Trùng tu kiểu... xóa cũ làm mới!

Một lần nữa, những vấn đề nóng trong trùng tu di tích lại được đặt ra trong cuộc tọa đàm có chủ đề Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội diễn ra vào Ngày Di sản VN (23-11).

 
Tọa đàm nóng lên ngay trong báo cáo đề dẫn của PGS-TS Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN, đặc biệt là việc làm biến dạng nhiều di tích quan trọng, như ô Quan Chưởng, thành cổ Sơn Tây...
 
Hễ sửa là sai
 
Dư luận thời gian qua đã nói nhiều đến việc Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội trùng tu ô Quan Chưởng đã biến di tích ngàn năm tuổi này thành... vài tuổi. Là cửa ô của Hà Nội xưa nằm ở phía Đông tòa thành đất bao quanh kinh thành Thăng Long, cổng ô Quan Chưởng còn nguyên tam quan với cửa chính, hai cửa phụ hai bên.
 
Trên nóc cửa chính có vọng lâu, tường phía trái có gắn một tấm bia đá do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881, ghi lệnh cấm người canh gác không được sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại cửa ô.
 
 
Rồng bò ngược mới xuất hiện tại đình Nam Hương (Hà Nội). Ảnh: NGỌC THẮNG
 
 
Ô Quan Chưởng được coi là một trong những biểu tượng của Hà Nội và sự trường tồn của một công trình kiến trúc cổ được dân gian gói trong hai câu thơ: “Long thành bao quản nắng mưa/ Cửa ô Quan Chưởng bây giờ còn đây”.
 
Thế nhưng, vào lúc này, đến thăm ô Quan Chưởng, du khách có thể sẽ kinh ngạc bởi một cửa ô cổ kính rêu phong được khoác chiếc áo trẻ trung còn tươi màu sơn mới.
 
 
Ô Quan Chưởng vừa được tân trang. Ảnh: YẾN ANH
 
 
Tu bổ, khắc phục sự xuống cấp của cửa ô là việc nên làm nhưng làm sao để di tích không bị biến dạng là chuyện khác. PGS Trần Lâm Biền, cán bộ Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, bức xúc cho biết ông đã từng phát biểu trên báo chí nhiều lần về việc các cơ quan quản lý di tích chỉ mới có ý thức giữ gìn di sản chứ chưa có ý thức bảo tồn di sản.
 
Theo nhà nghiên cứu văn hóa này, không chỉ ô Quan Chưởng mà rất nhiều di tích khác của Hà Nội đang bị biến dạng bởi tu bổ không đúng cách. “Di tích nào tu bổ tốt nhất cũng chỉ giữ được 70% hồn cốt cũ” - PGS Trần Lâm Biền khẳng định.
 

Chỉ những người yêu di tích tâm tư

Một cuộc tọa đàm được đông đảo nhà khoa học lên tiếng nhưng TS Nguyễn Văn Sơn vẫn tỏ ý buồn vì chỉ thấy những người yêu di tích đến nói cho nhau nghe. Cơ quan quản lý Nhà nước không ai có mặt. Theo ông, “có nói nữa cũng chẳng có tác dụng gì”. PGS Trần Lâm Biền nhấn mạnh: “Việc tu bổ, tôn tạo di sản văn hóa chỉ hiệu quả khi những người có trách nhiệm quan tâm trên cơ sở trí tuệ. Họ phải biết di sản diễn biến thế nào trong quá khứ mới có khả năng bước tiếp vào đời sống của nó. Nếu không, sẽ lại nhận thức sai lầm về di sản thôi”.

TS Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội, chua chát hơn khi đưa ra nhận định: “Về cơ bản, cứ sửa chữa di sản là sai nguyên trạng”. Trước đây, di tích được xây dựng bằng vôi bằng mật, còn hiện nay, di tích được tu bổ 100% bằng xi măng, sau 2-3 năm là rạn hết.
 
Rồng bò ngược, rồng ôm tường!
 
Ô Quan Chưởng chưa hết làm người ta ngỡ ngàng thì việc nhập hai di tích quốc gia là tượng đài vua Lê Thái Tổ và đình Nam Hương ngay giữa trung tâm thủ đô làm một khiến nhiều người sửng sốt.
 
Hai di tích này có chung một địa điểm nhưng được ngăn cách nhau bằng một bức bình phong. Sau đợt tu bổ vừa qua, bức bình phong có hơn 100 năm đã được phá thông và không biết vô tình hay cố ý, các nhà quản lý di tích đã gộp hai di tích này lại gây bàng hoàng cho các nhà văn hóa.
 
Chưa hết, trong quá trình trùng tu, rất nhiều kiến trúc mới đã được đơn vị trùng tu đưa vào đình Nam Hương như rồng bò ngược cầu thang dẫn lên đình hay rồng ôm góc tường.
 
Trước sự “sáng tạo” này, một chuyên gia về trùng tu di tích phải nói rằng mấy chục năm làm trùng tu di tích, chưa bao giờ thấy rồng bò ngược còn rồng ôm góc tường thì lại càng không.
 
Sự “sáng tạo” không chỉ có trong kiến trúc đình Nam Hương mà còn ở nhiều ngôi đình, đền nổi tiếng khác của Hà Nội, trong đó có đền Voi Phục, một trong “tứ trấn Thăng Long” thờ Linh Lang Đại Vương, tương truyền được xây dựng từ thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072).
 
Đền Voi Phục nay đã biến dạng vì người ta đã sao chép y nguyên cổng chùa Láng đặt vào làm thành cổng đền. Ai cũng biết đền, đình, chùa có kiến trúc khác nhau, có văn hóa khác nhau, vậy mà các nhà trùng tu cứ vô tư lắp ghép.
 
Cách tu bổ, tôn tạo theo kiểu xóa cái cũ làm cái mới (như việc phá bỏ hoàn toàn đình Xuân Tảo để xây lại bằng vật liệu và kiến trúc khác hẳn), biến cái duy nhất thành mẫu sao chép, biến công trình trăm tuổi, ngàn tuổi thành vài tuổi có nên xem là bảo tồn trùng tu hay phá hoại di tích?
Yến Anh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
40526
Số người truy cập:
7331878