Tiến sĩ Edward Tick: Tôi muốn thấy nước mắt


Bức tranh màu nước Vũ khí không còn “ác” nữa (Weapons no more malicious) của Phùng Ân Khải, 11 tuổi

 

Rất nhiều năm sau chiến tranh, khát vọng hòa bình chưa bao giờ chấm dứt. Dự án hàn gắn vết thương tâm hồn sau cuộc chiến thông qua nghệ thuật mà tiến sĩ - chuyên gia về điều trị tâm lý Edward Tick (Mỹ) đang thực hiện đã có những kết quả ban đầu với tác dụng tích cực bất ngờ.

Tuổi Trẻ đã trò chuyện với tiến sĩ Edward Tick tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM chiều 6-10, khi ông cùng đoàn cựu chiến binh và các học giả, sinh viên trở lại Việt Nam trong khuôn khổ chương trình hòa giải hằng năm do ông tổ chức:

"Rất nhiều thế hệ trong gia đình tôi phải trải qua nhiều nỗi đau và sang chấn tâm lý do chiến tranh. Dù không phải tham chiến, tôi là người phản đối chiến tranh Việt Nam ngay từ những ngày đầu tiên. Cuộc chiến đã ảnh hưởng tới tôi rất nhiều, và tôi cảm thấy đau xót khi đất nước mình sử dụng bạo lực khủng khiếp như vậy. Vì vậy, có thể nói cuộc đời tôi đã được định hình bởi cuộc chiến ở Việt Nam. Tôi đến Việt Nam để giúp các cựu binh của mình hàn gắn vết thương tâm hồn, và cũng là trách nhiệm đạo đức của tôi với Việt Nam, đem thông điệp hòa bình đến với người Việt Nam. Tôi cho rằng Việt Nam là một điển hình về chuyện chiến tranh có thể khủng khiếp và không thể chịu đựng nổi đến mức thế nào, vì vậy cần phải chấm dứt chiến tranh ở tất cả mọi nơi trên hành tinh này".

 

Ông Edward Tick tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM chiều 6-10- Ảnh: Minh Đức

 

 

Edward Tick là đồng giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận Trái tim người lính (Soldiers’Heart) cung cấp cách điều trị tinh thần và tâm lý cho những người trở về Mỹ từ các cuộc chiến. Ông đồng sáng lập Quỹ hữu nghị quốc tế Sanctuary (Nơi cư ngụ) giúp người dân Việt Nam phục hồi sau ảnh hưởng của chiến tranh.

* Vì sao ông có ý tưởng về cuộc triển lãm tranh của trẻ em Việt Nam kết hợp với những vần thơ của người Mỹ về hòa bình?

 

- 10 năm qua, tôi đã đưa các đoàn cựu chiến binh Mỹ và cả người Mỹ trở lại Việt Nam với mục đích hòa giải. Năm nào chúng tôi cũng đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh; đây là nhân chứng về những điều khủng khiếp của chiến tranh, các thành viên cảm thấy họ không thể chịu được, họ sụp ngã.

Từ khi họ xem bức tranh do thiếu nhi vẽ về hòa bình, trái tim họ như được làm dịu mát lại, cho họ hi vọng và niềm vui. Trái tim của họ được mở ra khi thấy niềm vui, sự ngây thơ trong sáng. Trẻ em chỉ muốn hòa bình và hợp tác. Và tôi đã thấy những tác động đó với những người đến xem triển lãm tại ÐH Kent (bang Ohio).

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã gửi cho chúng tôi 100 bức tranh, chúng tôi chọn và đưa lên website, thông báo cho tất cả người dân Mỹ biết, đặc biệt là các cựu chiến binh, các trường tiểu học.

Chúng tôi rất hồi hộp không biết sẽ nhận được những phản ứng nào, nhưng chỉ trong vài tháng chúng tôi đã nhận được 12.000 bài thơ từ khắp cả nước, từ em nhỏ tới người già.

 

Trẻ em Việt Nam nói lời hòa bình trên đất Mỹ

Triển lãm mang tên “Hãy nói lời hòa bình” (Speak peace: American voices respond to Vietnamese children’s paintings) vừa diễn ra tại Trường ĐH Kent, bang Ohio, Mỹ nhân kỷ niệm 40 năm ngày bốn sinh viên Mỹ bị bắn chết và 13 sinh viên khác bị thương vì phản đối chiến tranh Việt Nam. 100 bức tranh của triển lãm được chọn từ các cuộc thi vẽ về hòa bình suốt 10 năm qua do Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tổ chức.

Cuộc triển lãm như niềm khát vọng hòa bình của trẻ em Việt Nam và những người dân Mỹ này sẽ tiếp tục đi vòng quanh nước Mỹ trong 2-3 năm. Hiện các thành phố địa phương ở Mỹ đều đã đăng ký triển lãm từ nay đến tháng 12-2011. Chương trình đang tiếp tục lên kế hoạch cho những cuộc triển lãm trong năm 2012 và 2013.

QUẾ MAI

* Có điểm nào chung trong các bức tranh của các em nhỏ Việt Nam?

 

- 70% bức tranh là nói về hòa bình, nghĩa là các em muốn hòa bình. Có những bức tranh của em bé 4, 5 tuổi vẽ về cuộc chiến của Mỹ cho thấy dư chấn của chiến tranh có thể đi xuyên qua nhiều thế hệ. Không cần phải ở trong chiến tranh, người ta cũng có thể bị ảnh hưởng; đó là lý do chúng ta phải chấm dứt chiến tranh.

Nhiều bức vẽ trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Có một bức tranh nói về việc Mỹ ném bom ở Việt Nam, nhưng tên của bức tranh lại là Iraq của một em 5 tuổi. Tôi hiểu em đó nghĩ chiến tranh lúc nào và ở đâu cũng vậy. Dù còn nhỏ nhưng các em muốn người lớn dừng những điều dối trá, vì các em biết bộ mặt thật của chiến tranh.

* Mẹ Theresa khi còn sống đã từng nói: "Tôi từng được hỏi vì sao không tham gia các cuộc tuần hành chống chiến tranh. Tôi trả lời tôi sẽ không bao giờ làm điều đó, nhưng ngay khi bạn có cuộc tuần hành ủng hộ hòa bình, tôi sẽ ngay lập tức tham gia". Ðó có phải là điều ông đang làm không?

- Ðúng vậy. Tôi tổ chức hoạt động vì hòa bình và hàn gắn vết thương chiến tranh. Tôi muốn mọi người hiểu ta không chỉ có thể dừng chiến tranh, mà còn có thể thật sự hàn gắn vết thương sau chiến tranh.

Chúng ta không phải chấp nhận nỗi đau mãi mãi. Nhưng đó không phải là điều mà ai cũng nói công khai. Tôi hiểu thế giới đang bị đầu độc bởi chiến tranh.

Có một bài thơ mà tôi đặc biệt thích mang tên Tại sao của các em nhỏ học lớp 7 Trường Miller South chuyên về nghệ thuật trình diễn và thị giác ở Akron, Ohio.

Các em so sánh "Tại sao không đổi quả ngư lôi để lấy con cá heo đáng yêu? Tại sao không lấy những hàng rào dây thép gai để làm mềm nó và làm que đan chiếc áo? Em nhìn đạn bay trên bầu trời và nghĩ tại sao đó không phải là chú chim xinh đẹp?"... Thay vì chiến tranh, tại sao không phải hòa bình?

Ðúng là mỗi lần đọc lại bài thơ này, tôi rất xúc động. Ðó là bài thơ mà cả lớp cùng làm, mỗi em một đoạn dựa trên cảm hứng của bức tranh màu nước do Phùng Ân Khải (11 tuổi) vẽ.

* Có ý kiến cho rằng con người trở nên khôn ngoan hơn không phải vì thu thập những gì của quá khứ, mà vì thể hiện thái độ trách nhiệm hơn với tương lai. Ông thấy sao khi ông đến đây để cùng thu thập quá khứ...

- Ðể có trách nhiệm hơn với tương lai, trái tim của mọi người cần mở ra. Ai cũng có nỗi đau, nhưng ai cũng lấy rào chắn nỗi đau đó để không ai thấy. Tôi muốn mọi người mở trái tim để sống, để cảm nhận các cảm xúc, kể cả sợ hãi.

* Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta không muốn thấy nhau khóc, nhưng với câu chuyện này...

- Tôi muốn thấy nước mắt. Vì nụ cười sẽ đến sau những giọt nước mắt.

KHỔNG LOAN thực hiện

 


Giày Đại Phát solution
Số người online:
13675
Số người truy cập:
9282957