nói. Bộ trưởng Tài chính cũng cho hay, Việt Nam sẽ tạm thời dừng phát hành trái phiếu, nếu kinh tế thuận lợi hơn sẽ tiếp tục hoạt động này.
Về tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Văn Ninh cho hay, tỷ lệ 49% tại các doanh nghiệp đã niêm yết trước mắt sẽ không mở thêm. Với các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết, hiện tỷ lệ là 40%. "Sắp tới chúng tôi sẽ có phân loại và mở rộng hơn. Với một số ngành như ngân hàng, sẽ có những quy định riêng của pháp luật", ông Ninh nói.
Kết thúc cuộc trao đổi trực tuyến kéo dài một giờ với các nhà đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Ninh khẳng định, các khó khăn của kinh tế Việt Nam là ngắn hạn. Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cân nhắc và đánh giá một cách chính xác và khách quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn, để từ đó đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp.
Theo VnExpress