Triển lãm "Hóa thạch - Hành trình khám phá nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất" diễn ra tại Festival Huế 2022. Đây là triển lãm hóa thạch đầu tiên được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội tổ chức. Triển lãm trưng bày hơn 2.000 mẫu vật được khai quật tại nhiều địa danh trên cả nước gồm: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tây Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai... Bên cạnh đó, còn có một số hóa thạch động vật từ nước ngoài như: bò Bison cổ ở vùng Lowa (Mỹ), sọ thú cổ Oreodont từ Dakota...
Các mẫu vật có niên đại từ 10 nghìn năm đến 2,3 tỷ năm, được Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội sưu tầm, thu thập từ khắp nơi trên thế giới sau hai năm nghiên cứu. Sự kiện kéo dài từ 25/6 đến 31/10, tại di tích Bộ Học số 76 Hàn Thuyên, TP Huế.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường, chuyên gia đầu ngành về Cổ nhân học, nghiên cứu sự tiến hóa của con người cho biết: "Triển lãm tạo nên không gian khoa học - lịch sử - tự nhiên dành cho những người yêu thích cổ sinh vật học và hóa thạch, cũng là một nơi để các thế hệ trẻ tìm hiểu nhiều hơn về hóa thạch và lịch sử. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải biết bảo tồn, gìn giữ và trân trọng".
Theo Phó giáo sư Lân Cường, những dạng sống ban đầu trên Trái Đất rất khác với những dạng sống ngày nay. Trải qua 4,6 tỷ năm tồn tại, con người luôn mong muốn, khao khát khám phá lịch sử hình thành, phát triển của sự sống trên Trái Đất. Nhiều sinh vật, dạng sống từng tồn tại trong quá khứ như thực vật, động vật, nấm, nguyên sinh vật, vi khuẩn cổ, vi trùng... trải qua quá trình tiến hóa đã bị tuyệt chủng. Những di tích và di thể của chúng được bảo tồn trong các lớp đá. Tuỳ thuộc vào điều kiện bảo tồn, các di tích có thể nguyên vẹn hoặc còn phần xương, lá, cành cây, dấu vết hoạt động sống. Qua quá trình hoá thạch, những di tích đó được lưu giữ đến ngày nay.
Nhờ nghiên cứu hóa thạch, các nhà khoa học xác định tuổi tương đối của các tầng đá và môi trường cổ địa mà sinh vật từng sống. Phân tích mối quan hệ giữa các tầng đá trầm tích và hóa thạch chứa trong đó, các nhà khoa học lập ra cây phả hệ của sinh giới trong lịch sử Trái đất, bảng thời địa tầng và tuổi địa chất bao gồm các phân vị địa tầng và địa thời.
Triển lãm "Hóa thạch - hành trình khám phá nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất" đánh dấu sự khởi đầu cho hành trình tìm kiếm, lưu giữ và bảo tồn, đồng thời tái hiện lịch sử tự nhiên về sự sống trên Trái Đất hàng tỷ năm trước. Chẳng hạn, sự tồn tại của loài voi răng kiếm tuyệt chủng cách đây 4.000 năm, mẫu hóa thạch thân gỗ lớn hơn 2.000 tấn được thu thập tại mỏ than Na Dương (Lạng Sơn), ngành động vật không xương sống Tay cuộn (Brachiopoda) xuất hiện rất sớm trong đại cổ sinh...
Triển lãm thu hút nhiều lượt người tham dự. Có mặt tại buổi triển lãm trong ngày mở cửa đầu tiên, chị Diệu Hà (28 tuổi, Đà Nẵng) chia sẻ rất bất ngờ khi biết Việt Nam tồn tại khối lượng hóa thạch khổng lồ. "Mình nghĩ đây là cơ hội tốt để du khách ở mọi độ tuổi có thể ý thức hơn việc giữ gìn và bảo tồn những mẫu vật cổ xưa", Diệu Hà nói. Đưa con trai 12 tuổi đến triển lãm, chị Thùy Lâm (Quảng Trị) cho biết, con đam mê khoa học từ bé, rất thích tìm hiểu về các loài vật, khủng long, thú... nên sẵn dịp nghỉ hè chị đưa bé đến tham quan để thỏa trí tò mò.
Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội dự kiến đẩy mạnh hợp tác đa phương, tiến hành mở rộng liên kết với cộng đồng bảo tàng trong và ngoài trước. Ngoài ra, với mong muốn trở thành sân chơi lý tưởng cho những người yêu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực cổ sinh vật học và hóa thạch tại Việt Nam, Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội định hướng hợp tác với Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Đại học Mỏ Địa chất, song song các viện nghiên cứu về khảo cổ học tại Việt Nam.
Châu Vũ