Trung Quốc điều tàu ngư chính hiện đại nhất tới Biển Đông

 

Philippines muốn cùng Trung Quốc ra tòa án

Tàu Ngư Chính 310 của Trung Quốc. Ảnh: CNR

Tàu ngư chính hiện đại và có tốc độ nhanh nhất mang tên Ngư Chính 310 (Yuzheng 310) xuất phát từ thành phố Quảng Châu, tỉnh miền nam Quảng Đông, tới Biển Đông.

"Việc này là nhằm bảo vệ tốt hơn quyền của các ngư dân Trung Quốc cũng như các nguồn lợi hải dương", China Daily dẫn lời một quan chức giấu tên của Cục Nghề cá Biển Đông cho hay. Điểm đến của tàu Ngư Chính 310 chưa được tiết lộ.

Ngư Chính 310 nặng 2.580 tấn, được trang bị công nghệ tối tân. Đây là tàu có tốc độ nhanh nhất trong số các tàu ngư chính của Trung Quốc, với tốc độ tối đa khoảng 40 km/giờ. Tàu có trang bị bãi đáp đủ cho hai máy bay trực thăng. Ngư Chính 310 có hệ thống liên lạc vệ tinh và theo dõi bằng quang điện.

Hôm 15/4, tàu Ngư Chính 44061 của Trung Quốc cũng rời cảng Trạm Giang ở Quảng Đông để tới Biển Đông.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh hôm qua triệu đại sứ Philippines tại Bắc Kinh, Alex Chua, lần thứ hai trong vòng 4 ngày để phản đối tuyên bố chủ quyền của Manila đối với bãi đá Scarborough/Hoàng Nham trên Biển Đông. Thông tin này được China Daily dẫn từ tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân.

Bà Phó kêu gọi Manila giữ lời hứa làm giảm căng thẳng và rút tất cả các tàu của nước này khỏi những vùng nước mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Liên quan tới đề nghị của Philippines về việc đưa tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (Itlos), Thứ trưởng Phó cho rằng Manila không nên có thêm những hành động có thể làm xấu thêm tình hình.

Trong tuyên bố hôm qua, người phát ngôn Lưu Vi Dân cũng bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Philippines tại Scarborough/Hoàng Nham. "Trung Quốc có chứng cứ pháp lý thuyết phục cho quyền tài phán của mình tại đảo Hoàng Nham. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện và đặt tên cho hòn đảo này, đồng thời đưa nó vào các bản đồ cũng như tuyên bố chủ quyền kể từ đó", ông Lưu nói.

Đáp lại những tuyên bố của phía Trung Quốc, một thông báo của chính phủ Philippines hôm qua bác bỏ các phát biểu của ông Lưu. Philippines cho rằng nước này đã khai thác hiệu quả và có quyền tài phán đối với bãi đá Scarborough/Hoàng Nham, còn có tên khác là Bajo de Masinloc hay Panatag, suốt nhiều thập kỷ qua.

Một bản đồ được xuất bản năm 1734 cho thấy bãi đá này là một phần của tỉnh miền tây bắc Zambales của Philippines, thông báo trên cho hay. Một lá cờ và một ngọn hải đăng của Philippines được đặt tại đảo Scarborough/Hoàng Nham vào năm 1965. Các tàu chiến của Mỹ và Philippines đã cùng diễn tập phòng vệ tại bãi đá này khi quân đội Mỹ duy trì một căn cứ hải quân ở tỉnh Zambales.

"Bãi đá Scarborough là một phần của lãnh thổ Philippines. Các tàu của Trung Quốc tại khu vực này đang vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán hàng hải của Philippines", báo Sun Star của Philippines trích thông báo nói trên.

Tờ Philippine Star dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Voltaire Gazmin cho hay tranh chấp tại bãi đá Scarborough/Hoàng Nham sẽ được thảo luận trong một cuộc gặp giữa các quan chức ngoại giao và quân sự cấp cao của Philippines và Mỹ tại Washington vào ngày 30/4. "Tôi chắc chắn rằng đó sẽ là một trong những chủ đề chính", ông Gazmin nhấn mạnh.

Bức ảnh được hải quân Philippines công bố ngày hôm qua cho thấy tàu cá và ngư dân Trung Quốc gần bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Ảnh: AFP
Ảnh diễn biến vụ chạm mặt giữa các tàu Philippines và Trung Quốc

Căng thẳng bắt đầu hôm 8/4 khi giới chức Philippines phát hiện 8 tàu cá Trung Quốc tại bãi đá Scarborough/Hoàng Nham, cách bờ tây đảo lớn Luzon của nước này khoảng 230 km. Đây là bãi cạn hình móng ngựa không có người sinh sống.

Philippines cáo buộc các ngư dân Trung Quốc xâm nhập trái phép, cho rằng khu vực tranh chấp nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này theo luật pháp quốc tế.

Các thủy thủ Philippines hôm 10/4 đã lên các tàu cá của Trung Quốc để kiểm tra. Họ tìm thấy một số lượng lớn san hô, sò và cá mập còn sống. Ngoại trưởng Philippines cho hay các ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt trái phép và giữ các loài vật đang bị đe dọa tuyệt chủng. Các thủy thủ Philippines không bắt giữ ngư dân nào và sau đó trở lại chiến hạm BRP Gregorio del Pilar.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng bãi cạn này là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc đã cử các tàu hải giám tới ngăn chặn, không cho soái hạm BRP Gregorio Del Pilar của Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc.

Soái hạm Philippines sau đó rút đi và được thay thế bằng một tàu nhỏ hơn của Lực lượng Tuần tra Bờ biển Philippines. Hôm 13/4, tất cả các tàu cá Trung Quốc rút khỏi khu vực tranh chấp cùng một trong hai tàu hải giám. Tuy nhiên, một tàu hải giám và máy bay của Trung Quốc sau đó quay lại khu vực bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Máy bay của Trung Quốc còn bay vòng phía trên một tàu khảo sát của Philippines, khiến hai bên lại nổ ra tranh cãi. Philippines hôm qua thay thế tàu tuần tra BRP Pampanga bằng một tàu khác mang tên BRP Edsa.

Vụ việc kể trên là sự kiện mới nhất và căng thẳng nhất trong chuỗi các sự kiện giữa Philippines và Trung Quốc xoay quanh tranh chấp chủ quyền tại một số khu vực trên Biển Đông. Đây là vùng biển được cho là có trữ lượng khí đốt và dầu mỏ lớn.

Trên Biển Đông, quần đảo Trường Sa cũng là tâm điểm tranh chấp chủ quyền giữa các bên gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei.

Phan Lê


Giày Đại Phát solution
Số người online:
18935
Số người truy cập:
7740169