Trung Quốc nỗ lực tăng ảnh hưởng với châu Âu

 Đây là chuyến công du một mình đầu tiên của Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tới châu Âu kể từ khi ông nhậm chức, diễn ra vào thời điểm then chốt trong quan hệ giữa Bắc Kinh và châu lục.

Giới chức Mỹ trong những năm qua liên tục kêu gọi châu Âu tăng cường gây áp lực kinh tế, thương mại với Trung Quốc, đồng thời nỗ lực xây dựng liên minh phương Tây đối phó Bắc Kinh.

Các lãnh đạo châu Âu tỏ ra ngần ngại tham gia vào cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ đề cao chính sách đối thoại và thương mại, đồng thời tìm cách thuyết phục Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.

Tuy nhiên, các nước châu Âu gần đây bắt đầu có phản ứng mạnh mẽ hơn với chính sách đối ngoại quyết đoán của Bắc Kinh cũng như sự hỗ trợ chính trị mà Trung Quốc dành cho Nga. Giới lãnh đạo ở Brussels ngày càng thúc đẩy các nước châu Âu giảm phụ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh, cách tiếp cận mà họ gọi là "giảm thiểu rủi ro" từ Trung Quốc.

Sau cuộc gặp Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ở Berlin hôm 9/5, ông Tần nói rằng rủi ro thực sự với châu Âu là bị kéo vào cuộc đối đầu với Bắc Kinh. "Nếu các bạn tách rời Trung Quốc dưới danh nghĩa 'giảm thiểu rủi ro', các bạn sẽ đồng thời tự làm giảm cơ hội hợp tác, ổn định và phát triển", ông nói.

Ngoại trưởng Tần Cương cảnh báo về "một số quốc gia đang tiến hành 'Chiến tranh Lạnh mới'" bằng cách áp các biện pháp trừng phạt đơn phương, gây ra lạm phát và khủng hoảng tài chính, nhưng không nêu tên Mỹ.

"Đây là những rủi ro thực sự cần được xem xét nghiêm túc", ông nói. "Nếu Chiến tranh Lạnh mới này xảy ra, không chỉ lợi ích của Trung Quốc bị tổn hại, mà lợi ích của châu Âu cũng không còn".

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (trái) và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tại Berlin ngày 9/5. Ảnh: Reuters

Hai điểm dừng chân khác trong chuyến thăm châu Âu của ông Tần là Pháp và Na Uy. Chuyến thăm của ông diễn ra khi các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị nhóm họp ở Thụy Điển cuối tuần này để thảo luận về những thay đổi trong mối quan hệ của khối với Bắc Kinh, cũng như những thách thức mà Trung Quốc đặt ra. Tại hội nghị, các lãnh đạo cấp cao châu Âu cũng có thể lần đầu tiên thảo luận về lập trường của khối với đảo Đài Loan, theo các nhà ngoại giao.

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu ngày 9/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói quan hệ giữa châu lục với Trung Quốc đang ngày càng trở nên đối đầu và cạnh tranh. Ông cho rằng châu Âu nên tìm kiếm cơ hội mới khi EU muốn giảm phụ thuộc vào quan hệ thương mại với Trung Quốc, ước tính trị giá hơn 930 tỷ USD vào năm 2022.

"Phương châm của chúng ta là không tách rời với Trung Quốc nhưng phải giảm thiểu rủi ro một cách khôn ngoan", ông nói.

Quan hệ giữa châu Âu với Trung Quốc đã bị thử thách nghiêm trọng với chiến sự Ukraine, khi Bắc Kinh từ chối chỉ trích Moskva, đồng thời thúc đẩy quan hệ ngoại giao và thương mại với Nga.

Một số quan chức châu Âu đã thăm Trung Quốc để cảnh báo Bắc Kinh về rủi ro nếu họ cung cấp vũ khí cho Nga, cũng như khuyến khích nước này thúc đẩy Moskva đàm phán hòa bình. Trung Quốc cho biết họ không có kế hoạch trang bị vũ khí cho Nga và chỉ trích châu Âu, Mỹ vì hỗ trợ quân sự quy mô lớn cho Ukraine.

Cả giới chức Mỹ và châu Âu đều cho rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò thúc đẩy hòa bình ở Ukraine. Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch 12 điểm đối với xung đột Ukraine và cam kết cử đặc phái viên hòa bình tới châu Âu trong vài tuần tới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng trước lần đầu điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kể từ khi xung đột nổ ra. Ông đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vài lần.

Song giới chức châu Âu nói rằng họ không thấy dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng làm nhiều hơn để thúc đẩy tiến trình ngoại giao vì hòa bình Ukraine, điều mà các quan chức Đức lặp lại sau chuyến thăm của ông Tần.

"Rõ ràng mối lo ngại chính của Trung Quốc là việc EU và Mỹ phối hợp chặt chẽ hơn trong đối phó với Bắc Kinh. Đó là lý do họ gửi một số thông điệp trấn an nhưng đi kèm một số cảnh báo", Jean-Pierre Cabestan, giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hong Kong, nhận định.

Một số dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu đang rạn nứt. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc ở châu Âu trong năm 2022 là hơn 8,6 tỷ USD, giảm 22% so với năm 2021 và là mức thấp nhất trong một thập kỷ, theo công ty tư vấn Rhodium Group ở New York.

Đức, cường quốc công nghiệp của châu Âu, trong những tháng gần đây đã dịch chuyển dòng chảy thương mại ra xa Trung Quốc và hướng về Mỹ. Xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc giảm 12% trong ba tháng đầu năm nay, xuống mức hơn 26 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu của Đức sang Mỹ tăng 14% trong cùng giai đoạn, lên hơn 43 tỷ USD, theo cơ quan thống kê liên bang Đức.

Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Trung Quốc hồi đầu tháng 4, hai bên đã cam kết hợp tác chặt chẽ. Ông Macron cũng bày tỏ quan điểm khác xa với lập trường của Mỹ về Đài Loan.

Tuy nhiên, mối quan hệ Trung Quốc - châu Âu trở nên rạn nứt kể từ đó. Bắc Kinh đã phải rút lại những bình luận của đại sứ nước này tại Paris Lô Sa Dã. Ông Lô đã nói rằng các quốc gia từng thuộc Liên Xô "không có địa vị thực tế theo luật pháp quốc tế, vì không có thỏa thuận quốc tế nào xác nhận tư cách quốc gia có chủ quyền của họ", vấp phản ứng quyết liệt từ nhiều nước châu Âu.

Tuần này, Ủy ban châu Âu đề xuất các biện pháp trừng phạt đối với 8 công ty Trung Quốc vì cung cấp cho các công ty Nga nhiều mặt hàng lưỡng dụng có thể sử dụng cho mục đích dân sự lẫn quân sự. Bắc Kinh hủy chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner vào phút chót với lý do về lịch trình công việc.

Giới chức Trung Quốc cũng phản ứng mạnh mẽ với châu Âu, cảnh cáo sẽ đáp trả nếu EU áp lệnh trừng phạt với các công ty nước này.

"Trong khi Trung Quốc đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy hòa bình vì lợi ích châu Âu, họ lại đâm sau lưng và gây sức ép với Bắc Kinh về các vấn đề kinh tế", Wang Lutong, vụ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, viết trên Twitter. "Không thể hiểu châu Âu đang làm gì".

Thanh Tâm (Theo WSJ)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
3569
Số người truy cập:
8917809