Tranh cãi về số người thiệt mạng sau vụ vỡ đập ở Lào

 

Người đàn ông Lào bế con lội qua dòng nước lũ đang rút dần ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu hôm 26/7. Ảnh: Thành Nguyễn

Người đàn ông Lào bế con lội qua dòng nước lũ đang rút dần ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu hôm 26/7. Ảnh: Thành Nguyễn

Giới chức Lào hiện cung cấp rất ít thông tin chi tiết về hoạt động cứu hộ tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, nơi xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy. Theo BBC, truyền thông nước ngoài thậm chí bị cấm tiếp cận hiện trường và những người sống sót.

Quan chức lãnh sự Thái Lan tại Lào Chana Miencharoen hôm 25/7 cho biết giới chức tìm thấy 26 thi thể, tương tự thông tin được hãng thông tấn Lào KPL đăng tải. 

Thống kê của chính phủ Lào cho hay có 27 người thiệt mạng và 131 người mất tích. Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith trong cuộc họp báo cùng ngày cho biết số người mất tích như trên nhưng không đề cập đến số nạn nhân thiệt mạng.

Trong khi đó, huyện trưởng Sanamxay, Bounhome Phommasane, cho biết chỉ có một thi thể được tìm thấy. Ông nói rằng thông tin mà truyền thông địa phương và quốc tế đăng tải về số người chết là đã tính cả những người đang mất tích.

"Tôi không thể xác nhận họ đã chết hay còn sống. Chúng tôi chưa tìm thấy họ", ông này nói.

Các tổ chức cứu trợ cho rằng giới chức nước này đã giảm nhẹ quy mô thiệt hại và số người chết thực tế có thể cao hơn nhiều. Người dân địa phương nói với BBC rằng họ tin có khoảng 300 người đã mất mạng. Khoảng 3.000 được cho là vẫn mắc kẹt trên các mái nhà giữa biển nước đục ngầu.

Nước lũ tràn vào nhiều ngôi làng ở huyện Sanamxay tối 23/7, trong đó có hai nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ở một khu vực vốn có 200 ngôi nhà, sau thảm họa chỉ còn lại 10 căn, một quan chức y tế Lào nói với Reuters.

"Hôm nay chúng tôi tìm được một thi thể. Tôi nghi rằng sẽ có nhiều thi thể hơn khi nước rút đi và đường sá dễ dàng đi lại hơn", ông nói. Theo quan chức này, dân làng được cảnh báo khoảng 3-4 giờ trước khi đập bị vỡ nhưng rất ít người nghĩ rằng mực nước có thể dâng cao đến thế.

Công ty Hàn Quốc SK Engineering & Construction, nhà thầu chính của dự án, cho rằng đập vỡ là do mưa lớn. Một lãnh đạo của công ty nói đã ra lệnh sơ tán 12 ngôi làng ngay khi phát hiện nguy cơ.

Một cụ ông được điều trị tại nơi tạm trú ở  huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu. Ảnh: Thành Nguyễn

Một cụ ông được điều trị tại nơi tạm trú ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu. Ảnh: Thành Nguyễn

Cách Attapeu khoảng 3 giờ lái xe là tỉnh Paksong, nơi hàng trăm người sống sót đang lánh nạn tại một khu nhà lụp xụp. Thuốc men và chăn màn đang được phân phát, cơm canh đang được nấu. Tuy nhiên, hầu hết họ đã mất tất cả, nhà cửa cũng như các tài sản.

Các binh sĩ và người dân đang phối hợp chất các thùng mỳ tôm và nước sạch lên thuyền để cứu đói cho các nạn nhân. Nhóm cứu trợ từ Trung Quốc và Thái Lan cũng tham gia.

Tuy nhiên, cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho biết các con đường và cầu cống đã bị phá hủy. Thuyền và trực thăng là những phương tiện duy nhất có thể tiếp cận được những khu vực bị thiệt hại nặng nhất. Các trường học đang được dùng làm điểm tạm trú và có khoảng 1.300 gia đình cần lều trú.

Khoảng 1.300 gia đình ở khu vực phía bắc Campuchia cũng đã được sơ tán đến nơi cao ráo do ảnh hưởng của lũ sau vỡ đập.

Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Khammany Inthirath cho biết các nhà phát triển dự án đập thủy điện trên sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ việc bồi thường cho các nạn nhân


Giày Đại Phát solution
Số người online:
3144
Số người truy cập:
9036126