Vũ Hoàng (tổng hợp)
Theo New York Times, tốc độ và quy mô xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang làm gia tăng nhiều lo ngại trong cộng đồng quốc tế.
Bắc Kinh hồi tháng 6 tuyên bố quá trình cải tạo đảo sẽ sớm hoàn tất. "Thông báo này đánh dấu một bước ngoặt, cho thấy Trung Quốc đã hoàn thành theo đúng lịch trình việc bồi đắp đảo ở một số bãi đá và nay bắt đầu chuyển sang giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng", Mira Rapp-Hooper, giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), bình luận.
Trung Quốc đồng thời đẩy mạnh xây dựng bến cảng, những tòa nhà phục vụ cho mục đích quân sự hay đường băng tại một số đảo nhân tạo. Động thái này khiến sự hiện diện của Bắc Kinh trong khu vực càng trở nên đáng báo động. Đồ họa: NYT
Bức ảnh vệ tinh chụp hồi tháng 3 cho thấy các tàu nạo hút của Trung Quốc hoạt động tại bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Diện tích các đảo nhân tạo quá nhỏ để Trung Quốc triển khai những đơn vị quân đội lớn tại đây, tuy nhiên chúng sẽ góp phần tăng cường khả năng tuần tra và giám sát của nước này trên một vùng rộng lớn ở Biển Đông. Đồng thời, nhờ đó Bắc Kinh cũng có thể tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên một phần hoặc toàn bộ khu vực nằm trong cái gọi là "đường 9 đoạn" mà nước này tự đưa ra, chiếm 90% diện tích Biển Đông, bà Bonnie S.Glaser từ Viện chính sách Lowy, nhận định. Ảnh: Digital Globe
Tính đến ngày 10/6, diện tích bãi đá Vành Khăn đã tăng lên đến 5,52 km2. Trong khi đó, những hình ảnh chụp bãi đá này vào tháng 10 năm ngoái chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu cải tạo nào.
Hồi cuối tháng 5, một loạt diễn đàn quân sự có uy tín của Trung Quốc còn đồng loạt đăng tải những hình ảnh được cho là bản đồ quy hoạch 10 km2 bãi đá Vành Khăn. Theo bản vẽ, bãi đá Vành Khăn được xây dựng như một trái tim khổng lồ. Trên vành đai trái tim là các công trình xây dựng như casino, khu vui chơi giải trí. Tổng diện tích quy hoạch là 9,53 km2, trong đó, diện tích xây dựng là 6,29 km2, dân số dự kiến là 70.000 người. Ảnh: Digital Globe
Tại bãi đá Chữ Thập, đường băng dài 3 km đã hình thành, đủ sức tiếp nhận mọi loại máy bay, từ chiến đấu cơ đến máy bay vận tải cỡ lớn.
Bắc Kinh cũng liên tục dựng lên nhiều nhà chứa với mục tiêu biến nơi đây trở thành một kho dự trữ máy bay chiến thuật, sẵn sàng xuất kích bất cứ lúc nào.
Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết bến cảng trên bãi đá Chữ Thập còn khá phù hợp để trở thành nơi neo đậu cho tàu ngầm của Bắc Kinh nếu so với cảng nước nông mà quân đội Trung Quốc đang sử dụng ở đảo Hải Nam. Ảnh: Airbus DS
Những bức ảnh vệ tinh của Digital Globe chụp ngày 13/7 tại bãi đá Chữ Thập càng củng cố thêm suy đoán của một tư lệnh hải quân Mỹ khi cho rằng đường băng tại đây sẽ đi vào hoạt động sớm hơn dự kiến vào cuối năm nay. Ảnh: Digital Globe
Bãi đá Gạc Ma nằm ở phía tây bắc quần đảo Trường Sa, có diện tích khoảng 7,2 km2, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988. Đầu năm 2014, trên bãi đá chỉ có một nền bê tông nhỏ với một cơ sở liên lạc, cầu cảng và một đơn vị đồn trú.
Đến nay, phần nền bê tông đã trải rộng trên diện tích 100.000 m2, nơi rộng nhất là 400 m. Trên bãi đá hiện có các công trình như kênh tiếp cận, nhà máy xi măng, tháp phòng thủ, bơm khử mặn, bơm nhiên liệu, cơ sở quân sự nhiều tầng, radar, trạm liên lạc, bãi đáp trực thăng, cầu cảng và đê chắn sóng gia cố. Ảnh: Digital Globe
Trung Quốc hiện bồi đắp trái phép rất nhanh bãi đá Subi, quần đảo Trường Sa, với số lượng tàu hậu cần tăng mạnh so với hai tháng trước. Trang Diplomat hồi tháng 6 ước tính Bắc Kinh mỗi ngày mở rộng trái phép bãi đá Subi thêm 32.000 m2. Ảnh: Digital Globe
Một dải đất thẳng dài hơn 3.000 m, rộng khoảng 250 m ở rìa tây bắc bãi đá Subi đã được Trung Quốc đổ đầy cát, và có thể dễ dàng xây dựng một đường băng, tương tự như trên đá Chữ Thập. Gần 50 cần cẩu loại lớn đang hoạt động trên dải đất này để gia cố phần nền vừa bồi đắp từ cát và san hô. Ảnh: Digital Globe
Bên cạnh đó, tại các bãi đá như Châu Viên, Tư Nghĩa và Gaven, Trung Quốc vẫn đẩy mạnh việc bồi đắp, mở rộng diện tích và xây dựng công trình.
Trong ảnh là toàn cảnh bãi đá Châu Viên hồi tháng 3. Những công trình xuất hiện tại đây gồm kênh tiếp cận, đê chắn sóng, bãi đáp trực thăng, các tòa nhà hỗ trợ, cơ sở quân sự, ăng ten liên lạc vệ tinh, radar. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
Phương pháp Trung Quốc sử dụng để biến bãi đá thành đảo. Đồ họa: NYT
Vũ Hoàng (tổng hợp)