Vẽ tranh từ những bức ảnh lịch sử

 

Họa sĩ Phạm Huy Thông bên tác phẩm Ra khơi - Ảnh: N.Linh
11 tác phẩm sơn dầu và một tác phẩm in được trưng bày thuộc 23 tác phẩm của bộ tranh Ðồng bào, do Quỹ phát triển văn hóa Ðan Mạch - Việt Nam tài trợ, được thực hiện từ tháng 4-2009 đến 10-2011, trong đó có nhiều tác phẩm tìm kiếm nội dung từ những bức ảnh nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam. Họa sĩ Phạm Huy Thông chia sẻ:
- Với tôi, để hiểu tốt hơn về ngày hôm nay và tìm ra con đường thích hợp cho tương lai, một người trẻ không thể không biết đến những gì đã xảy ra trong quá khứ. Bộ tranh Ðồng bào có nhiều tác phẩm là sự "tiếp đoạt" các bức ảnh nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam của Eddie Adams, Hugh van Es, Huỳnh Công Út, Triệu Ðại, Malcolm Browne...
Từ Cô gái napalm của Huỳnh Công Út chụp cơ thể bỏng rộp của chị Kim Phúc đang chạy trốn bom lửa, tôi vẽ Bầu trời màu tím, nhân bản hình ảnh chị lên nhiều lần, tượng trưng số lượng đồng bào là nạn nhân chiến tranh đã vắng mặt trong bức ảnh của Nick Út. Nhưng thay vì nhắc lại quá khứ, các bức tranh của tôi còn nói nhiều tới hiện tại, đến cuộc chiến kinh tế ngày nay hay đến tương lai cộng đồng người Việt...
Từ loạt ảnh The fall of Sai Gon (tạm dịch: Ngày Sài Gòn sụp đổ) của Hugh van Es chụp cảnh người chen lấn chạy trốn súng đạn trong ngày cuối của cuộc chiến ở Việt Nam, tôi vẽ cảnh người Việt hăng hái, chen lấn leo lên những nấc thang kinh tế, chạy trốn khỏi đói nghèo.
* Tại đêm khai mạc triển lãm, nhiều khán giả dừng rất lâu trước bức
Bữa tiệc cuối cùng còn bởi những dòng chữ tiếng Anh trên đó. Anh cũng tự nhận tác phẩm hội họa của mình vẫn có âm hưởng của một apphich hay một minh họa cỡ lớn. Lý do đặc biệt cho phong cách sáng tác này là gì?
- Tôi tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa, ra trường kiếm tiền bằng vẽ minh họa sách báo, apphich. Làm việc nhiều với chữ trong các ấn phẩm, khi chuyển sang vẽ tranh tôi vẫn thích cách thể hiện ý tưởng trực diện, viết, kẻ vẽ chữ lên tranh của mình. Tôi thấy điều này không có gì sai trái, nghệ thuật đang không ngừng mở rộng biên giới, chấp nhận nhiều hình thức thể hiện, một minh họa hay một apphich vẫn có thể bước chân lên giá vẽ.
* Không ngại nêu tên tác giả trong nước và quốc tế đã gây ảnh hưởng đến mình, vậy trong quá trình sáng tạo, anh đã làm gì để bảo vệ tác phẩm của mình khỏi trở thành một bản copy sản phẩm gốc?
- Trong bộ tranh Ðồng bào, tôi biến các nhân vật của mình trở lại thành bào thai, dây rốn nối liền với nhau trong tử cung để nhắc nhớ tới sự tích người Việt là anh em cùng một mẹ Âu Cơ sinh ra, đề cao mối đoàn kết dân tộc, ngược lại, phê phán chiến tranh và những hành vi gây chia rẽ. Ở triển lãm này, tôi thừa nhận mình chịu sự ảnh hưởng trong tạo hình từ các họa sĩ đi trước, nhưng ý tưởng, câu chuyện và những khám phá trong những bức tranh của tôi là thành quả của riêng tôi.
“Nghệ thuật tiếp đoạt”
“Lần này tranh anh Thông giống tranh anh nào?” - là tựa bài viết của Phạm Huy Thông viết về chính triển lãm của mình đăng trên một trang web chuyên bàn luận về các hoạt động nghệ thuật tại VN.
Bài viết chủ động thuyết minh việc Huy Thông lấy tư liệu từ đâu, học tập ai, khác ai ở điểm nào... khi đưa ra hàng loạt tác phẩm mà tác giả cho rằng mình chịu ảnh hưởng của Nhạc Mẫn Quần, Đường Chí Cương (Trung Quốc), HR Giger (Thụy Điển)... Bài viết tiếp tục mở ra những cuộc bàn luận sôi nổi về “nghệ thuật tiếp đoạt” đang manh nha trong giới họa sĩ trẻ Việt Nam.
Theo Phạm Huy Thông, “nghệ thuật tiếp đoạt” đã được thực hành từ lâu trên thế giới, ở đó họa sĩ lấy chất liệu từ những tác phẩm của những người đi trước để dựng lên tác phẩm của mình, tạo ra một tác phẩm mới với ý nghĩa mới.
Bầu trời màu tím lấy cảm hứng từ bức ảnh Cô gái Napalm do Nick Út chụp - Ảnh: N.Linh
NGA LINH thực hiện

Giày Đại Phát solution
Số người online:
54506
Số người truy cập:
7347557