Trong công văn gửi Thủ tướng ngày 30/6, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố cùng Bộ Giao thông Vận tải đã nghe một tập đoàn nước ngoài báo cáo về đề xuất dự án trên. Việc này được thực hiện sau khi các bên ký thoả thuận khung hợp tác trong lĩnh vực phát triển hạ tầng cảng biển, dịch vụ logistics ở thành phố.
Dự án có quy mô hơn 7 km cầu cảng, có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 teus), công suất thông qua khoảng 10-15 triệu teus (một teus tương đương container loại 20 feet).
Khu cảng trung chuyển dự kiến chia làm 7 giai đoạn triển khai. Nhà đầu tư mong muốn giai đoạn một dự án làm vào đầu năm 2024, khai thác 4 năm sau đó. Giai đoạn cuối sẽ được hoàn thành năm 2040.
Theo chính quyền TP HCM, bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép mực nước sâu, nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng tàu tải trọng lớn như các tuyến ở châu Âu, Phi, Mỹ. Đây là điều kiện thuận lợi hình thành cảng container quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như đột phá phát triển kinh tế biển thành phố và cả nước.
Để hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục tiếp theo, UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan đánh giá lợi thế, khả năng đáp ứng các điều kiện... để hình thành khu cảng. Thành phố cũng kiến nghị Trung ương xem xét, đề xuất điều chỉnh quy hoạch cảng biển khu bến Cần Giờ.
Với công suất 6,4 triệu teus mỗi năm, cảng Cát Lái ở TP HCM hiện là cảng lớn nhất nước. Sản lượng hàng hoá qua cảng này chiếm khoảng 85% so với các cảng phía Nam và 50% cả nước.
Lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP HCM đã vượt quy hoạch. Năm ngoái, hàng qua cảng ở thành phố đạt hơn 160 triệu tấn, vượt 2,6% quy hoạch đến năm 2030. Do vậy, UBND thành phố cho rằng triển khai các cảng container giai đoạn 2021-2030 là cần thiết, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu ở thành phố và khu kinh tế trọng điểm phía Nam.
Gia Minh