Nội dung họp được thông báo, ngoài việc thông qua các báo cáo hoạt động năm 2017, kế hoạch SXKD năm 2018... thì còn thêm nội dung trình phương án đăng ký niêm yết chứng khoán trên sàn HoSE.
Trước đó tháng 11/2017 VEAM đã công bố thông tin về việc Công ty nhận được Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán VEA. Tổng số cổ phiếu đăng ký 1.328.800.000 cổ phiếu tương ứng tổng giá trị cổ phiếu đăng ký 13.288 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đã được phê duyệt, vốn điều lệ VEAM sau cổ phần hóa lên tới 13.288 tỷ đồng, tương đương với 1,33 tỷ cổ phiếu lưu hành. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 678 triệu cổ phiếu, chiếm 51% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho người lao động là 5,7 triệu đơn vị, chiếm 0,43% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược là 478 triệu đơn vị, chiếm 36% vốn điều lệ; và chào bán 167 triệu đơn vị công khai ra công chúng trong phiên, chiếm 12,57% vốn điều lệ.
Phiên IPO bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng của VEAM diễn ra ngày 29/8/2016. Có hơn 167 triệu cổ phần được mang ra chào bán với giá khởi điểm 14.290 đồng/cổ phần. Kết quả 89,5% tổng số cổ phần được bán hết với giá đấu thành công bình quân 14.291 đồng/cổ phần, thu về 2.137 tỷ đồng.
Theo báo cáo tổng doanh thu của VEAM năm 2016 ước đạt 11.315 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2015. Trong đó, doanh thu sản xuất công nghiệp là 5.268 tỷ đồng, doanh thu thương mại, dịch vụ là 2.213 tỷ đồng và doanh thu tài chính (công ty mẹ) là 3.834 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất năm 2016 của tổng công ty đạt mức 3.602 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất 4.370 tỷ đồng của năm 2015.
Năm 2017, VEAM đặt mục tiêu doanh thu khá khiếm tốn với kế hoạch doanh thu 11.812 tỷ đồng, trong khi kế hoạch lợi nhuận hợp nhất là 3.600 tỷ đồng. Tại Hội nghị tổng kết năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, ông Ngô Văn Tuyển- Phó tổng giám đốc VEAM cho biết, trong năm 2017, tổng doanh thu của VEAM là 2.813 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch năm, bằng 96% so với năm 2016.
Theo Trí thức trẻ