Rác thải và đất nhiễm xạ được thu dọn và chất đống ở một ngôi nhà tại Fukushima trong chương trình khử nhiễm của thành phố sau thảm họa hạt nhân năm 2011. Ảnh: Japan Times |
Theo Kyodo, tại một sự kiện do Mạng lưới Đoàn kết với Người nhập cư Nhật Bản (SNMJ) tổ chức hôm qua, thanh niên 24 tuổi người Việt cho hay một công ty xây dựng ở Morioka, tỉnh Iwate, đã thuê anh làm thực tập sinh nhưng không nói rõ về công việc liên quan đến khử nhiễm ở khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Đây là nơi đã xảy ra thảm họa hạt nhân sau trận động đất, sóng thần ở vùng đông bắc Nhật Bản tháng 3/2011.
Nhật Bản giới thiệu chương trình đào tạo dành cho các lao động nước ngoài từ năm 1993 nhằm chuyển giao kỹ năng cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, kế hoạch này gặp phải sự chỉ trích từ cả trong và ngoài nước vì giúp các công ty Nhật Bản nhập khẩu lao động giá rẻ.
Theo SNMJ, người Việt trên đến Nhật Bản vào tháng 9/2015 và hợp đồng của anh chỉ thông báo rằng anh sẽ làm công việc liên quan đến "máy móc, tháo dỡ và xây dựng".
Tuy nhiên trên thực tế, anh được yêu cầu loại bỏ phần đất trên bề mặt các con đường và khu dân cư ở Koriyama, tỉnh Fukushima. Anh cũng tham gia tháo dỡ các tòa nhà ở thị trấn Kawamata trước khi lệnh cấm đối với khu vực bị nhiễm xạ cao này được xóa bỏ.
Thực tập sinh người Việt nảy sinh nghi ngờ sau khi nhìn thấy một người đo độ phóng xạ tại các công trường. Anh chỉ nhận được 2.000 yen (19 USD) một ngày cho công việc khử nhiễm, chưa đến một phần ba mức tiêu chuẩn của Bộ Môi trường, bên cạnh mức lương hàng tháng khoảng 15.000 yen (140 USD) dành cho thực tập sinh nước ngoài.
Theo Liên đoàn Lao động Zentoitsu, một tổ chức chuyên hỗ trợ lao động nước ngoài tại Nhật Bản, đây là lần đầu tiên xảy ra vụ việc một thực tập sinh nước ngoài phải làm công việc khử nhiễm.
Bộ Tư pháp cùng Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã ra thông cáo hôm 14/3, khẳng định công việc tẩy rửa phóng xạ không phù hợp với mục đích của chương trình tập sự. "Nếu nội dung đào tạo khác với chương trình thì đây là hành vi phạm pháp", cục di trú thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản cho hay.
Anh Ngọc