Việt Nam cần những nhà kinh tế kỹ trị chuyên nghiệp

Kết thúc năm 2007, Việt Nam đạt được những chỉ số phát triển kinh tế ấn tượng: Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng gần 8,5%; đầu tư nước ngoài đạt hơn 20 tỷ USD về cam kết, vốn hoá thị trường chứng khoán đạt hơn 40% GDP... Đây là nền tảng để những dự báo lạc quan về tăng trưởng trong năm 2008 được đưa ra. Thậm chí các chuyên gia trong và ngoài nước đều tin tưởng vào sự cất cánh của nền kinh tế.

Thế nhưng, hết tháng 5/2008, hàng loạt thách thức, cả về vĩ mô và vi mô đã xuất hiện. Các dấu hiệu tiêu cực của thị trường xuất hiện ở nhiều cấp độ, hình thức khác nhau khiến bức tranh phát triển kinh tế của Việt Nam kém tươi sáng. Các gam màu tối của kinh tế thị trường lộ rõ: thị trường chứng khoán đã tụt giảm hơn 60%, lạm phát leo tới hơn 15% sau 5 tháng, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ chịu nhiều sức ép, thị trường nhà đất bắt đầu đóng băng, tăng trưởng kinh tế suy giảm.

Điều quan trọng hơn nữa là kỳ vọng và sự lac quan, một yếu tố rất quan trọng cho sự tăng trưởng về trung hạn, đang bị đánh mất. Các doanh nghiệp đang đối mặt với những thách thức không dễ vượt qua: giá cả đầu vào tăng vọt, trong đó có lãi suất ngân hàng đang lên quá cao và khả năng được vay vốn đang dần khép lại.

Nền kinh tế đang đứng trước một núi khó khăn, dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng đang xuất hiện. Song, những nhân tố cơ bản, vững mạnh của nền kinh tế vẫn còn. Và vẫn còn những yếu tố nội tại có thể giúp khôi phục thị trường. Vấn đề là trong hoàn cảnh này, chúng ta phải hành động như thế nào?

Sau đây là đề xuất những giải pháp trên cơ sở nhân định của cá nhân người viết.

Tạo thêm thanh khoản của thị trường

Lượng vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng hiện nay ở mức 22.000 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 3% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước chỉ bơm thêm vốn vào thị trường khi lượng vốn khả dụng đó xuống dưới mức 5.000 tỷ đồng. Nhưng, tỷ lệ vốn khả dụng như vậy chỉ phát huy hiệu quả trong một nền kinh tế hoàn hảo, một hệ thống ngân hàng tiên tiến. Ở Việt Nam, hệ thống ngân hàng còn nhiều bất cập, khả năng quản trị nguồn vốn và thanh khoản còn ở mức thấp. Với lượng vốn khả dụng như vậy, các nhà băng sẽ đi ăn đong từng tuần, nhất là những đơn vị nhỏ.

Trong kinh tế vĩ mô, thiếu thanh khoản là nhân tố đưa nền kinh tế đi đến khủng hoảng nhanh nhất. Thiếu thanh khoản cũng sẽ đẩy chi phí của hệ thống ngân hàng lên cao, làm thị trường chứng khoán lao dốc, và tạo nên sự đóng băng nhanh của thị trường bất động sản… Thiếu thanh khoản sẽ làm cho các căn bệnh của kinh tế thị trường bùng phát, tạo nên tâm lý bất an, thiếu ổn định cho thị trường. Các nhà kinh tế xem khủng hoảng thanh khoản của hệ thống ngân hàng là nấm mồ chôn nền kinh tế.

Việc bỏ trần lãi suất vừa qua là một động thái đúng, dù hơi muộn. Vì nó sẽ giúp gia tăng tiết kiệm do lãi suất cao và làm tăng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, một giải pháp như vậy vẫn chưa đủ.

Những biểu hiện gần đây về cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi, hạn chế cho vay, đặc biệt khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày một khó... là những minh chứng cho thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn sẽ vật lộn với thanh khoản, nếu quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước về lượng vốn khả dụng không thay đổi. Mức vốn khả dụng cho phù hợp đối với từng nền kinh tế là rất khác nhau. Nhưng với một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi và hệ thống ngân hàng còn yếu kém thì mức vốn khả dụng dưới 10% tổng dư nợ thì thanh khoản cho nền kinh tế sẽ có vấn đế. Nhiều thử thách ghê gớm sẽ xuất hiện trong 3-6 tháng tới, nếu không có giải pháp kịp thời.

Đừng buông xuôi thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán là máy phát điện của nền kinh tế thị trường. Nó là tấm gương phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô. Sự lao dốc không có điểm dừng trong một thời gian dài vừa qua không những gây nên tâm lý bi quan ở những nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn quen chạy theo tâm lý bầy đàn, mà còn làm cho các nhà đầu tư có tổ chức buông xuôi.

Cần hành động trước khi thị trường đỗ vỡ hoàn toàn. Hành động ở đây không phải là bỏ tiền ra để cứu thị trường, mà tháo gỡ những vướng mắc do luật lệ cản trở. Thị trường chứng khoán đang thiếu thanh khoản, cổ phiếu chưa cần phát hành thêm, song có thể xem xét dỡ bỏ quy định hạn chế chia thặng dư vốn của các công ty khi bán được cổ phiếu với giá cao bằng tiền mặt. Với lương dư vốn cỡ vài chục nghìn tỷ được chuyển đến tay các cổ đông có thể là điểm sáng cho thị trường trong cơn khủng hoảng thanh khoản.

Hãy tham khảo và đối thoại với các nhà đầu tư lớn, họ cần được quan tâm, và khi lòng tin trở lại họ sẽ là đầu tàu trong việc vực thị trường dậy. Hãy quan tâm hơn đến các nhà đầu tư có tổ chức của nước ngoài, thái độ của họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút đầu tư, đến chi phí nguồn vốn nước ngoài mà Việt Nam có thể vay được. 

Xiết mạnh tay với các tập đoàn kinh tế

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Việc đầu tư tràn lan, nhảy sang tất cả các lĩnh vực trong khi khả năng quản trị còn yếu kém, tiềm lực tài chính yếu đã làm cho các tập đoàn kinh tế không những không thực hiện tốt vai trò đầu tàu của mình trong lĩnh vực hoạt động chủ chốt của họ, mà còn làm méo mó nền kinh tế, tạo sự cạnh tranh thiếu bình đẳng và lành mạnh, giảm bớt cơ hội kinh doanh của những nhân tố khác hiệu quả hơn.

Đã đến lúc cấm hoặc hạn chế tối đa việc kinh doanh ngoài những lĩnh vực chủ yếu của các tập đoàn kinh tế. Các ngân hàng thương mại nhà nước khi xét duyệt các khoản vốn cho vay các tập đoàn cũng cần đánh giá kỹ lưỡng khả năng tài chính của họ. Nếu cho các tập đoàn vay để đầu tư sang các lĩnh vực nhiều rủi ro như tài chính, đất đai khi mà vốn của các tập đoàn chỉ được vài phần trăm so với vốn vay, thì các ngân hàng thương mại đã leo dây cùng các tập đoàn kinh tế.

Minh bạch thông tin với thị trường

Trong bất cứ nền kinh tế thị trường nào, những vị trị quan trọng trong đầu ngành kinh tế quan trọng khi nhậm chức thường có những thông điệp rõ ràng với thị trường về những chính sách của mình trong thời gian tới. Những mục tiêu trong thông điệp của họ sẽ giúp định hướng thị trường, giúp cho doanh nghiệp hoạch định chiến lược kinh doanh và đầu tư dự án.

Sự thiếu thông tin về định hướng chính sách có thể khiến thị trường đồn thỏi thông tin, tạo ra những nhu cầu giả tạo nguy hiểm, và khi trở thành làn sóng sẽ đẩy các yếu tố tiêu cực của thị trường bùng nổ. 

Với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, họ cần thông tin đầy đủ và được đối thoại, nhằm làm tăng thêm lòng tin và có những phản biện thông tin trở lại các chính sách một cách tốt hơn.

Quan tâm đến các yếu tố tâm lý trong thực hiện các chính sách vĩ mô

Hiện nay tâm lý hay kỳ vọng của thị trường (market expectation) đang trở thành một bộ phận không thể thiếu trong các lý thuyết kinh tế thị trường. Trong một thị trường thiếu hoàn hảo và yếu kém thông tin, yếu tố tâm lý của từng người dân, từng cá thể kinh tế lại càng quan trọng, bởi vì tính bầy đàn ở đây hết sức nặng nề.

Qua những năm tháng phát triển khó khăn, tâm lý của cộng đồng đang trở thành một yếu tố cực kỳ nhạy cảm ở nền kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy, những động thái chính sách hợp lý, kịp thời sẽ ổn định được tâm lý, để nhà đầu tư, người dân có thể yên tâm đầu tư.

Tìm và tận dụng những nhà kinh tế kỹ trị giỏi

Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra những chính sách với định hướng chiến lược rõ ràng về kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, bảo đảm thanh khoản và sự thông suốt của hệ thống thanh toán, thắt chặt chi tiêu công, hạn chế đầu tư ngoài lĩnh vực chủ yếu của doanh nghiệp nhà nước… Đây đều là những định hướng đúng và xác đáng.

Nhưng để những chính sách phù hợp đó phát huy hiệu quả trong thực tế đang là một thách thức không dễ vượt qua. Việt Nam đang cần những nhà kỹ trị chuyên nghiệp về kinh tế thị trường, những người có thể đưa chính sách lớn của Chính phủ thực thi được nhanh chóng, phù hợp với diễn biến và tâm lý của thị trường.

Đúng là chúng ta đang rất khó khăn. Song trong nền kinh tế thế giới với mức độ hội nhập cao như ngày nay, nền kinh tế nào cũng phải đối mặt hàng ngày với thách thức. Và để có thể xử lý được những tình huống cụ thể, đối với từng chính sách cụ thể, đòi hỏi sự am hiểu về kinh tế thị trường cũng như tính chuyên nghiệp trong đội ngũ lãnh đạo ở các cấp tham mưu chính sách, tạo điều kiện cho Chính phủ chứng minh được khả năng của mình.

Tại Việt Nam cũng vậy. Đây là thời điểm mà việc thực hiện các định hướng chính sách kinh tế vĩ mô cần đi vào chuyên nghiệp và cụ thể hoá trong từng hành động của các cơ quan chủ đạo trong kinh tế vĩ mô. Kinh nghiệm phát triển của nhiều nước cho thấy, một đất nước có thể trở nên giàu hay không tuỳ thuộc rất nhiều vào khả năng kỹ trị của những người đứng đầu các cơ quan hoạch định kinh tế vĩ mô. Hãy tìm những nhà kỹ trị giỏi và phải tận dụng khả năng của họ.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, những nhân tố cơ bản, vững mạnh của nền kinh tế vẫn còn, những yếu tố nội tại có thể giúp khôi phục thị trường vẫn tồn tại. Đó là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn ở mức rất cao, thể hiện lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài về trung hạn, mức vay nợ của Việt nam vẫn ở trong khả năng kiểm soát được. Mặt khác Viêt nam chưa tự do hoá tài khoản vốn, do đó hiện tượng chảy vốn ra ngoài ào ạt (capital flight) sẽ khó thực hiện.

Ngoài ra, lượng tiền trong dân vẫn còn nhiều, thể hiện qua hiện tượng găm giữ vàng, đôla, hàng hoá gia tăng. Sự ổn định chính trị cũng là một yếu tố hỗ trợ quan trọng. Xuất khẩu vẫn tiếp tục gia tăng, những mặt hàng mạnh của Việt Nam về xuất khẩu vẫn đang rất được giá trên thị trường. Hơn nữa, dù đang rất khó khăn, tôi vẫn tin về một sự linh hoạt để chịu được cú sốc lần này của nền kinh tế Việt nam. Trong một nền kinh tế, tính linh hoạt của từng cá thể kinh tế (doanh nghiệp, người dân…) là một yếu tố quan trọng trong tính linh hoạt chung của nền kinh tế đó. Sự tự xoay trở khôn ngoan trong khó khăn của từng cá thể kinh tế ở Việt Nam tạo ra niềm tin về sức mạnh bền vững hơn khi nền kinh tế khi gặp bất lợi. Quan trọng hơn, đây là thời điểm mà sự cố gắng chung của tất cả người dân và Chính phủ sẽ là yếu tố trọng yếu trong phát triển.

Kiều Hữu Dũng - Nguyên Vụ trưởng Vụ Các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Theo VnEpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
16450
Số người truy cập:
9263276