Đường màu đỏ trong hình vẽ mô phỏng đường bay dự kiến của tên lửa Ngân Hà-3 (Unha-3) sau khi được phóng đi từ tây bắc Triều Tiên, để đưa vệ tinh Quang Minh Tinh-3 (Kwangmyongsong-3) lên quỹ đạo. Ảnh nhỏ bên góc phải là Quang Minh Tinh-3. Đường màu vàng là mô phỏng đường bay của tên lửa Taepodong-2 được phóng ngày 5/4/2009. Đồ họa: Koreaherald |
"Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ quyền phóng một vệ tinh hòa bình, quyền lợi hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền và là một bước đi cần thiết cho việc phát triển kinh tế", hãng tin chính thức KCNA của Triều Tiên dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này.
Người phát ngôn này cũng đáp lại những bình luận của tổng thống Mỹ trong chuyến thăm Hàn Quốc vài ngày qua, trong đó ông Obama cho rằng nước Mỹ không có thái độ thù địch với nhân dân Triều Tiên nhưng phản đối kế hoạch phóng tên lửa dự kiến diễn ra trong khoảng từ 12 tới 16/4. Mỹ và nhiều nước khác cho rằng đây thực chất là một vụ thử tên lửa tầm xa, tức là vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
"Người đứng đầu nước Mỹ nói rằng ông ấy không có ý đồ thù địch nhắm vào chúng ta", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói. "Nhưng nếu lời nói này là chính xác, ông ấy nên bỏ cách suy nghĩ đối đầu vốn luôn hướng tới việc phong tỏa chúng ta, và nên dũng cảm thừa nhận rằng chúng ta có đầy đủ quyền để phóng vệ tinh như các quốc gia khác vẫn làm".
Triều Tiên khẳng định nước này sẽ xem liệu lời nói của tổng thống Mỹ có phải là thật, hay chỉ là "một thái độ đạo đức giả khác". Kết quả nhận định của Triều Tiên sẽ phụ thuộc vào việc nước Mỹ có áp dụng một tiêu chuẩn kép đối với việc phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng hay không.
Triều Tiên tuyên bố đã mời các chuyên gia và phóng viên nước ngoài tới tận mắt chứng kiến "một dự án công nghệ không gian phục vụ khoa học chứ không vì bất cứ mục đích quân sự nào". Bình Nhưỡng cũng cho hay đã đề nghị Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) cử chuyên gia tới địa điểm phóng vệ tinh.
Ảnh vệ tinh cho thấy một bệ phóng tên lửa của Triều Tiên vào ngày 20/3/2012. Đây được cho là nơi sẽ phóng tên lửa Ngân Hà-3 (Unha-3) mang vệ tinh Quang Minh Tinh-3 (Kwangmyongsong-3) lên quỹ đạo vào tháng sau. Ảnh: GeoEye |
Tổng thống Mỹ cho rằng bất cứ cuộc phóng tên lửa nào cũng sẽ phá vỡ thỏa thuận mà Washington và Bình Nhưỡng đạt được hồi tháng trước, trong đó Triều tiên đồng ý ngừng chương trình hạt nhân cũng như thử tên lửa để đổi lại việc Mỹ viện trợ 240.000 tấn lương thực.
Triều Tiên luôn khẳng định sự kiện được tiến hành nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành chỉ đơn thuần là một vụ phóng vệ tinh, chứ không phải một cuộc bắn thử tên lửa. Bình Nhưỡng cho rằng chẳng có lý do gì để tiến hành một cuộc thử nghiệm như vậy ở thời điểm này, sau khi bỏ rất nhiều công sức để đạt được một thỏa thuận với Mỹ, cũng như trong bối cảnh không khí chính trị có nhiều thuận lợi.
Trong một diễn biến khác, Triều Tiên hôm qua lần đầu tiên tiết lộ chi tiết về "vệ tinh thời tiết" mà nước này dự định đưa lên quỹ đạo vào tháng sau. KCNA mô tả đây là một "bộ thu dữ liệu vệ tinh khí tượng học địa tĩnh tiên tiến".
"Quang Minh Tinh-3 sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc nghiên cứu dự báo thời tiết, vốn cần thiết cho nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác", hãng tin Triều Tiên cho hay. "Nghiên cứu khoa học về dự báo thời tiết chính xác đang được tăng cường tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên".
Các diễn biến quanh vụ phóng tên lửa vào tháng sau của Triều Tiên đang ngày một nóng hơn, trong bối cảnh hơn 50 nhà lãnh đạo trên thế giới tới Hàn Quốc để dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai. Việc Triều Tiên sắp phóng tên lửa đã được nhắc tới bên lề hội nghị này.
Nhật Nam