Trung Quốc giận dữ vì báo cáo nhân quyền của Mỹ

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder (trái) gặp Bộ trưởng bộ Công an Trung Quốc Meng Jianzhu hôm qua. Ảnh: AFP.

"Cái gọi là ủy ban này luôn luôn nhìn qua một lăng kính màu, làm méo mó sự thật, và đưa ra những phát ngôn vô trách nhiệm, những cáo buộc không đúng về hệ thống xã hội của Trung Quốc và những chính sách liên quan ", phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc phát biểu hôm qua, đề cập đến Ủy ban chấp hành về Trung Quốc, gồm các nghị sĩ và quan chức Mỹ.

"Hành động này đầy ngạo mạn và thành kiến", ông Mã tuyên bố. "Chúng tôi khuyên ủy ban này nên thay đổi giọng điệu, chấm dứt việc xuất bản những loại báo cáo như vậy và chấm dứt hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc".

Trước đó, Ủy ban nói trên bày tỏ lo ngại rằng tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc tồi tệ đi trong năm qua, nói cụ thể đến việc Trung Quốc "ngày càng mạnh tay" với các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư, AFP cho hay.

Ủy ban này gồm 9 thượng nghị sĩ, 9 hạ nghị sĩ và 5 quan chức cấp cao của chính quyền. Bản báo cáo ra ngày 10/10, chỉ hai ngày sau khi Lưu Hiểu Ba, một người đang thụ án tù ở Trung Quốc với tội danh "kích động lật đổ chính phủ", được trao giải Nobel Hòa bình.

Trong bản báo cáo, ủy ban cũng kêu gọi Trung Quốc thả Lưu Hiểu Ba và những người khác.

Cũng hôm qua, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder tuyên bố Mỹ và Trung Quốc đang có "những bất đồng cơ bản" xoay quanh vụ Lưu Hiểu Ba.

"Vấn đề thực sự đã nổi lên. Đây là một lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có sự khác biệt căn bản", Holder phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày thứ hai của chuyến thăm Trung Quốc. "Tổng thống Barack Obama đã bày tỏ rất rõ lập trường về vấn đề này. Chúng tôi tin rằng Trung Quốc nên tôn trọng nhân quyền của tất cả các công dân, bao gồm cả của Lưu Hiểu Ba".

Tuy nhiên, Holder cho biết Lưu Hiểu Ba không nằm trong nội dung bàn luận chính của ông với các quan chức cấp cao của Trung Quốc. Các cuộc gặp tập trung vào hợp tác ở lĩnh vực hành pháp, bảo vệ luật sở hữu trí tuệ và tầm quan trọng của luật pháp.

Ngay sau khi Nobel Hòa bình được công bố, Trung Quốc đã phản ứng rất mạnh mẽ, cho rằng việc này đi ngược lại với tinh thần của giải, đồng thời còn cảnh báo quan hệ song phương giữa Na Uy (nước có hội đồng lựa chọn và trao Nobel Hòa bình) và Trung Quốc có thể bị tổn hại.

Hải Minh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
19123
Số người truy cập:
9291247