>> Trung Quốc “nên xử sự như một nước có trách nhiệm”
|
Hình ảnh một phần vùng đảo Senkaku (theo tiếng Nhật) hoặc Điếu Ngư (theo tiếng Hoa) mà Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp, do máy bay của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản chụp ngày 15-9 - Ảnh: Reuters |
Việc Trung Quốc năm lần bảy lượt triệu tập đại sứ Nhật để “cự nự” kể cả vào lúc nửa đêm, cho dân chúng biểu tình phản đối Nhật... là điều không khó hiểu. Ngược lại, Nhật Bản nhất định giữ viên thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu: đừng nắn gân nhau, hải phận của chúng tôi, chúng tôi bảo vệ!
Việc Nhật cuối cùng đã trả tự do cho viên thuyền trưởng cần được hiểu rằng nó xuất phát từ quyết định của Nhật căn cứ vào quy mô của vụ việc và ngầm cảnh báo sẽ nặng tay hơn nếu tái diễn.
“Lợi ích cốt lõi”
Vụ tàu húc tàu hôm 7-9 chỉ là khúc dạo đầu. Việc Trung Quốc sau đó đưa thiết bị khoan dò vào khu vực mỏ khí đốt Shirakaba chính là bước leo thang mới trong kịch bản “làm chủ Thái Bình Dương”. Trong quá khứ, Trung Quốc từng kéo giàn khoan đến cắm ở nơi này nơi kia hoặc đe dọa khiến thiên hạ phải rút giàn khoan đi.
Vụ kéo giàn khoan đến cho thấy tác giả kịch bản muốn thách đố bên kia phản ứng để đi đến chỗ “bất khả hoàn”! Hoặc anh khoanh tay đứng nhìn thì vĩnh viễn mỏ khí đó là của tôi, hoặc anh ra tay... như anh đã lên tiếng “sẽ không ở yên nhìn Trung Quốc chọc mũi khoan”.
“Các cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20 đều là chiến tranh kinh tế. Đó là những cuộc chiến tranh gây ra bởi các chính phủ nào nhắm đến một quyền lực chính trị - kinh tế toàn năng, được những đám đông quần chúng bị xỏ mũi ủng hộ”
(Economic Causes of War)
|
Trước khi nổ ra vụ giàn khoan với Nhật, Trung Quốc đã dịu giọng với Mỹ sau mấy tháng trời “đôi co” hết ở biển Hoa Đông đến biển Đông. Nay Trung Quốc đang mời Mỹ “trao đổi quốc phòng” trở lại sau khi đã cắt đứt vào đầu năm, vô hình trung cô lập Nhật với Mỹ. Vụ giàn khoan cho thấy tính nhất quán từ tuyên bố đến hành động.
Tháng 3 năm nay, các quan chức ngoại giao Mỹ sang Bắc Kinh đã được nghe khẳng định rằng đảo Senkaku/Điếu Ngư (cùng với biển Đông) là những “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. Nay có nổ ra vụ giàn khoan cũng là một diễn biến tất yếu so với “lợi ích cốt lõi” đã được tuyên cáo.
Thái độ kiên quyết này khác hẳn thái độ “cầu hòa” của Trung Quốc hồi tháng 2 năm nay khi tàu New Star của họ bị chìm ngoài khơi Vladivostok do bị hải quân Nga bắn. Một số thủy thủ được cứu, song bảy người khác vẫn còn mất tích, viên thuyền trưởng bị truy tố. Mặc cho vụ việc nghiêm trọng, các nhà ngoại giao Trung Quốc được lệnh “nín” (1).
Tại sao có sự khác biệt đối phó này? Chẳng qua do Trung Quốc đang muốn nhảy vào Nga đầu tư, còn Nhật Bản đang là nền kinh tế đối thủ trực tiếp, không chỉ tranh chấp vị trí nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới mà do “đụng hàng” quá nhiều, từ đầu vào nhu cầu tài nguyên, dầu khí, khoáng sản... đến đầu ra của các sản phẩm.
Vấn đề không chỉ ở các con số GDP (Nhật Bản là 1.288 tỉ USD, Trung Quốc 1.337 tỉ USD), mà là các thị trường sinh tử hai bên đang giẫm chân nhau, cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu: “Năm ngoái, Trung Quốc giành từ Mỹ thị trường xe hơi lớn nhất thế giới... Trung Quốc là nước mua quặng sắt nhiều nhất thế giới, mua đồng nhiều thứ nhì, nhập dầu thô nhiều thứ nhì và đã tước cơ hội xuất khẩu của nhiều láng giềng châu Á” (2).
Khi hai nền kinh tế thứ nhì thế giới đụng độ như thế, lại sát cạnh nhau để còn có thêm lý do xung đột chứ không xa nhau như với nền kinh tế thứ nhất, điều gì sẽ xảy ra?
Từ thế chiến đến đại khủng hoảng
Thế chiến thứ nhất nổ ra sau vụ một người Serbia ám sát đại công tước Áo - Hung Franz Ferdinand ở Sarajevo thuộc Bosnia vốn trong lãnh thổ Áo - Hung thời đó, trong khi Serbia khăng khăng muốn cả Bosnia và Herzegovina là của mình. Thế là Áo - Hung tuyên chiến với Serbia. Nga nhảy vào bênh Serbia, khiến Đức tuyên chiến với Nga do Đức liên minh với Áo từ năm 1879. Pháp do liên minh với Nga năm 1894, đồng thời là thù địch cố hữu với Đức nên cũng nhảy vào... Thế là cả châu Âu bắt phe đánh nhau, thực chất là lấy “chuyện mới” giải quyết “chuyện cũ”.
Trước Thế chiến thứ nhất, châu Phi và châu Á là những điểm tranh giành giữa các nước châu Âu do nguồn nguyên liệu từ các khu vực này. Việc gia tăng tranh giành, mở rộng đế chế đã dẫn đến gia tăng đối đầu, làm bùng nổ Thế chiến thứ nhất (3). Ở bên kia Thái Bình Dương, Mỹ cũng nhảy vào vì “khi chiến tranh bắt đầu, kinh tế Mỹ đang suy thoái. 44 tháng bùng nổ kinh tế từ năm 1914-1918 là nhờ châu Âu bắt đầu mua hàng của Mỹ cho chiến tranh và sau này nhờ Mỹ trực tiếp nhảy vào” (4).
Năm 1929, nước Mỹ rơi vào cuộc đại khủng hoảng. Có rất nhiều lý giải nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân kinh tế sau: lệ thuộc thái quá vào sản xuất hàng loạt, sự tiêu dùng của khách hàng, quảng cáo, thuế suất (nhập khẩu) cao khiến các nước khác (chủ yếu là châu Âu) phải trả đũa cũng bằng lãi suất cao... (5). Nhất là sau khi Mỹ ban hành đạo luật mang tên Smoot-Hawley Tariff nhằm bảo hộ các công ty Mỹ.
Phố Wall sụp đổ, người gửi tiền ngân hàng rút vốn, 9.000 ngân hàng sập tiệm chỉ trong những năm 1930-1932, tỉ lệ thất nghiệp lên đến 25-35%, thu nhập nông nghiệp giảm đến 60%... (6). Năm 1931, tại Áo, một ngân hàng đầu tiên sập tiệm, khởi đầu làn sóng này ở châu Âu.
Năm 1931, Nhật Bản bị tác động nghiêm trọng bởi cuộc đại khủng hoảng ở Mỹ. Dân chúng mất niềm tin nơi chính phủ dân sự, quay sang các tướng lĩnh và hi vọng quân đội sẽ tìm ra giải pháp. Giải pháp đó chính là đổ bộ xâm chiếm Mãn Châu của Trung Hoa, đầy tài nguyên và khoáng sản.
Trung Hoa kêu cứu Hội Quốc Liên (tổ chức quốc tế được thành lập sau Thế chiến thứ nhất tại hội nghị hòa bình Paris năm 1919), tổ chức này yêu cầu Nhật Bản rút khỏi Mãn Châu. Thế nhưng quân đội Nhật bất tuân thượng lệnh. Hội Quốc Liên kêu gọi các nước thôi buôn bán với Nhật, song do đang khủng hoảng suy thoái nên nhiều nước phớt lờ yêu cầu này. Năm 1933, Nhật Bản ra khỏi Hội Quốc Liên, từ đó bắt đầu xâm chiếm các thuộc địa của Âu - Mỹ ở châu Á (7).
Thế giới lúc đó gồm hai nhóm quốc gia có của và không có của. Của ở đây là vàng và nguyên liệu. Mỹ, Anh, Pháp cùng một số nước liên kết thuộc nhóm thứ nhất. Đức, Nhật, Ý thuộc nhóm thứ hai do không có thuộc địa như Anh, Pháp cùng đồng minh... Nhóm thứ hai kết bè hiệp đảng với nhau để “có của”, bắt đầu bằng cách bán phá giá để thu vào vàng và nguyên liệu, kể cả bằng trao đổi hàng lấy hàng...
Ý thấy Nhật xâm chiếm Mãn Châu cũng bắt chước “làm cỏ” Abyssinia thuộc Ethiopia lúc bấy giờ là một “tiểu bá” ở châu Phi, trước khi “nuốt” luôn Ethiopia vào năm 1936 để từ đó có được một Đông Phi thuộc Ý! Ba năm sau, Thế chiến thứ hai nổ ra cả ở châu Âu lẫn châu Á - Thái Bình Dương.
Vụ khủng hoảng hiện nay có nguy cơ trở nên sâu sắc sau khi Đài Loan đã phái 12 tàu tuần tra hộ tống các “phản đối viên” đến khu vực tranh chấp cùng với phía Trung Quốc phản đối Nhật Bản, đúng như kịch bản “một Trung Quốc - hai chế độ trên Thái Bình Dương”. Khủng hoảng sẽ còn đó chừng nào mâu thuẫn kinh tế chưa kết thúc.
DANH ĐỨC