Toàn cảnh 'nội chiến' vì chính sách hưu trí tại Pháp

 

Ảnh: AFP
Người biểu tình Pháp nổi lửa gần thành phố Lille. Ảnh: AFP

Cội nguồn của cuộc biểu tình lan rộng khắp nước Pháp là các kế hoạch cải cách của Tổng thống Nicolas Sarkozy, người đắc cử năm 2007 với cam kết đưa nền kinh tế Pháp thoát ra khỏi tình trạng ảm đạm. Trong đó thay đổi về chính sách hưu trí là trung tâm trong kế hoạch cải cách của ông và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình.

Trong bối cảnh các nghiệp đoàn kêu gọi biểu tình rầm rộ trên khắp cả nước, các chính trị gia đối lập cũng coi đây là một cơ hội để tấn công Tổng thống Sarkozy, người đang hứng chịu sự suy giảm tỷ lệ ủng hộ trong hai năm qua. Tuy nhiên, bất chấp sức ép gay gắt từ nhiều phía, ông Sarkozy tuyên bố sẽ không nhượng bộ và tuyên bố sẽ tiếp tục thực thi kế hoạch cải cách của mình.

Cải cách của Sarkozy và sự phản đối

Mục tiêu của cải cách là việc chính phủ Pháp muốn nâng tuổi mà người lao động có thể nghỉ hưu và nhận trợ cấp hưu trí. Theo luật hiện tại, cả nam và nữ lao động nước này có thể nghỉ hưu từ tuổi 60 và có thể nhận đầy đủ tiền lương hưu khi họ đến 65 tuổi. Trên thực tế, công nhân tại một số ngành lao động còn được phép nghỉ hưu sớm hơn mốc 60 tuổi.

Trong khi đó, chính phủ trung tả của ông Sarkozy cho rằng, với việc dân số đang ngày càng già đi họ không thể chi trả lương hưu cho người dân trong khung thời gian dài như vậy. Do đó họ muốn thay đổi bằng cách nâng tuổi có thể nghỉ hưu thêm 2 năm lên 62 tuổi và tuổi nhận đầy đủ lương hưu lên 67 tuổi.

Giới chức Pháp cho rằng, đề xuất cải cách nâng số tuổi nghỉ hưu thêm hai năm nói trên có thể giúp tiết kiệm được 70 tỷ Euro và là biện pháp cần thiết để kiềm chế thâm hụt trong hệ thống lương hưu. Trong khi đó, các nghiệp đoàn và phe đối lập quyết tâm bảo vệ quy định nghỉ hưu ở tuổi 60 vốn được Tổng thống Francois Mitterrand thuộc đảng Xã hội áp dụng từ năm 1983 và coi kế hoạch cải cách của ông Sarkozy là hành động tấn công quyền lợi người lao động.

Phe đối lập cho rằng kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí của đương kim Tổng thống Sarkozy đã đặt gánh nặng bất công lên vai người lao động, đặc biệt là phụ nữ, những người làm công bán thời gian và người thất nghiệp. Họ đưa ra các đề xuất thay thế như đánh thuế tăng đối với những người có thu nhập cao để hỗ trợ cho hệ thống hưu trí.

Những ai đi biểu tình

Các cuộc đình công và biểu tình đang được những nghiệp đoàn thuộc khối doanh nghiệp công tổ chức, vốn vẫn còn nhiều quyền lực tại Pháp. Trong số những người tham gia đình công và biểu tình có nhân viên các sân bay, tài xế đường sắt, giáo viên, nhân viên bưu điện, công nhân thu gom rác và tài xế xe tải. Hệ quả của hoạt động này là việc nước Pháp bị hạn chế các dịch vụ vận tải công cộng và một số tuyến đường cao tốc bị tắc nghẽn do các xe tải đi với tốc độ rất chậm trên đường để phản đối.

Những người biểu tình phản đối cải cách chính sách hưu trí của chính phủ Sarkozy còn ngăn không cho vận chuyển dầu tới các nhà máy lọc dầu, cắt đứt nguồn cung cấp nhiên liệu cho các trạm bán lẻ xăng dầu, khiến nhiều cây xăng trên khắp nước Pháp lâm vào cảnh cạn hàng trong nhiều ngày. Các sinh viên và học sinh cũng tham gia hoạt động biểu tình, trong đó một số dựng chướng ngại vật tại lối vào các ngôi trường của họ bằng các thùng nhựa. Tháp Eiffel cũng bị đóng cửa không cho du khách leo lên thưởng ngoạn do nhân viên đình công.

Cuộc biểu tình tại Pháp đã nhận được sự hưởng ứng của số lượng người kỷ lục. Trong năm ngày đầu tiên tuần hành biểu tình trên toàn quốc đã ghi nhận hàng triệu người tham gia, trong đó theo thống kê của cảnh sát trong ngày đầu tiên 12/10 có 1,2 triệu người tuần hành, còn theo giới chức các nghiệp đoàn ước tính con số này lên tới khoảng 3,5 triệu. Phạm vi cuộc biểu tình cũng không ngừng mở rộng khi hoạt động động này diễn ra tại hơn 200 thành phố vào ngày 19/10.

Ảnh: AFP
Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình tại Paris. Ảnh: AFP

Hầu hết các cuộc tuần hành diễn ra hòa bình, ngoại trừ sự kiện xảy ra hôm thứ sáu tuần trước, khi cảnh sát chống bạo động nhận lệnh từ Tổng thống Sarkozy tiến hành phá vây nhà máy lọc dầu Grandpuits ở phía đông Paris đang bị người biểu tình phong tỏa. Chính phủ đã kiểm soát lại nhà máy này sau 10 ngày bị bao vây nhưng có hai người bị thương trong vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình bên ngoài nhà máy. Tổng cộng người biểu tình đã phong tỏa 12 nhà máy lọc dầu tại Pháp.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo

Trước sức ép gay gắt của những người biểu tình, chính phủ của Tổng thống Nicolas Sarkozy tỏ ra quyết tâm không lùi bước trước kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí, ngoài một số nhượng bộ và thay đổi không đáng kể. Trong khi đó, sau hai tuần biểu tình rầm rộ khiến nước Pháp rơi vào tình trạng ngổn ngang, kế hoạch cải cách chính sách hưu trí của chính phủ vẫn lần lượt được hạ viện và thượng viện Pháp thông qua hôm 22/10, với nội dung chính là nâng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62.

Kế hoạch cải cách hưu trí đã được phê chuẩn và chuẩn bị trở thành luật, nhưng các cuộc biểu tình được dự đoán sẽ còn tiếp tục trên khắp nước Pháp. Hậu quả là nước Pháp tiếp tục chìm trong những bất ổn do làn sóng biểu tình lan rộng chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nghiêm trọng nhất là việc hơn 2.000 cây xăng vẫn khan hiếm nhiên liệu phải ngừng hoạt động hoặc bán theo định mức hạn chế. Một số thành phố như Marseille rác rưởi tiếp tục chất đống trên đường phố do các nhân viên thu gom rác vẫn chưa chịu quay trở lại làm việc.

Trong khi đó, các nghiệp đoàn đã phát lời kêu gọi tiếp tục thêm hai ngày biểu tình trên quy mô lớn tại Pháp vào ngày 28/10 và 6/11 tới. Nghiệp đoàn đại diện cho các sinh viên Pháp (UNEF) còn kêu gọi biểu tình riêng vào ngày mai 26/10, trong đó hối thúc các sinh viên bãi khóa.

Một trong số nhiều cây xăng tại Pháp treo biển ngừng hoạt động do biểu tình. Ảnh: AFP.
Một trong số nhiều cây xăng tại Pháp treo biển ngừng hoạt động do biểu tình. Ảnh: AFP.

Đình Nguyễn


Giày Đại Phát solution
Số người online:
19200
Số người truy cập:
9291351