Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tháng 11 có 40 đợt phát hành riêng lẻ trong nước và một đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 20.366 tỷ đồng.
Trong tháng 11, bất động sản dẫn đầu về giá trị phát hành với gần 8.500 tỷ đồng, tương đương 42%. Khoảng 59% trong số đó không có tài sản bảo đảm hoặc được bảo đảm bằng cổ phiếu. Ngân hàng xếp thứ hai với tổng giá trị phát hành 7.950 tỷ đồng, tương đương 39%. Lãi suất phát hành có sự chênh lệch lớn, trong khi ngân hàng trả dưới 4% thì các doanh nghiệp bất động sản chấp nhận trả trên 10%, cá biệt Công ty cổ phần Đầu tư An Khải Hưng trả đến 12,5% một năm.
Sức nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu giảm dần trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát. Trước đó, khi dịch lan rộng, các tiêu chuẩn cho vay bị thắt chặt và dòng tiền ngắn hạn của doanh nghiệp suy yếu trong khi mô hình kinh doanh về dài hạn vẫn tốt nên buộc họ huy động vốn qua kênh trái phiếu để tái cấu trúc nợ.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu nhiều bộ, ngành kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản có thể cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến kế hoạch phát hành.
Luỹ kế 11 tháng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 826 đợt phát hành với tổng giá trị khoảng 495.000 tỷ đồng. Các đợt phát hành riêng chiếm đến 95%, tương đương khoảng 468.850 tỷ đồng.
Nhóm bất động sản có giá trị phát hành hơn 187.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 38%. Nhóm ngân hàng đứng thứ hai với 169.000 tỷ đồng và hầu hết có kỳ hạn ngắn 2-4 năm. Các nhóm ngành khác có giá trị phát hành cao là chứng khoán, dịch vụ tiêu dùng, xây dựng, năng lượng, nông nghiệp.
Phương Đông