Trợ lý TT Nga Sergei Prikhodko cho rằng ông Perminov đã ngạo mạn, coi thường sự chỉ trích của TT Medvedev và Điện Kremlin lấy làm lạ về thái độ này.
Hãng tin RIA dẫn tuyên bố của ông Prikhodko nói rằng phản ứng của người lãnh đạo Roscosmos trước sự khiển trách của TT là “khó hiểu” và “không thể chấp nhận được”.
Ông Prikhodko muốn nhắc đến bình luận của ông Perminov khi trả lời phỏng vấn của nhật báo Russian Izvestia rằng thất bại vì không đưa được 3 vệ tinh Glonass lên quỹ đạo không quá trầm trọng, không phải là thảm họa.
Ông Perminov nêu các lý do như bãi phóng tên lửa không bị hư hại, không có người thiệt mạng và nói rằng đây chỉ là sự cố kỹ thuật. Ông Perminov cho rằng 3 vệ tinh bị mất sẽ được thay thế bằng vệ tinh thế hệ mới Glonass-K và chúng sẽ được đưa lên không gian trong tháng này.
Ông Anatoly Perminov. Ảnh: The Voice of Russia
Tuy nhiên, quan điểm của Điện Kremlin hoàn toàn khác. Ông Prikhodko cũng nhìn nhận rằng đây không phải là thảm họa nhưng cần phải xem đó là sự cố đặc biệt nghiêm trọng.
Trợ lý TT Nga nhận định rằng việc lãnh đạo Roscosmos chỉ lấy tiêu chuẩn không thiệt hại về người và không hư hại bãi phóng để đánh giá sự cố là không đủ và cần phải xem xét rằng đây là sự thiệt hại trong chương trình quan trọng của quốc gia. Trước đó, TT Medvedev rất tức giận khi hay tin 3 vệ tinh đã rơi xuống biển.
TT Medvedev đã ra lệnh cho Tổng Công tố Yury Chaika điều tra về sự cố kỹ thuật và việc chi tiêu của chương trình vệ tinh Glonass. Hãng tin Itar-Tass ước tính chi phí cho chương trình kéo dài từ năm 2002 đến 2011 này có thể lên tới 4,7 tỉ USD.
Theo điều tra sơ bộ, tên lửa đẩy Proton-M được phóng đi từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan đưa 3 vệ tinh nói trên lên quỹ đạo có thể đã bị chệch hướng khiến các vệ tinh bị rơi hôm 5-12.
Hãng tin RIA cho rằng sự chệch hướng này có thể do sai sót ở khâu lập trình. Hệ thống Glonass của Nga gồm 26 vệ tinh được sử dụng cho cả các mục đích quân sự và dân dụng. Hệ thống này tương tự hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu GPS của Mỹ hoặc Galileo của châu Âu.
Trúc Lâm