Người đàn ông tên Li Xinglin đã bị cảnh sát bắt giữ ngày 14-12 tại thành phố Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc). Được biết Li là chủ nhà máy hóa chất Jiaersi tại tỉnh Tân Cương, đã chạy trốn sang Thành Đô khi báo chí địa phương phanh phui việc y đối xử tàn bạo với các lao động bị tâm thần trong xưởng của mình.
Con trai của Li Xinglin là Li Chenglong cũng bị bắt giữ ngay sau đó khi đang tìm cách đưa các lao động tâm thần đi giấu. Hiện những công nhân bị tâm thần này đang được chính quyền địa phương chăm sóc.
Ảnh chụp một lao động tâm thần tại một “xưởng nô lệ” ở Tân Cương, Trung Quốc - Ảnh: Sina.com |
Báo cáo của cảnh sát cho biết nhà máy hóa chất Jiaersi đã thuê 11 công nhân - trong đó có 8 người bị tâm thần - để làm công việc nghiền đá, tuy nhiên không cho họ bất cứ dụng cụ bảo hộ nào cùng với mức lương chết đói.
Điều tra riêng của phóng viên tại Tân Cương cho thấy những lao động tâm thần đã bị nhốt trong nhà máy ít nhất là 3 năm, làm việc quần quật không lương và không có dụng cụ bảo hộ khỏi bụi đá. Họ cũng không được tắm rửa trong nhiều năm và ăn những thức ăn mà Li cho chó ăn.
Còn theo người dân địa phương, các nhà máy tại đây đóng cửa từ tháng 3 đến tháng 10, nhưng nhà máy Jiaersi thì hoạt động quanh năm.
Tờ Global Times dẫn lời Wang Li (40 tuổi), một công nhân người tỉnh Hắc Long Giang nằm trong số 11 công nhân nói trên, cho biết ông đã cố gắng chạy trốn hai lần nhưng bị bắt lại và đánh đập dã man. Một lao động khác tên Peng Li nói các công nhân chỉ được ăn thịt khi Li cảm thấy họ không đủ sức làm việc tiếp.
Đường dây buôn bán người tâm thần
Ngoài Li Xinglin, cảnh sát Trung Quốc cũng đang điều tra về Zeng Lingquan, chủ một cơ sở từ thiện nhận nuôi người vô gia cư và người mắc bệnh tâm thần. Cơ sở này bị nghi ngờ đã đưa hàng chục người mắc bệnh tâm thần đi làm việc tại các “xưởng nô lệ” trên khắp Trung Quốc.
“Từ năm 1996, Zeng Lingquan đã đưa ít nhất 70 lao động tâm thần đến làm việc tại Bắc Kinh và các thành phố khác - một quan chức địa phương trích dẫn lời khai nhận của Zeng - Thậm chí Zeng còn không nhớ nổi đã đưa bao nhiêu người, con số 70 là từ năm 2008”.
Đáng ngạc nhiên là Zeng từng được chính quyền Tứ Xuyên khen ngợi vì “thành tích trong việc giải quyết vấn đề người vô gia cư |
Các nạn nhân có độ tuổi từ 20-40, một số được gia đình đưa đến, một số bởi các nhà hảo tâm, số khác do chính tay Zeng “đón nhận”, quan chức này cũng cho biết.
Trong khi đó, theo ông Wang Yong thuộc Cục Xử lý các vấn đề dân sự tỉnh Tân Cương, cơ sở của Zeng hoàn toàn không được đăng kí với chính quyền địa phương, bởi tại Tân Cương chỉ có duy nhất một tổ chức của chính quyền chăm lo cho những người bị tâm thần. Đáng ngạc nhiên là Zeng từng được chính quyền Tứ Xuyên khen ngợi vì “thành tích trong việc giải quyết vấn đề người vô gia cư”.
Trước đó vào năm 2007, Zeng cũng đã từng bị cảnh sát tỉnh Hồ Nam triệu tập vì có liên quan đến một vụ buôn bán những người vô gia cư đến một xưởng gạch, một trong số đó đã chết vì bị đánh đập.
XUÂN TÙNG