Vì sao doanh nghiệp vẫn 'mê' xuất nông sản sang Trung Quốc

 3 tuần nay nông sản của Việt Nam ùn ứ ở các cửa khẩu Lạng Sơn vẫn chưa giải quyết triệt để thì Trung Quốc quyết định cho đóng cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu như "ngồi trên lửa". Đây cũng là tình trạng diễn ra liên tục vào mỗi năm khi chính quyền nước này cho ra các quy định mới. Chưa dừng lại ở đó, ngay cả nông sản xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển cũng đột ngột bị tạm ngưng do chính quyền Trung Quốc siết chặt quy định phòng chống Covid-19 khiến thông quan chậm.

Nhưng chia sẻ với VnExpress, nhiều doanh nghiệp dù đang gặp khó khăn vì hàng ách tắc, không thể thông quan, vẫn nói sẽ không "bỏ" thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cho rằng, gặp khó nhưng công ty vẫn tìm cách xuất hàng sang thị trường này bằng nhiều phương án khác nhau. Doanh nghiệp luôn coi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trọng điểm vì đây là đất nước có kinh tế phát triển top đầu và dân số đông nhất thế giới và là mảnh đất "hấp thụ" hàng xuất khẩu khổng lồ.

"Có thời điểm, khi cùng các doanh nghiệp khác đánh giá về thị trường này thì chúng tôi đều kinh ngạc khi cộng sản lượng xuất khẩu cả năm của toàn bộ các thị trường EU, Singapore, Nhật... chỉ bằng 2 ngày xuất đi Trung Quốc", ông Huy dẫn chứng.

Anh Nguyễn Văn Tới, lái xe 43 tuổi, nhờ người mở thùng xe để kiểm tra chất lượng thanh long trong thời gian bị kẹt tại cửa khẩu Tân Thanh hồi tháng 12/2021. Ảnh: Ngọc Thành

Anh Nguyễn Văn Tới, lái xe 43 tuổi, nhờ người mở thùng xe để kiểm tra chất lượng thanh long trong thời gian bị "kẹt" tại cửa khẩu Tân Thanh hồi tháng 12/2021. Ảnh: Ngọc Thành

Cũng thừa nhận khó có thể bỏ mặc thị trường Trung Quốc, Giám đốc doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản ở Vĩnh Long cho biết doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp từ thị trường Trung Quốc chiếm 70%. Đây là thị trường có sức tiêu thụ mạnh nhất trong nhóm các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Mặt khác, Việt Nam có lợi thế là láng giềng nên thuận lợi trong việc giao thương. Các chi phí vận chuyển cũng rẻ hơn nhiều lần so với các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Do đó, nếu bỏ lỡ thị trường này doanh nghiệp tin sẽ bỏ lỡ khoản lợi nhuận khổng lồ mà các thị trường khác không thể bù đắp.

Cùng với sức tiêu thụ khổng lồ, theo vị này, Trung Quốc là thị trường dễ tính nhất với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Là doanh nghiệp vừa bị tạm ngưng đột ngột các đơn hàng xuất khẩu mít và khoai lang sang Trung Quốc, ông Huỳnh Ngọc Có, Giám đốc Công ty cổ phần Khoai lang Nhật Thành vẫn nói sẽ không bỏ cuộc với thị trường này. Hiện nay, khi Trung Quốc siết chặt các quy định với nông sản Việt Nam về tiêu chuẩn an toàn nhưng lại là tiền đề để nông sản Việt Nam nâng cao chất lượng hơn.

"Chúng tôi đang xây dựng các kế hoạch sản xuất nông sản có quy hoạch với các vùng trồng có truy xuất nguồn gốc đầy đủ để đáp ứng cho thị trường Trung Quốc và Mỹ trong thời gian tới", ông Có bộc bạch

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - nêu những lý do khiến Trung Quốc là thị trường có sức hấp dẫn. Thứ nhất là giá mua nông sản của phía Trung Quốc cao hơn ở thị trường nội địa. Thứ hai là chất lượng nông sản đòi hỏi không cao hơn các thị trường khác như Âu Mỹ... Yếu tố thứ ba là quốc gia này không đòi hỏi các điều kiện bảo quản hàng sau thu hoạch phải hiện đại, tiên tiến. Cuối cùng là quãng đường di chuyển ngắn giúp nông sản xuất khẩu đảm bảo chất lượng tươi ngon.

Số liệu của Tổng Cục Hải quan mới đây cho thấy, ảnh hưởng của Covid-19 nhưng 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,75 tỷ USD, tăng 3,6 so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 54% về thị phần. Đây là thị trường tiếp tục dẫn đầu top 10 các quốc gia xuất rau quả của Việt Nam.

Sáng 16/12/2021, hàng trăm xe chở hàng nối đuôi nhau chờ vào bến xe Tân Thanh - điểm tập kết hàng hóa chờ thông quan sang Trung Quốc. Ảnh: Ngọc Thành

Sáng 16/12/2021, hàng trăm xe chở hàng nối đuôi nhau chờ vào bến xe Tân Thanh - điểm tập kết hàng hóa chờ thông quan sang Trung Quốc. Ảnh: Ngọc Thành

Trung Quốc vẫn là thị trường tỷ USD mà không chỉ doanh nghiệp Việt, các quốc gia khác trên thế giới cũng muốn chen chân.

Gần đây, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Mỹ... ngày càng đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc khiến sức cạnh tranh hàng Việt tại thị trường này ngày càng gay gắt. Cùng áp lực trên thì phía nông dân Trung Quốc ngày càng canh tác nhiều các sản phẩm nông sản tương tự hàng Việt, buộc nước này ngày càng ra nhiều chính sách để bảo hộ nông sản của họ hơn. Mới đây, phía Trung Quốc đề nghị Việt Nam giảm xuất tiểu ngạch, thay thế bằng hoạt động chính ngạch và đáp ứng đầy đủ giấy tờ về kiểm dịch.

Họ cũng ra Lệnh 248, 249 đối với hàng nhập khẩu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, vùng trồng để hướng tới sản phẩm vào Trung Quốc đáp ứng tiêu chí an toàn và cao cấp.

Trước những thách thức trên, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cho rằng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, các địa phương cần tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp thêm thông tin về quy định mới của thị trường Trung Quốc để cùng thích ứng với "gã khổng lồ" này.

"Người dân và doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng được yêu cầu phía bạn đặt ra chứ mình không thể yêu cầu ngược lại họ", ông Nguyễn Khắc Huy nói.

Để không bị thị trường Trung Quốc bỏ lại phía sau, ông Huy cho rằng các doanh nghiệp Việt phải cùng nhau thay đổi. Ví dụ, hiện các thị trường khó tính như Nhật Bản hay Hàn Quốc có quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với trái cây nhập khẩu còn Trung Quốc vẫn chưa có những quy định này. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần lưu ý, để đến lúc Trung Quốc đưa ra yêu cầu có thể sẵn sàng đáp ứng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cũng nhắc nhở các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng số một hiện nay. Đồng thời, chúng ta cần thay đổi tư duy "quá phụ thuộc vào một thị trường" sang tư duy "đa dạng thị trường".

Thi Hà


Giày Đại Phát solution
Số người online:
18164
Số người truy cập:
8743230