|
Những dốc đèo uốn lượn của cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh: Đ.L.Q. |
>> Hôm nay 12-4, trình UNESCO hồ sơ về cao nguyên đá Hà Giang
>> Tự khám phá cao nguyên đá Đồng Văn
>> Cao nguyên đá Hà Giang trở thành Công viên Địa chất toàn cầu
Đúng là nhiều người yêu di sản địa chất, địa mạo tuyệt vời của cao nguyên đá đã phải nín thở chờ phán quyết mang tính vinh danh kể trên, sau ít nhất một lần bàn nghị sự của tổ chức được UNESCO bảo trợ “chưa” công nhận hồ sơ đề nghị miền đá Đồng Văn là công viên địa chất toàn cầu.
Nhận “báo hỉ”, ngay lập tức phía tỉnh Hà Giang đã tưng bừng mở hội, dự kiến một festival mang tên “Cao nguyên đá Đồng Văn” với sự tham dự của nhiều tỉnh thành trong nước, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế liên quan sẽ được tổ chức trong tháng 11-2010 tại “tân công viên địa chất” này.
Các kế hoạch đua thuyền trên sông Nho Quế, leo dây thám hiểm hang động, cưỡi ngựa vào các bản làng, lội bộ thăm Vú Cô Tiên... đồng loạt được lên dây cót. Phương án thoát nghèo cho bốn huyện phía bắc núi đá tỉnh Hà Giang nhờ đón khách trong và ngoài nước càng được đặc biệt chú trọng...
Người ta hi vọng nhiều cũng bởi từ lâu lắm, bất chấp các phán quyết mang tính giấy tờ hành chính của địa phương hay quốc tế, với nhiều du khách trong và ngoài nước, cao nguyên đá vẫn kỳ vĩ nằm đó, vẫn đẹp đến thảng thốt nơi cuối trời biên ải kia. Nó như một thứ men say nồng dễ gây nghiện cho nhiều người. Không thời sự, không ăn theo, từ bao triệu năm qua miền đá tưởng như bất tận và rợn ngợp này vẫn đẹp như vậy.
Những tượng đài địa chất
Nơi mà các nhà địa chất gọi là điểm ngoạn mục nhất, hội tụ nhiều sửng sốt nhất, xứng đáng là đệ nhất hùng quan của cao nguyên đá chính là đỉnh của cao nguyên, chóp mũi của đèo Mã Pí Lèng cao gần 2.000m so với mực nước biển, nơi phân chia hai vùng tiểu khí hậu, phân chia ranh giới hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Từ đỉnh đèo nhìn xuống, sông Nho Quế bé như một sợi chỉ. Núi quá lớn, hẻm vực quá sâu, dòng sông dữ dằn bậc nhất nước Nam chỉ như cái bấc đèn hiền lành.
Cũng đứng ở đỉnh Mã Pí Lèng, nơi các nhà khoa học Pháp từ một thế kỷ trước đã ngả mũ tôn vinh là “tượng đài địa chất” của loài người, ta còn được chứng kiến những hẻm vực Nho Quế kỳ lạ. Vách đá vôi Tu Sản được giới khoa học đánh giá là một trong những vách đá vôi cao nhất thế giới (gần 800m).
Cao nguyên đá Đồng Văn cũng là nơi vinh dự được sở hữu những con dốc, đèo uốn lượn ngoằn ngoèo nhất nước nhà. Chỉ nhìn đã sững sờ, chóng mặt, những cái tên như dốc chữ Em Mờ Ngược (W), “dốc Bắc Sum, hùm Làng Đán” đã đi vào nỗi kinh sợ của khách bộ hành suốt nhiều năm; nhưng nay là những kỳ quan được liệt vào thắng cảnh cần phải đến của công viên địa chất toàn cầu.
Trong hồ sơ công viên, trong tài liệu khoa học còn có nhiều địa danh quyến rũ như: hoang mạc đá Sảng Tủng, rừng hoa đá Khâu Vai, bãi hải cẩu đá Vần Chải, đá hình tháp kim Pả Vi, rừng măng đá, kim tự tháp đá Sà Phìn... Có lẽ đi tìm và lắp ghép các hồ sơ đó vào thực địa cũng hơi mệt, vì cao nguyên đá đi một nhát bổ dọc (chỉ đi trên trục đường chính) đã mất 200km đèo dốc rợn người rồi.
Song, những gì chợt gặp trên đường cũng đủ khiến người ta mềm lòng, ám ảnh, thán phục sự hữu tình của trời đất, của quá trình hình thành vỏ trái đất với bao nhiêu bí ẩn và thách thức. Ngây ngất để rồi thấy đau lòng...
|
Sông Nho Quế chảy giữa hai sườn núi trên cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh: Hoài Linh |
“Đá núi tật nguyền vết sẹo thời gian”
Tiếng đàn môi bên bờ rào đá là tác phẩm rất được yêu thích của nữ văn sĩ Đỗ Bích Thúy, người đã gắn chặt ngòi bút và sự nghiệp của mình với địa đầu Hà Giang (sau chuyển thể thành kịch bản phim nhựa nổi tiếng Chuyện của Pao) đã được sáng tác, rồi dựng phim ngay tại cao nguyên đá Đồng Văn. Bờ rào đá - không chỉ riêng ở cao nguyên đá Đồng Văn mà tại nhiều miền đá khác của nước ta, “sống trên đá chết vùi trong đá”, bà con ta đều có tập quán sử dụng đá, đập đá, nghiền đá làm đủ thứ công trình, phần việc...
Từ xửa từ xưa đã vậy. Nên đá và các công trình kỳ vĩ từ đá, những bờ rào, ngôi nhà, bản làng và tường thành đá xếp mênh mông kia đã trở thành điểm đến, thành một phần giá trị độc đáo của công viên địa chất toàn cầu.
Sức người nhỏ bé giữa miền đá rộng đến mức chỉ đi ngang qua mỗi bề đã đến cả trăm cây số đường chim bay, biết bao giờ mới “mòn” được núi! Trong kế hoạch du lịch công viên địa chất nay mai, người ta hoàn toàn có thể trình diễn nghệ thuật đập đá thủ công, xếp đá làm nhà, làm bờ tường thẳng tắp hay cong veo phục vụ du khách, đó vẫn là điều UNESCO không hề cấm đoán.
Tuy nhiên có một sự thật khác là chưa bao giờ hệ thống máy móc hiện đại được huy động để phá đá, nghiền đá nhiều như bây giờ. Người ta phá đá công nghiệp để giải phóng mặt bằng xây dựng nhiều lỵ sở, thị tứ, thị trấn, khu dân cư; người ta xây dựng tới ba cái thủy điện trên dòng sông Nho Quế ghềnh thác nhất VN đang vắt mình xuyên qua di sản địa chất cao nguyên đá kia, nước dâng lên sẽ chôn lấp nhiều phần rừng, núi non, hang động đẹp bậc nhất của cao nguyên cao nhất VN này.
Đấy là chưa kể hàng vạn, hàng triệu tấn bột đá sẽ được nghiền phục vụ xây dựng, nhiều dãy núi, bờ sông, bản làng sẽ bị biến mất để lấy mặt bằng, mở đường, làm hồ chứa, nâng bước cho các tổ máy, cỗ máy lớn chưa từng thấy vào với các bản làng, dòng sông biên giới.
Điều đáng sợ là để thuận lợi cho việc gọt đẽo các dãy đá kỳ quan, các ngọn núi thắng cảnh thành công trình, bột đá, người ta bao giờ cũng nghiên cứu “chọc tiết” các thế giới đá ở gần đường giao thông nhất, thuận tiện cho việc vận chuyển nhất. Và, đó cũng chính là “điểm ngoạn mục” (thăm ngắm) của du khách khi đến với công viên địa chất toàn cầu.
TSKH Vũ Cao Minh (nguyên phó viện trưởng Viện Địa chất), người từng bỏ nhiều năm nghiên cứu cao nguyên đá Đồng Văn, có lần đã lên tiếng kêu cứu: “Các giá trị mà tự nhiên đã phải mất hàng chục triệu năm, thậm chí hàng trăm triệu năm mới để lại dấu ấn cho cao nguyên Đồng Văn đang có nguy cơ mất đi vĩnh viễn. Bảo vệ và bảo tồn các giá trị quý báu kể trên là nhiệm vụ khẩn thiết hiện nay. Trên dọc tuyến đường ôtô từ Quản Bạ đi Yên Minh, Phó Bảng, Xà Phìn, Đồng Văn, Mèo Vạc, Khau Vai và Mèo Vạc, Lũng Phìn, Yên Minh... đâu đâu cũng thấy các chỏm đá vôi có hình dáng kỳ dị bị người dân đập phá làm vật liệu xây dựng, làm hàng rào”.
Trở lại Hà Giang trong mấy năm gần đây, chúng tôi luôn có cảm giác đi trong những dãy núi đá tật nguyền.
Của hiếm trên toàn cõi Đông Nam Á
Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng trên bốn huyện phía bắc tỉnh Hà Giang, gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc; rộng hơn 2.347km2 với số dân khoảng 250.000 người, thuộc 17 dân tộc anh em sinh sống.
Các nhà khoa học đã chỉ ra ở đây nhiều giá trị độc nhất vô nhị, làm sửng sốt giới nghiên cứu thế giới, như: có nơi độ dày các vỉa đá vôi có thể lên tới 4.000m (!), một của hiếm trên toàn Đông Nam Á, các hóa thạch cho thấy từ nửa tỉ năm trước, sinh vật đã xuất hiện ở cao nguyên đá với hơn 1.000 loài; thế giới có năm thời điểm các loài sinh vật bị hủy diệt thì hóa thạch cổ ở Đồng Văn đã chứa tới hai thời điểm, đây là cơ sở thú vị, hi hữu để nghiên cứu sự hình thành vỏ trái đất...
Tất cả những điều đó, thường thì người du ngoạn, thăm ngắm cao nguyên đá ít trông thấy, ít xúc cảm được. Dù vậy, chỉ tính riêng những vẻ đẹp địa chất, địa mạo độc đáo “hễ đi là gặp” của cao nguyên đá, đã đủ để bất kỳ ai cũng phải sững sờ.
|
LÃNG QUÂN
__________