Vì chất lượng cuộc sống mọi người dân

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự ASEM 8:

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (phải) chào đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước buổi làm việc tại trụ sở EU ở Brussels bên lề hội nghị ASEM - Ảnh: AFP

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham gia hội nghị chủ đề “Chất lượng cuộc sống vì hạnh phúc và phẩm giá của mọi người dân”.

Lãnh đạo hay đại diện 46 nước cùng gặp gỡ nhau trong hai ngày, trước khi diễn ra các cuộc gặp riêng EU với Trung Quốc, EU với Hàn Quốc vào ngày 6-10.

Theo AFP, mọi chú ý tại ASEM tập trung vào Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Nhằm tìm cách hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước, Tokyo đã nêu lên khả năng về một cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo này bên lề hội nghị Âu - Á.

Hôm 3-10, Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara đã lên tiếng khẳng định Tokyo và Bắc Kinh là “láng giềng tốt” và cả hai phải “tìm con đường cùng tồn tại và vì một sự thịnh vượng chung”.

Hội nghị thượng đỉnh ASEM, như Shada Islam - điều phối viên cao cấp tại Trung tâm chính sách châu Âu - nhìn nhận, là cơ hội duy nhất để thắt chặt quan hệ hơn với lục địa châu Á vốn đang có nguy cơ tách rời châu Âu, và khẳng định vai trò tiếp tục là “bạn chơi chính” của châu Á với thế giới.

Các vấn đề kinh tế hẳn chi phối các cuộc gặp ở Brussels. EU dự tính ký ba thỏa thuận thương mại tự do chính với Hàn Quốc, xem đó như thỏa thuận đầu tiên, mở đường cho EU ký tiếp hàng loạt thỏa thuận tương tự với các nước châu Á khác. Tuy nhiên, cuộc họp EU - Trung Quốc có thể sẽ không suôn sẻ vì châu Âu và Mỹ cáo buộc Bắc Kinh cố tình kìm giữ giá đồng nhân dân tệ để có lợi trong xuất khẩu. Trung Quốc đang sở hữu lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới và Thủ tướng Ôn Gia Bảo hứa sẽ tiếp tục ủng hộ sự đầu tư của EU vào Trung Quốc và thúc giục EU “cố hạn chế chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại”.

Theo TTXVN, ngày 4-10, bên lề ASEM 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, Thủ tướng Bỉ Yves Leterme và Thủ tướng Hà Lan Jan Peter Balkenende.

Các nhà lãnh đạo đã tập trung trao đổi nhiều vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại song phương.

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với thủ tướng Hà Lan, hai nhà lãnh đạo đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh thỏa thuận này sẽ là cơ sở để đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước về quản lý nước, quy hoạch không gian, xây dựng đê điều, giúp VN từng bước giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Thủ tướng Luxembourg cho biết trong chương trình định hướng hợp tác giai đoạn 2011-2015 sẽ duy trì mức tài trợ cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục và dạy nghề, phát triển bền vững; cam kết sẵn sàng đón các thực tập sinh Việt Nam sang học tập tại Luxembourg trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Ngoài ra, thủ tướng Luxembourg cho biết nước này muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực vận tải hàng không, luyện kim...

Song song với ASEM, tại Thiên Tân (Trung Quốc) cũng diễn ra cuộc họp của 3.000 đại biểu khắp nơi trên thế giới để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu sẽ tổ chức tại Cancun, Mexico vào tháng 11-2010. Là một trong những quốc gia thải ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất, Trung Quốc lần đầu tiên ngồi trên ghế nóng khi là chủ nhà của một hội nghị về biến đổi khí hậu với mục đích đưa ra được một thỏa thuận rộng hơn và có tính ràng buộc pháp lý để các nước ngăn chặn sự ấm lên của Trái đất, các cơ chế giúp các nước nghèo có tiền để thích nghi với sự thay đổi và chuyển giao công nghệ năng lượng sạch. Các nhà khoa học cho rằng thế giới sẽ chứng kiến nhiệt độ tăng lên hơn 2OC và sẽ gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan như lụt lội năm nay ở Pakistan và hạn hán ở Nga.

 

KHỔNG LOAN - TTXVN


Giày Đại Phát solution
Số người online:
13606
Số người truy cập:
9282841