Toba Mika 16 năm vẽ Việt Nam trên tranh nhuộm


> Phong cảnh VN dưới góc nhìn của hoạ sĩ Nhật Bản

Triển lãm "Nara và Hà Nội - kết nối những kinh đô vĩnh hằng" của Toba Mika, một họa sĩ Nhật có tình cảm sâu đậm với Việt Nam, được tổ chức nhân kỷ niệm 1.300 năm cố đô Nara của Nhật Bản và 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Việt Nam trong tranh nhuộm Toba Mika.
Những khu nhà ổ chuột bên sông Sài Gòn ở TP HCM trong tranh nhuộm Toba Mika.

Toba Mika đến Việt Nam từ năm 1994, sau khi đã đi qua một số nước Nam Á. Theo nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, đó là thời điểm họa sĩ đang gặp bế tắc khi sáng tác ở Nhật.

Khi đến Việt Nam, cô đã tìm thấy ở xứ sở này một cuộc sống sôi động, những mâu thuẫn lý thú, những biến chuyển linh hoạt vốn không còn tồn tại trong một đất nước phát triển như Nhật Bản. Điều này đã khiến nữ họa sĩ đạt được thành công khi sáng tác về Việt Nam trong khi không đạt được kết quả tương tự khi còn ở Nhật Bản.

Trong cả sự nghiệp sáng tác 20 năm của mình, Mika vẽ được trên dưới 100 bức tranh nhuộm, trong đó hầu hết là phong cảnh các miền Việt Nam. Năm 2003 và 2005, cô từng tổ chức triển lãm tại Hà Nội, Huế và TP HCM. Một Việt Nam chuyển động là chủ đề chính trong các sáng tác của Toba Mika.

Đường tàu với dây điện chằng chịt và những bức tường vẽ nghuệch ngoạc ở Hà Nội.
Đường tàu với dây điện chằng chịt và những bức tường vẽ nguệch ngoạc ở Hà Nội.

Katazome hiểu đơn giản là kỹ thuật nhuộm sử dụng khuôn của người Nhật, thường được dùng để nhuộm kimono. Kỹ thuật nhuộm katazome ở Nhật Bản có từ lâu đời, khó xác định chính xác, theo lời họa sĩ, những tác phẩm nhuộm katazome cổ nhất được tìm thấy ở Nhật có niên đại hơn 1000 năm.

Trong quá trình sáng tác một bức tranh nhuộm, Toba Mika chụp ảnh, xử lý đồ họa vi tính rồi trổ khuôn và khắc tranh, sau đó in tranh lên mặt lụa. Katazome bao gồm 18 công đoạn rất cầu kỳ và phức tạp. Chính vì thế, ở Nhật hiện nay cũng có rất ít nghệ sĩ theo đuổi loại hình sáng tác này, chưa nói đến việc phổ biến katazome ra thế giới.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng cho biết, katazome thực chất khá tương đồng với kỹ thuật nhuộm vải của người H’mông hay người Dao ở Việt Nam.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng và nữ họa sĩ Toba Mika trong buổi họp báo ra mắt triển lãm
Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng và nữ họa sĩ Toba Mika trong buổi họp báo ra mắt triển lãm "Nara và Hà Nội - kết nối những kinh đô vĩnh hằng".

Katazome phù hợp để in tranh khổ lớn, vì thế các bức tranh của Toba Mika đều có kích cỡ khổng lồ, có bức rộng đến cả chục mét vuông. Trong tranh Toba Mika tồn tại nhiều điều tương phản. Kích cỡ lớn nhưng kiệm màu, thông thường chỉ sử dụng một hay hai màu chủ đạo. Cảnh sắc trong tranh quen mà lạ, quen vì đó là những khung cảnh thường thấy của cuộc sống, có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, lạ vì cách thể hiện của họa sĩ. Ánh nhìn trìu mến của Mika đối với cảnh vật phản chiếu lên những bức tranh một cuộc sống rộn ràng nhưng được bao phủ bởi bức màn tĩnh lặng.

Toba Mika sinh năm 1961, hiện là giáo sư giảng dạy tại Đại học Nghệ thuật Kyoto Seika (Nhật Bản), chuyên về katazome.

Triển lãm "Nara và Hà Nội - kết nối những kinh đô vĩnh hằng" diễn ra từ 6/12 đến 25/12 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội.

Ảnh: Cảnh sắc Việt Nam trong tranh nhuộm Toba Mika

Pham Mi Ly


Giày Đại Phát solution
Số người online:
55978
Số người truy cập:
7349264