Tự tử vì bị lộ băng “nhạy cảm” trên mạng



Tyler Clementi (trái) được cho là đã tự tử ít ngày sau khi hình ảnh của anh bị quay bí mật và đưa lên mạng. Dharun Ravi (giữa) và Molly Wei đã bị cáo buộc hai tội danh liên quan đến xâm hại quyền riêng tư của người khác - Ảnh: MSN

 

Ngày 22-9, Tyler đã viết trên trang Facebook của mình: “Nhảy cầu GW đây, xin lỗi”. Đến nay, nhà chức trách đã tìm thấy chiếc ví có giấy tờ cá nhân của Tyler cùng điện thoại di động của anh trên cầu George Washington bắc qua sông Hudson, nối giữa New Jersey và New York. Họ cũng đang tìm hiểu xem thi thể của một người chưa rõ danh tính vừa được đưa lên khỏi dòng sông có phải là anh hay không. Nhà chức trách New Jersey cho biết Tyler đang là sinh viên khoa violon năm 1 Đại học Rutgers. Anh đã không biết mình là đối tượng của “chương trình truyền hình trực tiếp” trên mạng Internet khi đang “quan hệ” với người yêu đồng tính.

Trò đùa nguy hiểm

 

Hãy dừng lại và suy nghĩ...

Trang colleguesnews.com kết luận: Câu chuyện của Tyler Clementi đã cho thấy một điều tưởng chừng như một trò đùa lại có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và đau xót. Vì sao những sinh viên này lại cho đó là trò đùa thì khó có thể hình dung và lý giải. Nếu bạn đang nghĩ tới việc vi phạm quyền tự do của ai đó thì hãy nghĩ lại và hãy tôn trọng cuộc sống riêng tư của người khác. Bạn có thể coi chuyện đó “chỉ là vui thôi mà”, nhưng hãy dừng lại và suy nghĩ kỹ về điều đó. Bạn không nên trình chiếu điều gì đó về người khác, nếu như bạn không muốn họ làm điều tương tự với mình.

 

Hai người bị cáo buộc đặt máy quay lén trong phòng Tyler là Dharun Ravi, 18 tuổi, bạn cùng phòng và Molly Wei, 18 tuổi, bạn cùng lớp. Họ đã bị cáo buộc vi phạm quyền riêng tư của người khác do đã đưa các đoạn phim trực tiếp lên mạng hôm 19-9. “Nếu những cáo buộc là đúng thì những hành động này đã vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực của nhà trường và cả tính nhân văn nữa” - hiệu trưởng Richard L. McCormick nhận định.

 Luật sư của gia đình Tyler thông báo: “Thay mặt gia đình, tôi có thể khẳng định Tyler đã tự tử tuần trước bằng cách nhảy cầu George Washington. Tyler là một thanh niên và là nhạc công tài hoa. Gia đình anh không thể diễn tả bằng lời nỗi đau đớn này. Họ đề nghị được tôn trọng sự riêng tư”.

Cả Wei và Ravi nếu bị buộc tội sẽ phải đối mặt với mức án tối đa 5 năm tù. Theo luật pháp của New Jersey, Wei và Ravi đã vi phạm hai tội danh: 1. Thu thập và xem các hình ảnh mô tả sự trần truồng hay các quan hệ tình dục của các cá nhân khác mà không có sự đồng ý của họ. 2. Truyền bá và phát tán những hình ảnh này.

James O’Neill, phụ trách đối ngoại của văn phòng công tố, đã từ chối bình luận liệu Ravi và Wei có thể bị cáo buộc các tội danh khác nữa hay không nếu chuyện Tyler tự sát có liên quan trực tiếp tới những hành động mà họ đã bị cáo buộc. Steve Cron - cựu luật sư bảo vệ các tội phạm hình sự tại Santa Monica, California - cho AOL News biết họ khó có thể bị cáo buộc các tội danh khác nữa, bởi vì “ngay cả khi tội của họ có thể được chứng minh bằng một mảnh giấy mà Tyler ghi “Tôi làm điều này (tự tử) vì đoạn băng đó” thì mảnh giấy cũng không được công nhận ở tòa án.” Cron cho rằng thẩm phán sẽ chỉ muốn gửi thông điệp là mọi người không thể làm như vậy (quay lén người khác và đưa lên mạng), vì họ sẽ phải nhận lãnh hậu quả. Đây là việc làm nguy hiểm và ai cũng phải biết hậu quả của những việc họ làm.

Quyền riêng tư trong thế giới ảo

Khái niệm “quyền riêng tư” đang trở nên khó phân định trong thời kỹ thuật số. Thế giới ảo giúp con người có tiếng nói, nhưng các xã hội lại đang bị tụt hậu khủng khiếp khi chưa đưa ra được các chính sách bảo vệ sự riêng tư của mỗi cá nhân, mà nói một cách hình tượng là “cánh cửa nào có thể mở và cái tủ quần áo nào nên bị đóng mãi mãi”. Internet có thể lưu giữ mãi mãi các hình ảnh và thông tin đã được đưa lên mạng.

Microsoft cho biết 75% các doanh nghiệp Mỹ khi tuyển dụng nhân sự đều tìm kiếm thông tin về các ứng viên nhờ các công cụ tìm kiếm, các trang chia sẻ video, blog, Twitter, Facebook. Và 70% trong số các doanh nghiệp này từng từ chối ứng viên dựa vào thông tin trên Internet. Mười năm qua, khả năng tìm kiếm trên mạng về mỗi cá nhân được mở rộng rất nhiều. Tính đến tháng 7-2010, Facebook đã có 500 triệu thành viên, tức 22% tổng số người dùng Internet trên thế giới, với 25 tỉ nội dung được đưa lên mạng mỗi tháng. Còn Twitter có hơn 100 triệu thành viên.

Có những người có quyền lực nhiều hơn những người khác khi hoạt động trên mạng, nếu như họ rành về kỹ thuật hay sở hữu quyền kiểm soát các dữ liệu. Nhưng vấn đề là ở chỗ biết nhiều hơn người khác, hoặc có quyền kiểm soát hơn người khác không có nghĩa là có quyền lạm dụng những quyền hạn đó. Đọc lén email, phát tán các thông tin riêng tư... là điều không bao giờ được chấp nhận.

Nguyên tắc vàng mà ai cũng có thể đã biết là đừng làm điều mà mình không muốn người khác làm với mình. Trang www.respectmyprivacy.net (Hãy tôn trọng sự riêng tư của tôi) đưa ra lời cảnh báo với các cư dân mạng: Hãy nhớ là chúng ta đang liên hệ với một thế giới của những con người thông qua màn hình vi tính, chứ không phải chỉ là màn hình vi tính.

HẠNH NGUYÊN


Giày Đại Phát solution
Số người online:
13590
Số người truy cập:
9282817